Chuẩn tiếp cận pháp luật - Hiệu quả đến đâu?

Thứ Sáu, 28/06/2019 | 16:26

Nhiều địa phương cấp xã, phường, khi bất ngờ được hỏi đến việc thực hiện, xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) đều tỏ vẻ khá lơ mơ. Bên cạnh những hạn chế chủ quan từ cơ sở về nhận thức đối với quy định còn khá mới mẻ này, thì cũng phải ghi nhận một điều, việc tuyên truyền còn quá mỏng, việc hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Việc cần thiết phải có công cụ đánh giá một cách hệ thống, đồng bộ, toàn diện thực trạng TCPL của người dân ngay tại địa bàn là cách thức hữu hiệu để các cơ quan nhà nước đề ra các giải pháp quản lý phù hợp, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém cũng như khuyến khích, biểu dương, nhân rộng điển hình, tăng cường khả năng tiếp cận cho người dân tại cơ sở. 

Bài 1: Đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật - còn nhiều vướng mắc

Theo quy định, cấp xã đạt chuẩn TCPL được đánh giá bằng 5 tiêu chí: bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở. Mỗi tiêu chí có các chỉ tiêu riêng, được đánh giá trên tổng điểm 100. Không ít địa phương cũng phải thừa nhận, với quá nhiều quy định chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn cụ thể, việc đánh giá chấm điểm là “tự thân” nên khó tránh khỏi bệnh hình thức, nơi thực hiện nghiêm, nơi lỏng lẻo.

Xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật là một tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong ảnh: Quang cảnh lễ công nhận xã nông thôn mới (Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai).

Sự cần thiết ban hành chuẩn TCPL

Một thực trạng tồn tại nhiều năm nay ở các địa phương, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa là các thiết chế hỗ trợ, giúp đỡ người dân TCPL phát triển chậm, chất lượng không đồng đều. Nhiều nơi, cơ chế phổ biến, thông tin, hỗ trợ giải quyết vướng mắc pháp luật, thực hiện quyền làm chủ của người dân tại cơ sở chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả mang lại chưa cao.

Theo kết quả điều tra khảo sát từ Bộ Tư pháp, tỷ lệ các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động không cao, hoạt động trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở chưa được phủ sóng, tỷ lệ người dân biết về các văn bản pháp luật mới có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như được tham gia ý kiến vào các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn ở nhiều xã, phường, thị trấn thấp. Không ít câu lạc bộ về pháp luật hoạt động còn cầm chừng, mang tính hình thức.

Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự chú trọng và đầu tư tương xứng các điều kiện bảo đảm để người dân TCPL tại cơ sở. Việc tổ chức triển khai các thiết chế pháp luật còn chủ quan, mang tính hình thức, chưa bám sát yêu cầu của người dân, chưa thuận lợi để người dân tiếp cận. Hiện tượng hành chính hóa hoặc “thả nổi” các hình thức sinh hoạt cộng đồng, thiết chế xã hội vẫn còn khá phổ biến. Trong khi đó, nếu chú trọng xây dựng chuẩn TCPL ở cơ sở sẽ vừa tạo điều kiện cho người dân TCPL tốt, vừa gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng nông thôn mới, bảo vệ và phát huy quyền con người trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bộ phận một cửa xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) đầu tư trang thiết bị hiện đại tăng tiện ích và sự hài lòng cho dân. Ảnh: K.K

Những nỗ lực bước đầu

Thực hiện Quyết định 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, tính đến hết năm 2018, tỉnh Bạc Liêu có 39/64 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, lúng túng do đây là một quy định mới, nhưng để hỗ trợ kịp thời, UBND tỉnh đã cấp kinh phí 100 triệu đồng cho các địa phương xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL. Điều này thể hiện sự quan tâm cũng như nhận thức khá tốt về tầm quan trọng của công tác này trong sự ảnh hưởng đối với việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới của chính quyền cấp tỉnh. UBND tỉnh cũng trực tiếp giao Sở Tư pháp hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL theo đúng quy định.

Để nâng cao hiệu quả triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL, Sở Tư pháp đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường các giải pháp, biện pháp và cách thức thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL trên địa bàn. Sở Tư pháp đã chọn 5 xã điểm xây dựng xã đạt chuẩn TCPL năm 2018, đồng thời ban hành công văn hướng dẫn một số hoạt động tại các xã điểm để UBND các huyện, thị xã căn cứ thực hiện.

Trong quá trình thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg, ngành Tư pháp cũng đã kịp thời hướng dẫn, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị thông qua hội nghị tập huấn, giải đáp tại các cuộc họp, kiểm tra. Đồng thời, xin ý kiến cấp trên hướng dẫn một số nội dung đánh giá xã đạt chuẩn TCPL, nhất là việc sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn TCPL để đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và sử dụng biểu mẫu Phiếu lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về giải quyết TTHC. Các huyện, thị, thành phố đã tổ chức triển khai đến các xã, phường, thị trấn, thành lập Hội đồng đánh giá TCPL và xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá TCPL theo quy định.

Vướng mắc phát sinh từ thực tiễn

Quyết định 619/QĐ-TTg về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL cũng như Thông tư 07/2017/TT-BTP quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu TCPL, đánh giá TCPL cũng gặp không ít vướng mắc. Đơn cử như chỉ tiêu về An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội - một trong các chỉ tiêu “chấm điểm” xã, phường đạt chuẩn TCPL. Thực tế nhiều đơn vị thực hiện chỉ tiêu này rất tốt, nhưng chỉ cần trong năm có xảy ra trọng án thì cũng coi như đứng trước nguy cơ không đạt. Vấn đề vướng mắc là đôi khi, người gây án lại là người từ địa phương khác đến. Hay quy định về điều kiện trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ, hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra. Thế nhưng, thực tế nhiều khi hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện từ nhiều năm trước, trước khi cán bộ đó thay đổi đơn vị công tác và xảy ra tại địa bàn xã khác, đến nay mới phát hiện. Trường hợp này đã xảy ra tại xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), xã không đạt chuẩn TCPL vì có một công chức bị xử lý kỷ luật cảnh cáo.

Không chỉ chưa lường hết được những sự kiện pháp lý liên quan, các văn bản hướng dẫn Quyết định 619/QĐ-TTg còn gây áp lực cho cán bộ xã khi phát sinh quá nhiều loại sổ sách. Sổ theo dõi cung cấp thông tin, sổ theo dõi việc cập nhật thông tin pháp luật, sổ theo dõi kết quả giải quyết TTHC, sổ theo dõi tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị về giải quyết các TTHC và các tài liệu liên quan, sổ theo dõi tình hình niêm yết TTHC… Ngay cả việc quy định về lấy phiếu khảo sát đánh giá sự hài lòng về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện TTHC, biểu mẫu này trùng với phiếu khảo sát về TTHC, khiến cán bộ cấp xã cùng một nội dung mà phải thực hiện đến 2 phiếu khảo sát, vừa mất thời gian vừa gây phiền hà cho dân. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng chưa có những hướng dẫn đồng bộ để các địa phương thực hiện thống nhất, tránh chồng chéo giữa việc phải xét quá nhiều chỉ tiêu, tiêu chí giữa các chương trình mục tiêu như xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính, phân loại đảng bộ, chính quyền đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”…

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.