Xuân Đinh Dậu 2017
Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước
LTS: Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp mà Bạc Liêu đã vượt qua được những khó khăn, thách thức và đạt nhiều thành tựu trong năm 2016. Phát huy thành tích này, năm 2017 Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững. Đây là tinh thần nội dung cuộc trả lời phỏng vấn của đồng chí Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh trên báo Xuân Bạc Liêu 2017.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung tiếp Ngài Yakabe Yoshiori, Phó tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: M.Đ
Đồng chí Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng đồng chí Võ Văn Dũng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhận nhiệm vụ Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: M.Đ
Các đồng chí lãnh đạo Bộ NN&PTNT và tỉnh Bạc Liêu tham quan mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu. Ảnh: P.T.C
PV: Năm 2016 được xem là năm rất khó khăn trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn… đã tác động ảnh hưởng trực tiếp đến Bạc Liêu. Dù vậy, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt ở mức khá. Theo đồng chí thì những nguyên nhân chủ yếu nào đã giúp cho Bạc Liêu có được kết quả đó?
Đồng chí Dương Thành Trung: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Tuy nhiên, bước vào thực hiện kế hoạch, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức: Tăng trưởng kinh tế - thương mại toàn cầu thấp hơn dự báo đã ảnh hưởng chung đến kinh tế nước ta; hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng diễn ra phức tạp, bất thường và nhanh hơn dự báo; cộng với các khó khăn nội tại của tỉnh Bạc Liêu, như: quy mô kinh tế nhỏ; thu ngân sách thấp; kết cấu hạ tầng vừa yếu vừa không đồng bộ; nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, nhất là lao động có tay nghề, kỹ thuật cao; vị trí địa lý của Bạc Liêu bất lợi do cách xa các trung tâm kinh tế của đất nước... đã tạo nên những khó khăn, thách thức rất lớn đối với tỉnh Bạc Liêu. Nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy; sự phối hợp giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; sự điều hành quyết liệt, năng động của Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành, các cấp, cùng với sự nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Theo tôi, yếu tố cơ bản, quyết định nhất chính là sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp. Xuất phát từ nhận thức Bạc Liêu còn phát triển chậm và tụt hậu so với các tỉnh, thành phố bạn nên tinh thần, ý chí khao khát vươn lên vượt khó của người Bạc Liêu rất lớn. Bạc Liêu nhận thức rất rõ cần phải có quyết tâm, nỗ lực mạnh mẽ, kết hợp chặt chẽ giữa nội lực với ngoại lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh và linh hoạt vận dụng theo điều kiện cụ thể thì Bạc Liêu vẫn có thể vượt qua khó khăn và phát triển đi lên, mà kết quả thời gian qua đã minh chứng cho điều đó.
PV: Biến đổi khí hậu có thể diễn biến nhanh hơn theo dự báo, khi đó tình hình càng thêm phức tạp, khó lường. Bạc Liêu đã có những giải pháp chiến lược gì để “sống chung” mà vẫn ổn định, phát triển?
Đồng chí Dương Thành Trung: Theo dự báo, Bạc Liêu và vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng khan hiếm nước ngọt, theo đó xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp; đã có những kịch bản, báo cáo đánh giá khoa học khẳng định rõ điều đó. Không chỉ vậy, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào tiến trình toàn cầu hóa, tham gia trực tiếp vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thì việc cạnh tranh trực tiếp với các nước, các nền kinh tế khác là tất yếu và sẽ diễn ra ngày càng gay gắt, trực diện và Bạc Liêu chắc chắn sẽ không thể nằm ngoài xu hướng chung này. Những vấn đề này, theo cách đánh giá thì đây không chỉ là thách thức mà còn là nguy cơ. Tuy nhiên, nếu chúng ta có phương án, lộ trình phù hợp và nỗ lực đúng mức thì vẫn có thể hóa giải, biến “nguy cơ” thành “thời cơ”, tạo đà để tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững. Xuất phát từ cách tiếp cận đó, Bạc Liêu đã có những định hướng mới, thay đổi để thích ứng với những khó khăn, thách thức của thiên nhiên cũng như hòa nhập theo xu thế của thế giới, của đất nước, đó là:
Đối với sản xuất nông nghiệp, cần có phương án chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó sẽ chuyển dần diện tích cây trồng, vật nuôi nước ngọt sang nước lợ và nước mặn, mà phát triển con tôm là một hướng đi đã được xác định thực hiện và được Chính phủ đồng tình ủng hộ. Trong phát triển nông nghiệp cần có những cách làm mới, phù hợp, theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tiếp nhận và chuyển giao các công nghệ mới trong sản xuất, có lộ trình thay đổi dần từ sản xuất “truyền thống” sang “nông nghiệp công nghệ cao”. Đồng thời xây dựng, mở rộng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, không chỉ dừng lại ở sản xuất thuần túy mà cần tính đến việc làm chủ từ giống cây - con, các chế phẩm, vật tư nông nghiệp thủy sản, đến chế biến, tiếp cận thị trường xuất khẩu... Nói chung là dư địa trong lĩnh vực này còn rất lớn, nếu có cách làm phù hợp thì hoàn toàn có thể là điểm tựa để Bạc Liêu phát triển bền vững.
Song song với nông nghiệp, Bạc Liêu sẽ đặc biệt chú trọng phát triển các loại hình công nghiệp mới mà tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu, với giá thành ngày càng giảm, hoàn toàn có thể cạnh tranh với các loại hình năng lượng khác); các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày (nhằm thu hút nguồn lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp chuyển sang). Trong quá trình phát triển công nghiệp, đặc biệt quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, với ưu thế về năng lượng tái tạo, Bạc Liêu sẽ chú trọng khuyến khích phát triển các trang trại sản xuất, các nhà máy chế biến nông nghiệp sử dụng năng lượng xanh để tạo thương hiệu, tăng sự ưa chuộng của người tiêu dùng ở các quốc gia phát triển.
Trong chống chịu biến đổi khí hậu, tỉnh sẽ tăng cường kết hợp các giải pháp công trình (đê, kè, cống, đập, đường giao thông...) với các giải pháp phi công trình (bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, gây bồi tạo bãi...). Trong xây dựng, cải tạo nâng cấp đô thị, chú trọng các giải pháp thoát nước, chống ngập đô thị... Ngoài ra, về mặt kinh tế - xã hội, để phát triển bền vững, cần phát triển các lĩnh vực ít hoặc không sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trong đó ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ, tập trung đào tạo nguồn nhân lực...
PV: Xin đồng chí phác họa những nét cơ bản nhất trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 để tạo sự phấn khởi, lạc quan trong cán bộ, nhân dân?
Đồng chí Dương Thành Trung: Để phát triển nhanh và bền vững, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Bạc Liêu sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Trước hết là đẩy mạnh khai thác tiềm năng lợi thế trong nông nghiệp, thủy sản; thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả, gắn với công nghiệp chế biến sâu, thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị nông sản. Triển khai xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Phát triển các ngành kinh tế biển. Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, bền vững, có kinh tế phát triển, đời sống văn hóa xã hội phong phú, lành mạnh, vệ sinh môi trường được đảm bảo mà mục tiêu lớn nhất là đời sống bà con nông dân ngày càng tốt hơn. Trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất của lĩnh vực nông nghiệp là xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển nuôi tôm Bạc Liêu, định hướng xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện năng lượng mặt trời); phát triển các ngành dịch vụ, nhất là các loại hình du lịch mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế như du lịch sinh thái, du lịch tín ngưỡng. Đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ môi trường nhằm góp phần đảm bảo cho phát triển bền vững.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có tính kết nối, nhất là hệ thống giao thông, điện, thủy lợi, hạ tầng đô thị... theo hướng đa dạng hóa nguồn lực đầu tư mà trọng tâm là hình thức đối tác công tư (PPP).
- Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án về an sinh xã hội; đặc biệt là chương trình việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp phục vụ sản xuất, đất đai, tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học; tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, nhất là người nghèo.
- Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và công dân theo hướng tinh gọn, minh bạch, công khai để thu hút đầu tư và tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Tổ chức triển khai thực hiện việc liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cũng như tăng cường các hoạt động liên kết trong các lĩnh vực khác như liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, liên kết trong thương mại, dịch vụ, du lịch... nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
N.N.K (thực hiện)
(*) Tựa do Tòa soạn đặt
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước