Quản lý hoạt động xây dựng: Cần xác lập lại trật tự, kỷ cương!

Thứ Sáu, 16/08/2019 | 15:53

Trước thực trạng trật tự xây dựng (TTXD) “rối rắm” như hiện nay, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề với sự tham dự của đông đảo đại biểu từ tỉnh đến cơ sở. Qua đây cho thấy tầm quan trọng và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý, xử lý vi phạm TTXD. Cũng tại hội nghị này đã cho thấy những khó khăn, bất cập và yếu kém trong công tác quản lý TTXD, đòi hỏi phải xác lập lại trật tự, kỷ cương bảo đảm cho tỉnh phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

Bài 2: Nhiều bất cập, yếu kém trong quản lý

>>Bài 1: Rối rắm từ đô thị đến nông thôn

Thời gian qua, sự phát triển không ngừng của các đô thị trong tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại đã cho thấy những nỗ lực rất lớn của các địa phương, cũng như trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và vai trò tham mưu của Sở Xây dựng. Tuy nhiên, do sự phối hợp thiếu nhịp nhàng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của chính quyền địa phương cho cơ quan quản lý chuyên ngành đã khiến cho hành vi vi phạm trong xây dựng diễn biến phức tạp.

ĐÙN ĐẨY TRÁCH NHIỆM

Liên quan đến vụ việc cả ngàn trường hợp xây nhà xâm phạm đê biển Đông, ông Trịnh Hoài Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm quản lý, xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đã qua các huyện: Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu chưa phân biệt rõ ranh giới phân cấp quản lý đê điều nên khi có hoạt động vi phạm mới đều đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan quản lý đê điều.

Tương tự, lãnh đạo Sở GT-VT phản ánh, Chủ tịch UBND cấp huyện mới có quyền ra quyết định xử phạt và cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Thế nhưng, chính quyền địa phương không làm, hoặc làm nửa vời rồi bỏ đó thì ngành chức năng cũng đành… "bó tay!".      

Sở Xây dựng khẳng định, công tác phối hợp xử lý giữa chính quyền địa phương và các sở, ngành tỉnh đôi lúc chưa nhất quán, thiếu tính chủ động, dẫn đến chậm trễ trong quá trình xử lý cũng như hiệu quả xử lý. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã và các cơ quan chuyên môn trực thuộc trong xem xét tính pháp lý thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện chưa tốt, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh…

Đã qua, một số hành vi vi phạm về san lấp mặt bằng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm hành lang giao thông, đê điều, kênh rạch chưa được ngăn chặn, xử lý từ đầu, để người dân xây dựng xong công trình thì mới vào cuộc xử lý. Các địa phương phần lớn chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm hành chính (phạt tiền), đình chỉ thi công công trình, nhưng chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp ngăn chặn như: tịch thu, tạm giữ phương tiện, tang vật thực hiện hành vi vi phạm, cấm công nhân vào công trình vi phạm và xử lý nghiêm nhà thầu... Cùng với đó, chưa thực hiện nhiều việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm (theo quy định là phải phá dỡ), còn có hiện tượng chọn giải pháp đơn giản, ngại va chạm, dẫn đến việc xử lý đã qua của các địa phương chưa đủ sức răn đe, không hiệu quả. Thậm chí một số địa phương còn hiện tượng xử lý nhẹ tay, hoặc phớt lờ đối với các trường hợp xây dựng vi phạm với lý do chủ đầu tư công trình là mạnh thường quân của địa phương(!?).

Mặt khác, một phần cũng do cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý TTXD - kể cả cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương - còn ít, không đủ lực lượng nên không duy trì thường xuyên lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra địa bàn, nhất là ngoài giờ hành chính, ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật.  

Một quán cà phê trên địa bàn phường 1 (TP. Bạc Liêu) xây dựng sai quy hoạch nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý, gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: H.D

NHIỀU BẤT CẬP

Theo ông Trịnh Hoài Thanh, khi làm đê biển Đông, tỉnh chỉ tập trung xây dựng công trình, còn hành lang công trình Nhà nước chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất, người dân vẫn còn sổ đỏ. Do đó, phần đất trong hành lang bảo vệ đê vẫn còn thuộc quyền sử dụng của người dân, dẫn đến việc khó xử lý các hoạt động xâm phạm.

Một bất cập mà theo Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu - Dương Chí Bình thì rất cần được tỉnh quan tâm tháo gỡ. Cụ thể, nhiều trường hợp ở Khu dân cư Bắc Trần Huỳnh (phường 1), đất đã lấy cấp cho người khác nhưng chủ dự án chưa bồi thường cho chủ đất cũ nên nhiều người đã quay lại tái chiếm và xây nhà trái phép. 

Theo quy định mới, ngoài tăng mức xử phạt hành chính gấp 4 lần thì việc khắc phục hậu quả đối với một số hành vi vi phạm TTXD sẽ bị tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu, không còn chuyện "phạt rồi cho tồn tại". Do đó, khi các cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản xử lý công trình xây dựng trái phép đã gặp sự kháng cự quyết liệt từ chủ đầu tư, gây khó khăn cho công tác xử lý.

Sự chồng chéo, thiếu phù hợp trong các quy định về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý TTXD, nhất là khâu cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND TP. Bạc Liêu phản ánh, có nhiều trường hợp đã được thành phố cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng lại không được cấp phép xây dựng, dẫn đến người dân đi khiếu nại. Điều này cho thấy, quy hoạch xây dựng trên địa bàn TP. Bạc Liêu không theo kịp quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc công khai và cắm mốc lộ giới cũng chưa được các địa phương thực hiện tốt và đầy đủ, dẫn đến người dân chưa nắm rõ các quy hoạch được phê duyệt…

QUẢN LÝ XÂY DỰNG CHƯA THEO KỊP SỰ PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI

Với tư cách là cơ quan giám sát hoạt động xây dựng, ông Phạm Văn Thiều - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành liên quan phải nhanh chóng khắc phục hạn chế, yếu kém. Bởi nếu không quyết tâm thì tình trạng xây dựng không phép, trái phép… sẽ diễn ra liên tiếp. Người này làm được thì người kia sẽ làm được, và khi đó, TTXD sẽ không còn. Cái khó nhất hiện nay là quản lý xây dựng chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Do đó, khi xã hội phát triển thì bắt buộc công tác quy hoạch và quản lý xây dựng phải phát triển theo, phải năng động, hiệu quả hơn trước. Ông Phạm Văn Thiều yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ, khi thấy còn vướng chỗ nào trong công tác quản lý nhà nước thì phải gỡ ngay chỗ đó; phải giúp người dân hiểu biết về quy hoạch, quy định về TTXD. Đừng để người dân bỏ tiền tỷ đầu tư xây nhà rồi sau đó bắt… đập bỏ là điều không thể chấp nhận. Ngay từ đầu, nếu xác định cá nhân, hoặc tổ chức xây nhà không đúng thì không cấp điện, không cấp nước, không cho vận chuyển vật liệu xây dựng…, bắt buộc các cơ quan có liên quan phải vào cuộc.

Cũng theo ông Phạm Văn Thiều, cơ quan quản lý nhà nước phải quy định lại một cách chặt chẽ, xác định rạch ròi trách nhiệm từng cấp, từng ngành. Nếu để xảy ra công trình không phép, sai phép, sai quy hoạch…, chế tài xử phạt sẽ như thế nào, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm ra sao…, thì TTXD khi đó mới hy vọng có chuyển biển tốt! Được biết trong năm 2020, HĐND tỉnh sẽ ra nghị quyết giám sát hoạt động này.      

………………………...............................................................................................................................................................................................

Theo thống kê của Sở Xây dựng, tính từ ngày 1/1/2015 đến nay, toàn tỉnh chỉ có 442/792 trường hợp chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tỷ lệ 56%). Trong đó, TP. Bạc Liêu 61%, TX. Giá Rai 60%, các huyện: Vĩnh Lợi 22%, Đông Hải 10%; đặc biệt, Hòa Bình không có trường hợp nào chấp hành quyết định xử lý của cơ quan nhà nước. Đa số trường hợp nêu trên chỉ chấp hành hình thức phạt tiền mà không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

………………………...............................................................................................................................................................................................

TẤN ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.