Xử lý mạnh nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện

Thứ Tư, 11/09/2019 | 15:44

Hành vi đánh bắt cá, tôm bằng xung điện đã bị Nhà nước nghiêm cấm bởi nó làm sụt giảm, suy kiệt nguồn lợi thủy sản cả trước mắt và lâu dài. Hiện nay, mặc dù mức phạt đối với hành vi này tăng hơn gấp đôi, song vẫn còn không ít người dùng xung điện để đánh bắt thủy sản.

KHAI THÁC THỦY SẢN THEO KIỂU HỦY DIỆT

Thời gian gần đây, UBND các phường, xã, thị trấn trong tỉnh đã ban hành nhiều quyết định xử phạt hành chính đối với người sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt cá, tôm. Hành vi khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt này đã bị Chính phủ nghiêm cấm từ năm 1998.

Ông Trần Xí Khuôl, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: “Việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản làm chết toàn bộ thủy sản dưới nước, gây tác động xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái nguồn lợi thủy sản, và nguồn lợi thủy sản sẽ khó phục hồi. Còn người sử dụng xung điện có thể bị điện giật ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tử vong”.

Theo tài liệu của Chi cục Thủy sản Bạc Liêu, khi sử dụng điện, các loài cá, tôm, thủy sinh trong bán kính 2m đều bị tiêu diệt, trong đó có toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du. Từ đó làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, dẫn đến sụt giảm nhanh số lượng các loài thủy sản, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học.

Để đánh bắt 1 con cá bằng xung điện sẽ giết chết 200 con (loài) khác do bị ảnh hưởng của điện từ phóng ra. Ngoài ra, kiểu khai thác này còn gây biến dị, đột biến cho các loài thủy sản, trực tiếp làm thay đổi các yếu tố môi trường nước.

Công an xã Phong Tân (TX. Giá Rai) bắt quả tang vụ bắt cá bằng xung điện trên địa bàn.

XỬ LÝ NHIỀU VỤ VI PHẠM

Năm 2018, lực lượng công an trong tỉnh đã xử lý 54 vụ liên quan 54 đối tượng dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép, xử phạt hành chính trên 100 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành chức năng tiếp tục phát hiện 48 vụ. Trong 3 tháng gần đây, số vụ khai thác thủy sản bằng xung kích điện tăng mạnh so với cùng kỳ.

Thượng tá Huỳnh Văn Sáng, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy - Công an tỉnh, cho biết đơn vị đã tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn hành vi dùng xung điện, kích điện đánh bắt thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các ngành, đoàn thể, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc dùng xung điện để đánh bắt thủy sản trái phép. Chỉ đạo lực lượng trinh sát tăng cường bám sát địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm có nhiều đối tượng dùng xung kích để khai thác thủy sản trái phép nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tại xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, chỉ trong 2 ngày (26 và 27/8/2019), lực lượng công an đã bắt quả tang 6 vụ dùng xung điện để khai thác thủy sản. Trong đó có 2 đối tượng vi phạm là anh em ruột ở ấp Nhà Dài B (xã Châu Hưng A).

Theo Trung tá Trần Minh Khoa, Trưởng Công an xã Phong Tân (TX. Giá Rai), mấy tháng nay, địa phương cũng bắt cả chục vụ dùng xung điện đánh bắt thủy sản. Vấn đề xử lý hành vi khai thác thủy sản bằng xung điện được Đảng ủy, UBND xã quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Ban Chỉ huy Công an xã đã tham mưu cấp trên tăng cường thực hiện nhiệm vụ này để bảo vệ môi trường.

Hai đối tượng ở ấp Nhà Dài B bị Công an xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) phát hiện đang dùng xung điện khai thác thủy sản.  Ảnh: N.Q

TĂNG MỨC PHẠT ĐỂ RĂN ĐE

Một số đối tượng vi phạm cho rằng, do không có vốn liếng, tay nghề, hay đất đai để canh tác nên mới chọn cách làm này. Họ nhận thức được đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, cho nên thường đi đánh bắt thủy sản tại các kênh, ruộng vào đêm khuya, nơi ít người qua lại.

Trước đây, hành vi đánh bắt thủy sản bằng xung điện (theo Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ) bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng; đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu công cụ xung điện, công cụ sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản.

Còn từ ngày 5/7/2019, khi Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ có hiệu lực thi hành (thay thế Nghị định 103, mức phạt tăng hơn gấp đôi, hình phạt bổ sung không thay đổi. Cụ thể, Điều 28, Nghị định 42 quy định phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ xung điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá; còn việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ xung điện để khai thác thủy sản bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng.

Sử dụng xung điện để bắt cá gây ra những hậu quả khôn lường. Để giải quyết hiệu quả vấn nạn này, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tăng cường phát hiện, xử lý, chính quyền các cấp cần có những giải pháp hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm để tạo sinh kế cho họ. Đó mới là giải pháp “gốc” để dần đẩy lùi, xóa bỏ việc làm phi pháp, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Nguyễn Quốc

---------------------------------------------------

Gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở

UBND tỉnh đang dự thảo quyết định ban hành quy định về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, sẽ phân cấp và giao trách nhiệm cho chính quyền xã, phường, thị trấn về quản lý hoạt động này, còn lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng sử dụng công cụ xung điện khai thác thủy sản trái phép.

Sau khi được ban hành, có hiệu lực, quyết định trên sẽ thay thế Quyết định 22/2014/QĐ-UBND ngày 13/10/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tình hình hoạt động khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản như sử dụng công cụ xung điện để khai thác thủy sản trên đường thủy nội địa diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, hoạt động rộng trên các vùng nước nội địa tỉnh, tập trung nhiều các tuyến sông, kênh, rạch thuộc các địa bàn ven biển trong tỉnh.

Nếu Ban nhân dân ấp, khóm, chính quyền cơ sở thực hiện tốt hơn việc nắm tình hình nghề nghiệp của hộ dân thì sẽ ngăn chặn được việc người dân hoạt động khai thác thủy sản kiểu tận diệt.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.