Ngành Ngân hàng: Triển khai giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Thứ Sáu, 14/02/2020 | 15:34

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra đang diễn biến phức tạp và theo dự báo có thể còn kéo dài trong nhiều ngày tới, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Đào Minh Tú vừa ký công văn hỏa tốc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân khắc phục thiệt hại trước ảnh hưởng của đợt dịch này.

Theo dự báo, hoạt động xuất khẩu gạo của Bạc Liêu sẽ bị tác động không nhỏ từ thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh minh họa: T.Đ 

KỊP THỜI GỠ KHÓ CHO DN VÀ NGƯỜI DÂN

Nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức tín dụng được NHNN giao trong lúc này là phân tích, đánh giá, dự báo những thiệt hại, khó khăn của DN, người dân, khách hàng vay vốn, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp của dịch COVID-19 như: du lịch, nông nghiệp, vận tải, xuất nhập khẩu, khách sạn, nhà hàng… để chủ động có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Trong công văn hỏa tốc, NHNN yêu cầu mỗi tổ chức tín dụng phải xây dựng chương trình, kịch bản hành động với các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xét miễn giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là tích cực giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.

NHNN cũng yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và theo dõi diễn biến dịch COVID-19, ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn mình quản lý để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Song song đó, phối hợp với các sở, ban, ngành kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, định kỳ hàng tháng báo cáo NHNN Việt Nam. 

NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch bảo đảm các hoạt động giao dịch được tiến hành liên tục, bình thường, không vì bất cứ lý do gì làm gián đoạn các hoạt động ngân hàng phục vụ DN và người dân.

NHNN Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng cần ngăn chặn trường hợp lợi dụng dịch COVID-19 để xử lý những khoản tín dụng không phải do tác động của dịch.

TRIỂN KHAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Ông Lê Hồ Anh Long - Trưởng phòng Tổng hợp, Chi nhánh NHNN Việt Nam tỉnh cho biết, thực hiện chủ trương trên, ngày 5/2/2020, Chi nhánh NHNN tỉnh đã ban hành công văn triển khai đến tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn. 

Bạc Liêu bị tác động trước hết và nhiều nhất là các mặt hàng tôm đông lạnh xuất khẩu, kế đến là gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Riêng các sản phẩm nông nghiệp (kể cả cá sấu), nếu xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, không có hồ sơ hải quan thì không có cơ sở pháp lý để được hỗ trợ bằng các giải pháp khắc phục thiệt hại trong đợt dịch này.

Theo ông Long, cơ sở để các tổ chức tín dụng đánh giá thiệt hại là dựa vào hồ sơ tín dụng của DN được giải ngân cho vay trước thời điểm diễn ra dịch bệnh. Và trong phương án sản xuất, kinh doanh của DN đó phải là sản phẩm bị tác động trực tiếp từ thị trường tiêu thụ của Trung Quốc. Theo đó, nếu có nhiều DN đủ điều kiện được các tổ chức tín dụng hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì chi nhánh NHNN tỉnh sẽ định kỳ sơ kết để đề ra giải pháp phù hợp theo từng thời điểm cho giai đoạn hỗ trợ tiếp theo.

TẤN ĐẠT

--------------------------------------------------------------------------

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, NHNN Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện giải pháp cần thiết, phù hợp để phòng, chống dịch COVID-19 trong giao dịch tiền mặt trực tiếp với khách hàng. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa như trang bị khẩu trang, bảo hộ lao động…, có biện pháp phù hợp thực tế trong luân chuyển quay vòng tiền mặt, vệ sinh khử trùng khi nhập, xuất kho. Các tổ chức tín dụng được yêu cầu tăng cường các biện pháp, công cụ thanh toán không dùng tiền mặt. Khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến vừa để hạn chế sử dụng tiền mặt, vừa đẩy mạnh thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.  

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.