Ý kiến bạn đọc

Để việc chấp hành pháp luật trở thành thói quen

Thứ Sáu, 14/02/2020 | 15:33

Chạy xe vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm (MBH), uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông, bạo hành trong gia đình, hút thuốc lá nơi công cộng, vứt rác bừa bãi ra đường… những hành vi vi phạm pháp luật này vẫn thường xảy ra. Cái tâm lý chỉ chấp hành pháp luật vì sợ người chấp pháp dường như vẫn chưa thay đổi đối với một bộ phận người dân.

Do có việc cần kíp phải giải quyết ở cách xa nhà đến hơn 40km nên chú H. gọi điện thuê xe ô tô chở đi. Xe đến đón, khi biết tài xế có sử dụng rượu bia, chú H. hủy bỏ chuyến đi. Mặc cho người tài xế nài nỉ, nói rằng “chỉ uống 1 lon bia thôi, không gặp giao thông đâu. Mà có gặp cũng không sao, cháu… quen…”, nhưng chú H. vẫn kiên quyết từ chối. Chú H. nói, “uống rượu bia là phạm luật rồi, anh lái xe như thế không an toàn cho tôi, cho anh và cho cả những người xung quanh”.

Hay như trường hợp ông N. (phường 5, TP. Bạc Liêu) không có giấy phép lái xe, điều khiển xe máy chở theo người bạn và gặp tai nạn giao thông. Người bạn ngồi sau tử vong, ông bị khởi tố vì vi phạm các quy tắc về an toàn giao thông. Gia đình ông N. cho rằng, ông chạy xe rất chậm, không có lỗi sao bị khởi tố? Nhưng họ quên mất một điều quan trọng nhất, việc không có giấy phép lái xe khi điều khiển phương tiện giao thông là sai luật. Một khi đã vi phạm luật ngay từ đầu, thì làm sao có thể né tránh trách nhiệm nếu xảy ra tai nạn?

Riêng ở lĩnh vực giao thông, với sự ra đời của Nghị định 100 đang khiến nhiều người tìm cách “né” sự kiểm tra của lực lượng chức năng, kiểu như nhậu xỉn thì đi xe đạp điện (mức phạt sẽ thấp). Điều đó chỉ đúng khi chúng ta đối phó với việc xử phạt, nhưng sẽ là khập khiễng nếu chúng ta kịp nghĩ tới những tai nạn giao thông do rượu bia gây ra. Dù là xe ô tô hay xe đạp điện, tai nạn giao thông không phân biệt ai, cũng không phân biệt phương tiện gì.

Trong xã hội hiện tại cũng vậy, nhiều luật được ban hành rất gần gũi với cuộc sống, thế nhưng, lại không được người dân chấp hành nghiêm. Điều đó thể hiện ở ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân vẫn khá thấp. Điển hình như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng hay việc cấm xả rác, không ít người gần như không ý thức việc phải chấp hành pháp luật vì cuộc sống lành mạnh của mình, của gia đình và cả xã hội.

Đến bao giờ, ý thức chấp hành pháp luật trở thành thói quen thì khi đó, xã hội mới ngày càng văn minh, tiến bộ.

Kim Kim

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.