Hải quân Việt Nam: Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Thứ Sáu, 09/08/2019 | 15:31

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” với sự tham gia của 4 tỉnh ven biển: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Tiền Giang vừa được phát động tại tỉnh Bạc Liêu. Đây là chương trình lớn, lâu dài, có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Hải quân với vai trò trợ lực quan trọng đồng hành cùng ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.   

Đại diện 4 tỉnh và Vùng 2 Hải quân ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Ảnh: T.Đ

CÙNG NGƯ DÂN BÁM BIỂN

Chuẩn đô đốc Đoàn Văn Chiều - Chủ nhiệm Chính trị Hải quân cho rằng, từ bao đời nay, vươn ra biển, chinh phục biển và làm chủ biển luôn là mong muốn, khát vọng cháy bỏng của các thế hệ người Việt Nam. Từ xa xưa, các bậc tiền nhân với những chiếc ghe, thuyền bé nhỏ nhưng bằng ý chí kiên cường, lòng quả cảm đã vượt qua muôn trùng sóng gió đại dương để xác lập chủ quyền và khai thác các nguồn lợi từ biển.

Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Quân chủng Hải quân luôn làm hết sức mình để bảo vệ các hoạt động kinh tế biển và giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển, nhất là ở vùng biển đảo xa bờ. Đặc biệt, trong công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển, CB, CS Hải quân luôn xác định là nhiệm vụ chiến đấu, luôn “lo cho dân như người thân của mình”’, “cứu dân là mệnh lệnh của trái tim”, thật sự là địa chỉ tin cậy, là chỗ dựa vững chắc cho những chuyến khai thác dài ngày trên biển. 

Trong chương trình điểm tựa cho ngư dân, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân sẽ triển khai cho các lực lượng của Vùng 2 Hải quân đang làm nhiệm vụ trên biển như: các tàu trực, tàu tuần tiễu, tàu kiểm tra, kiểm soát ngư trường, nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam… căn cứ tình hình thực tiễn hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt cho bà con ngư dân trên biển trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân. Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu ngư dân; hỗ trợ khắc phục sự cố, sửa chữa máy móc, trang thiết bị cho ngư dân trên biển. Đồng thời, Quân chủng Hải quân còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng địa phương trong triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Song song đó, các lực lượng của Vùng 2 Hải quân làm nhiệm vụ trên biển còn kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ trực, chốt giữ, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc đi cùng với bảo vệ hoạt động hợp pháp của ngư dân; bảo vệ tính mạng, tài sản của bà con ngư dân trên biển trước sự tấn công của tàu cá nước ngoài, cướp biển… Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân bám biển, bám ngư trường để phát triển kinh tế.

KHẲNG ĐỊNH VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO

Cùng các hoạt động hỗ trợ, làm hậu phương vững chắc cho ngư dân trên biển, CB, CS Vùng 2 Hải quân cũng tích cực hướng dẫn, vận động bà con ngư dân khai thác thủy sản bền vững, an toàn, đúng quy định pháp luật, không xâm phạm vào vùng biển của các nước trong khu vực.        

Với mong muốn đưa hoạt động giúp đỡ ngư dân trở thành phong trào sâu rộng, có chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, Chuẩn đô đốc Đoàn Văn Chiều, Chủ nhiệm Chính trị Hải quân đề nghị lãnh đạo các địa phương ven biển triển khai hiệu quả chương trình, tạo thành phong trào hành động thiết thực, có sức lan tỏa lớn. Còn theo Chuẩn đô đốc Nguyễn Phong Cảnh - Chính ủy Vùng 2 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Sở NN&PTNT các tỉnh ven biển cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động ngư dân tham gia cùng bộ đội Hải quân và các lực lượng chấp pháp trên biển thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc theo các phương án, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Đối với ngư dân, quyết tâm vươn khơi, bám biển không chỉ là để khai thác tiềm năng kinh tế biển, làm giàu cho gia đình, địa phương mà còn góp phần quan trọng vào việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Khi khai thác hải sản trên biển, ngư dân cần chấp hành đúng pháp luật Nhà nước Việt Nam và luật pháp, thông lệ quốc tế, nhất là thực hiện tốt Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”.

Thông qua chương trình này, Quân chủng Hải quân tin tưởng và mong rằng, bà con ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản cũng là những chiến sĩ, mỗi con tàu ra khơi là một cột mốc chủ quyền. Qua đó, góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.           

TẤN ĐẠT

Ông Lê Minh Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Phát triển đội tàu công suất lớn, khai thác hợp pháp gắn với bảo vệ chủ quyền

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Minh Chiến

Phát biểu tại buổi lễ phát động Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Minh Chiến cam kết: Bạc Liêu hưởng ứng mạnh mẽ chương trình này của Quân chủng Hải quân bằng nhiều chương trình hành động.

Cụ thể là tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với mục tiêu phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, kinh tế biển trở thành thế mạnh và là trụ cột kinh tế chính, mở rộng không gian kinh tế ra biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Để thực hiện mục tiêu đó, ngoài việc tập trung xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao thì việc tăng năng lực khai thác vùng khơi, biển sâu, biển xa, phát triển số lượng tàu có công suất lớn, đánh bắt dài ngày là rất cần thiết. Bạc Liêu luôn khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép, vỏ composite có công suất lớn, trang bị hiện đại. Phát triển sản xuất trên biển theo mô hình tổ, đội kết hợp với các mô hình dịch vụ trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân để vừa gia tăng sản lượng, hiệu quả khai thác, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và biên giới quốc gia. 

Cùng với cả nước, Bạc Liêu quyết liệt vào cuộc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhằm gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Tuy nhiên, vẫn còn một số tàu cá của ngư dân chưa chấp hành tốt quy định của pháp luật khi hoạt động trên biển, vẫn còn tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài, bị các nước bắt giữ, xử lý.

Do đó, Bạc Liêu rất mong Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh quản lý tàu thuyền hoạt động trên biển, tăng cường tuần tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời tàu cá vượt biên xâm phạm vùng biển nước ngoài…

T.Đ (lược ghi)      

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.