Ban hành văn bản quy phạm pháp luật - Thực trạng và giải pháp

Thứ Tư, 21/08/2019 | 17:30

Bài 1: Nhiều hạn chế trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 với mục tiêu tạo khuôn khổ pháp lý trong xây dựng, ban hành VBQPPL hướng tới vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, từ đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc áp dụng và thực thi pháp luật. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập với nhiều nguyên nhân.

Hiệu quả bước đầu

Sau khi Luật Ban hành VBQPPL, Nghị định số 34 được ban hành, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Việc triển khai thi hành luật và các văn bản quy định chi tiết đến cán bộ, công chức thuộc diện quản lý bằng nhiều hình thức như: tổ chức phổ biến, tập huấn, đào tạo tại chỗ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực xây dựng pháp luật (XDPL) cho đội ngũ công chức. Tạo điều kiện cho công chức phụ trách lĩnh vực tham gia đầy đủ các hội nghị phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng do ngành Tư pháp tổ chức, nhất là những hội nghị phổ biến, quán triệt các quy định mới. Đảm bảo đội ngũ làm công tác XDPL về cơ bản nắm được tinh thần và nội dung mới của luật năm 2015.

Quá trình triển khai thực hiện luật, qua khảo sát cho thấy nhận thức của các cấp, các ngành ở địa phương được nâng lên một bước về ý nghĩa, vai trò của công tác XDPL, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động XDPL, góp phần đưa công tác XDPL ngày càng đi vào nền nếp. Các quy trình từ việc chuẩn bị hồ sơ trình, bảo đảm thời hạn trình, tuân thủ thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản, việc đăng Công báo, đăng tải VBQPPL trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được thực hiện nghiêm túc. Chất lượng của VBQPPL ngày càng được nâng cao, nội dung của VBQPPL bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản bảo đảm tính hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đa số văn bản bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ảnh minh họa: Internet

Vướng mắc từ thực tiễn áp dụng

Luật Ban hành VBQPPL có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, mang tính đột phá, trong đó, một trong những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương phải thực hiện như: đánh giá chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh. Đây là nhiệm vụ mới, khó, qua nhiều công đoạn nên mất thời gian, nguồn lực cho việc tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đánh giá chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được thực hiện không đảm bảo, cấp huyện thì gần như chỉ làm qua loa, chiếu lệ.

Cụ thể, trong quy trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL, đối với các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp tỉnh trước khi soạn thảo phải thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng văn bản. Trong giai đoạn này, cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản phải thực hiện một số nhiệm vụ như đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, gửi hồ sơ đề nghị để Sở Tư pháp thẩm định chính sách, trình cơ quan có thẩm quyền thông qua chính sách… Đây là một giai đoạn đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, tuy nhiên, không ít trường hợp, vì nhiều lý do cần ban hành chính sách sớm, gấp, các cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo thực hiện không đúng quy định về thời hạn. Chẳng hạn như việc quy định thời gian đánh giá tác động chính sách phải đảm bảo, nhưng không ít văn bản vì cần trình gấp mà thời gian cho quá trình đánh giá tác động chỉ từ 1 - 2 ngày, hoặc “nhắm mắt” cho qua, dẫn đến không ít văn bản, khi đưa vào thực tiễn áp dụng sau đó không triển khai được, không phù hợp với đời sống. Điều đáng nói là giai đoạn quan trọng, cần thiết như đánh giá tác động của chính sách từ quy trình đánh giá tác động đến yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động của chính sách hầu hết vẫn chỉ thực hiện một cách hình thức. Nhiều báo cáo đánh giá tác động của chính sách còn sơ sài, chủ yếu sử dụng phương pháp đánh giá định tính, chưa làm rõ được sự cần thiết ban hành văn bản, hoặc chưa làm nổi bật được những chi phí mà xã hội phải thực hiện so với lợi ích quản lý mà Nhà nước thu về của mỗi chính sách. Ý kiến của các đối tượng chịu tác động trong các phần đánh giá tác động khá mờ nhạt, chưa nói là không lấy được ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động. Các cơ quan, ban ngành được lấy ý kiến đều nhận thức mơ hồ trách nhiệm của mình, trả lời theo kiểu hình thức, chiếu lệ cho xong.

Một vấn đề vướng mắc nữa chính là cách xác định VBQPPL. Cùng một nội dung nhưng có địa phương ban hành VBQPPL, có địa phương lại ban hành văn bản cá biệt. Vì vậy, quá trình thực hiện còn thiếu thống nhất. Nhiều địa phương khi đánh giá việc tổ chức thi hành Luật Ban hành VBQPPL đã phản ánh đối với cách xác định VBQPPL, mặc dù luật quy định rõ hơn khái niệm “VBQPPL” và khái niệm “Quy phạm pháp luật” để xác định những văn bản do một số cơ quan, người có thẩm quyền ban hành không phải VBQPPL. Tuy vậy, trong thực tiễn áp dụng, vẫn còn nhiều lúng túng trong việc xác định văn bản nào là VBQPPL. Một số địa phương cũng gặp khó khăn trong việc xác định hình thức văn bản để bãi bỏ VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã đã ban hành trước ngày Luật Ban hành VBQPPL có hiệu lực. Ở nhiều cấp xã, hầu hết vẫn còn băn khoăn việc khi nào thì được quyền ban hành VBQPPL, khi nào thì không. Tình trạng ban hành văn bản theo kiểu sao chép nội dung của các văn bản Trung ương về áp dụng cho địa phương vẫn còn xảy ra, nhất là ở cấp xã, cấp huyện.

………….................................................................................................................................................................................................................

Tính đến thời điểm hiện nay, trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đang từng bước được thực hiện theo đúng quy định mới của luật năm 2015. Đối với đề nghị xây dựng nghị quyết do UBND tỉnh trình thì trước khi trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, chấp thuận đề nghị, cơ quan lập đề nghị đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định, gửi Sở Tư pháp thẩm định đầy đủ. Đối với quy định về lấy ý kiến đề nghị xây dựng VBQPPL, các đề nghị, dự thảo VBQPPL ở địa phương đều được tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, các cơ quan, tổ chức có liên quan với nhiều hình thức phù hợp. Đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh, các dự thảo VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh đều được gửi lấy ý kiến Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh.

………………..........................................................................................................................................................................................................

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.