Xuân Đinh Dậu 2017
Nhịp cầu nhân ái Báo Bạc Liêu: Nhân lên nhiều tấm lòng nhân ái
Là những người “nối” nhịp cầu Nhân ái Báo Bạc Liêu đến với những bạn đọc khó khăn, bất hạnh, mỗi một cái tết mới, chúng tôi lại có những tâm trạng khác nhau. Và mùa xuân Đinh Dậu này là một cái tết đặc biệt, khi Nhịp cầu nhân ái đã quy tụ được nhiều người cùng chí hướng dệt nên ngày càng nhiều mùa xuân cho những hoàn cảnh kém may mắn.
Ông Trần Thanh Phong - Phó tổng Biên tập Báo Bạc Liêu (thứ 2 từ phải sang) đại diện quỹ Tấm lòng vàng Báo Bạc Liêu và mạnh thường quân bàn giao nhà, tặng sổ tiết kiệm cho nhân vật “Nhịp cầu nhân ái” báo Bạc Liêu. Ảnh: T.H
Từ nhân vật trở thành “mạnh thường quân”
Trong hành trình giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, tôi đã gặp được những người thật sự biết yêu thương những con người bất hạnh, trong số đó có cô Nguyễn Thị Hạnh (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi). Gia đình cô Hạnh vốn không giàu có, nhưng lòng nhân hậu đã thôi thúc cô làm những việc ý nghĩa cho đời.
Ban đầu, cô đến với Nhịp cầu nhân ái như những nhân vật khác của chuyên mục này. Nhà dột nát, con dâu khốn khổ lén băng đồng ra đi, để lại cho cô Hạnh đứa cháu nội 7 tháng tuổi, hàng đêm khóc nấc nhớ sữa mẹ. Một nách ẵm cháu, một nách chăm chồng bệnh ung thư không tiền thuốc thang chữa trị, nước mắt dường như đã cạn. Những ngày cùng cực đó, Nhịp cầu nhân ái đã đến bên cô. Thông qua Báo Bạc Liêu và một số tổ chức cá nhân, số tiền gia đình cô nhận được lên đến hàng trăm triệu đồng.
Thời gian trôi đi, những niềm vui, nỗi buồn của cô vẫn đều đặn được chuyển tải, chia sẻ với Nhịp cầu nhân ái. Cho đến một ngày, cô Hạnh cho chúng tôi biết một quyết định táo bạo: “Cuộc đời còn lại của tôi, tôi sẽ đi làm từ thiện. Trải qua hoàn cảnh, cô càng quý những tấm lòng như các cháu!”.
Thấy chị M. ở ấp kế bên con cái nheo nhóc, chồng bị tai nạn giao thông nằm liệt giường không tiền chữa trị, không nơi ở đàng hoàng, cô Hạnh bắt đầu đem câu chuyện đau lòng này nói với nhiều người, mong tìm những tấm lòng đồng điệu. Ban đầu là cho chị M. vài ký gạo, vài trăm ngàn đồng lúc ốm đói, sau cô tính chuyện xa hơn. Nhịp cầu nhân ái - Báo Bạc Liêu biết chuyện này và đã vận động giúp đỡ gia đình chị M. gần 10 triệu đồng, liên hệ phía bệnh viện để chồng chị nhập viện. Trong lúc ấy, chính cô Hạnh lại vận động anh Dũng (Trưởng ấp Tân Tạo) và một số người khác đi xin tol cũ, cây lá… rồi kêu gọi người dân dựng cho chị M. căn nhà. Thấy chị M. và 3 đứa con co ro ngủ dưới nền đất mới, cô Hạnh lại tất tả đi xin giường cũ và xoong nồi...
Đang lo hoàn cảnh này, lại hay bên sông có người suy thận giai đoạn cuối. Không cầm được lòng, cô Hạnh lại ngược xuôi vận động thêm một nhóm bạn trong ấp để giúp đỡ. Tuổi đã gần 60, lúc nào cũng cặp nách đứa cháu nội chưa vào mẫu giáo, nhưng hễ biết cảnh khổ nào là cô lại đi và giúp theo khả năng của mình. Cô đi theo tôi nhiều chuyến từ thiện, rất nhiệt tình và cũng rất hết mình.
“Có trường hợp nào, nhớ cho hay!”
Đó là câu nói đã thành “thương hiệu” của nhiều bạn đọc báo Bạc Liêu, trong đó có chú Tám (chú Lý Thanh Sơn, ngụ ở Hộ Phòng, TX. Giá Rai). Từng làm công tác Hội Chữ thập đỏ, gắn bó cuộc đời với việc cứu trợ người nghèo, chú vẫn thường quan tâm đến những người nghèo khó, trong đó có nhiều trường hợp đăng trên Nhịp cầu nhân ái.
Mỗi khi đọc thấy hoàn cảnh đáng thương, chú hỏi thăm tường tận và trăn trở để tìm cách giúp đỡ. Chú Tám thường tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ những nơi quen biết, nhanh chóng chuyển đến tận các gia đình. Kèm theo phần tiền chú trao, lúc nào cũng có thêm nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, mì gói… Chú Tám nói: “Cho quà người ta mừng lắm cháu ơi! Đang khó khăn, một hạt gạo cũng quý”.
Quen biết hơn 2 năm nhưng mỗi lần Nhịp cầu nhân ái chia sẻ với chú về nhân vật nào, chú cũng sốt sắng tham gia. Giúp lần thứ nhất thấy chưa đủ, chú lại đi vận động để giúp lần sau, rồi lần tiếp theo. Vận động học bổng cho những đứa trẻ xong, thấy nhà cửa dột nát, chú lại lăng xăng tìm nguồn tiền để sửa lại căn nhà che mưa che nắng cho họ…
Nhiều người thường hay nghĩ, làm từ thiện là việc của những người giàu có, của doanh nghiệp, vì chính họ mới có đủ khả năng để giúp đỡ người hoạn nạn. Nhưng thật ra, nguồn lực lâu dài để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh lại là những người giàu lòng nhân ái.
Như một mạnh thường quân ẩn danh của Nhịp cầu nhân ái mấy năm nay chẳng hạn. Là một phụ nữ đơn thân, chỉ sống nhờ đồng lương hàng tháng, nhưng cứ mỗi lần thấy báo Bạc Liêu đăng Nhịp cầu nhân ái, chị lại đều đặn gửi 500.000 đồng/hoàn cảnh. Chưa hề bỏ sót trường hợp nào, có tháng, chị đóng góp cho Nhịp cầu nhân ái đến mấy triệu đồng để giúp người bất hạnh. Đó là số tiền không hề nhỏ đối với người lao động hưởng lương như chị.
Là người phụ trách Nhịp cầu nhân ái, chúng tôi lại càng trân quý biết bao những tấm lòng luôn sẵn sàng sẻ chia đùm bọc những cảnh đời không may. Từ những tấm lòng ấy mà nhiều phận người, nhiều gia đình đã tìm lại được mùa xuân tưởng chừng như mãi mãi không còn trở lại.
Đình Hải
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam