Xuân Kỷ Hợi 2019
“Bảo bối” xuyên thế kỷ
Ở Bạc Liêu, có nhiều di tích, hiện vật đã ngoài trăm năm tuổi. “Sống” xuyên thế kỷ lại gồng gánh những giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh độc đáo nên đó cũng là những “bảo bối” của du lịch (DL) Bạc Liêu. Như là “của để dành” mà người xưa để lại cho con cháu, thụ hưởng “của cải” như thế nào, là chuyện của người đời sau.
Ở xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) có một “bảo bối” được ví là “ngôi tháp cổ ngàn năm bí ẩn ở miền Tây”. Đó là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - tháp cổ Vĩnh Hưng, được xác định có niên đại từ thế kỷ VII - VIII sau Công nguyên, thuộc giai đoạn phát triển của nền văn hóa Óc Eo. Những đợt khai quật, khảo sát của giới chuyên môn đã tìm ra nhiều hiện vật có giá trị như: tượng Nữ thần tạc theo phong cách truyền thống tượng tròn Óc Eo Phù Nam, bàn tay phải của “Tượng thần”, Linga - Yoni, và đặc biệt là bộ tượng đồng được các nhà khảo cổ học đánh giá là “bảo vật quốc gia”, trong đó có một số tượng độc bản có giá trị rất cao. Tất cả hiện có trong nhà trưng bày của di tích. Là ngôi tháp cổ duy nhất ở ĐBSCL, đây sẽ là sản phẩm “độc quyền” nếu Bạc Liêu sớm phát triển tháp cổ thành điểm DL chuyên nghiệp.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - tháp cổ Vĩnh Hưng.
Hướng về phía biển, trên đường đi ra cánh đồng điện gió, ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) còn một điểm tham quan khá lý thú cho du khách, đó là cây xoài có tuổi đời trên 300 năm, gốc to 4 - 5 người ôm không xuể. Sừng sững qua bao biến thiên lịch sử, cây xoài cổ đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường xếp vào loại cây di sản quốc gia. Ngoài ra, địa phương này còn có ngôi chùa Xiêm Cán được xây dựng từ năm 1887. Đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn những công trình mang kiến trúc đẹp mà còn hiểu hơn về văn hóa tín ngưỡng, đời sống của dân tộc Khmer Nam bộ. Chắc chắn là như thế khi Thượng tọa Dương Quân - Trụ trì chùa Xiêm Cán hăng hái bắt tay cùng chính quyền, doanh nghiệp và người dân làm DL. Mở khu ẩm thực với những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, thiết kế mô hình homestay để du khách trải nghiệm sinh hoạt đời thường của đồng bào dân tộc, mở gian hàng quà lưu niệm, tổ chức trò chơi dân gian… là những dự định sắp thành hiện thực ở ngôi chùa cổ kính này.
Cây xoài 300 năm ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T
Ngoài nhà Công tử Bạc Liêu, theo tài liệu của ngành Văn hóa, Bạc Liêu có đến 21 công trình kiến trúc đơn lẻ được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Có thể điển hình như: phủ thờ họ Cao Triều, nhà Hội đồng Phến và một số công trình được Nhà nước trưng dụng như trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, trụ sở Báo Bạc Liêu, trụ sở Trung tâm Dịch vụ đô thị... Những địa chủ thời đó đã xây dựng nên những quần thể công trình bề thế kết hợp kiến trúc Đông - Tây tạo cho nơi đây một nét đặc thù về kiến trúc nhà ở và nay đã trở thành di sản. Mục sở thị, nhiều nhà khảo cổ học đã khẳng định: Nhà cổ Bạc Liêu là “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch quốc tế, bởi họ rất “hiếu cổ”. Nếu được đầu tư trùng tu, giữ gần như nguyên bản thì đó sẽ là nguồn rất mạnh thu hút du khách do xu hướng DL hiện nay là tìm về nguồn gốc văn hóa cổ xưa.
Nhu cầu trải nghiệm của khách DL hiện nay và tương lai sẽ hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở: giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Vậy thì với những “bảo bối” xuyên thế kỷ, Bạc Liêu đã đáp ứng đến 2 trong chuỗi 3 giá trị quan trọng.
Rõ ràng, Bạc Liêu có thừa vốn liếng để làm DL!
Phan Anh
- Ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Chuẩn y Phó Bí thư Huyện ủy Đông Hải
- Tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024
- Quay hình cho các chương trình về văn hóa, ẩm thực Bạc Liêu phát trên Đài Truyền hình Việt Nam
- Bế mạc Kỳ họp thứ 21, HĐND khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026