Khi cấp xã bác đơn yêu cầu của công dân

Thứ Tư, 07/08/2019 | 15:33

Câu chuyện liên quan đến thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật những tưởng ngay cả người dân cũng nắm rất rõ thì ở một UBND cấp xã lại làm sai. Cái sai này thật sự khiến nhiều người giật mình, lo lắng, bởi nếu trình độ nhận thức pháp luật của những người được giao trách nhiệm, có thẩm quyền không tới nơi tới chốn thì người dân biết kêu ai?!

Văn bản bác đơn của UBND thị trấn Phước Long đối với ông Phan Văn Út. Ảnh: K.K

Chuyện thật như đùa

Giữa ông Phan Văn Út và hai người anh là: Phan Việt Sơn, Phan Văn Hấu (cùng ngụ ấp Nội Ô, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) xảy ra tranh chấp. Tuy vụ việc xảy ra trong nội bộ thân tộc nhưng không tự hòa giải được, vì vậy ông Út gửi đơn đến UBND thị trấn Phước Long yêu cầu được giải quyết theo quy định của pháp luật. Thế nhưng trong quá trình giải quyết, chính quyền địa phương không thực hiện các bước hòa giải theo quy định của pháp luật khiến ông Út hết sức bất bình. Cụ thể, ngày 19/6/2019, UBND thị trấn Phước Long ban hành Văn bản số 10 với nội dung: “Bác đơn yêu cầu của ông Phan Văn Út, cư ngụ ấp Nội Ô, thị trấn Phước Long” do ông Huỳnh Văn Tèo - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Long ký tên, đóng mộc đỏ của UBND thị trấn.

Nội dung trong văn bản này có đoạn ghi: “Phần cây nước và đường mương thoát nước ông Út yêu cầu thuộc thửa đất số 71, tờ bản đồ số 94 không thuộc quyền sử dụng của ông Phan Văn Út. Đồng thời theo hiện trạng cây nước và đường mương thoát nước đã không còn sử dụng từ rất lâu và không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình ông Phan Văn Út. Do vậy, UBND thị trấn Phước Long bác đơn không thụ lý theo yêu cầu, khiếu nại của ông Phan Văn Út”.

Văn bản số 10 do UBND thị trấn Phước Long ban hành khiến ông Út dở khóc, dở cười. Bởi nếu căn cứ theo nội dung văn bản này thì đương nhiên, thị trấn Phước Long khước từ việc thụ lý yêu cầu của ông bằng hình thức bác đơn. Trong khi tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định hòa giải tranh chấp đất đai thì hòa giải ở cấp xã là một thủ tục bắt buộc. Không có biên bản hòa giải, làm sao ông Út có thể tiếp tục thực hiện quyền khởi kiện tại tòa án, hoặc yêu cầu UBND cấp huyện giải quyết?

Muốn khiếu nại thì… lên cấp trên

Ông Phan Văn Út bức xúc: Tôi tham khảo Luật Đất đai, thấy quy định tại Điều 202 ghi rất rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất ở cấp xã, thị trấn là hòa giải. Việc hòa giải phải làm đúng thủ tục, trong đó biên bản hòa giải phải được gửi đến các bên tranh chấp. Vì thị trấn công khai bác đơn yêu cầu của tôi, nên cũng không cung cấp biên bản hòa giải không thành cho tôi. Khi tôi yêu cầu được cung cấp thì đại diện UBND thị trấn cho biết, không có biên bản hòa giải không thành.

Ông Út cũng đã trực tiếp nêu thắc mắc này với lãnh đạo chính quyền thị trấn, nhưng không được ghi nhận. Đơn khiếu nại gửi đến Chủ tịch UBND thị trấn Phước Long ngày 24/6/2019, ông Út yêu cầu thu hồi Văn bản số 10 của thị trấn. Tuy nhiên theo ông Út trình bày, Chủ tịch UBND thị trấn từ chối nhận đơn khiếu nại vì đã giải quyết rồi. Muốn khiếu nại thì cứ đi lên cấp trên chứ thị trấn không giải quyết?!

Ở đây xin không bàn đến nội dung của vụ tranh chấp là ai đúng ai sai, mà chỉ nói đến việc áp dụng pháp luật và xử lý tranh chấp, khiếu nại tại đây. Trong khi một người dân như ông Út còn cố gắng thực hiện cho thật đúng quy định của pháp luật, thậm chí ngay cả khi bị bác đơn vô cớ, vẫn kiên nhẫn gửi đơn đến Chủ tịch UBND thị trấn để yêu cầu, không ôm đơn đi khiếu nại vượt cấp. Còn cơ quan hành chính cấp xã nơi đây thì lại từ chối, mà giải quyết theo kiểu… ở đây hết thẩm quyền rồi, muốn gì thì cứ lên trên khiếu nại (!?).

Thời gian qua, cấp tỉnh đã phải gồng mình gánh rất nhiều yêu cầu, khiếu nại phức tạp, kéo dài, trong đó không ít vụ vướng mắc là do những hạn chế từ cơ sở. Tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức là một chuyện, chuyện lớn hơn là niềm tin của người dân đối với chính quyền cơ sở, với việc giải quyết không dựa vào quy định của pháp luật.

KIM TUẤN

Tại khoản 3, khoản 4 Điều 202 Luật Đất đai quy định: “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình… Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.