Ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn: Linh hoạt và chủ động thích nghi

Thứ Sáu, 17/04/2020 | 16:24

Có thể nói, một trong những kết quả đáng ghi nhận trong công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian qua chính là Bạc Liêu đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó từ cuối năm 2019. Với những giải pháp và chỉ đạo quyết liệt, đến nay Bạc Liêu chưa xảy ra thiệt hại lớn và sản xuất tiếp tục được duy trì.

Diện tích rau màu của nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) bị ảnh hưởng do triều cường và xâm nhập mặn. Ảnh: L.D

Qua thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn nên khu vực cuối nguồn nước ngọt, diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại chỉ chiếm hơn 300ha (so với tổng diện tích sản xuất vụ đông xuân hơn 47.540ha). Diện tích bị thiệt hại chủ yếu nằm ở địa bàn TX. Giá Rai và phần lớn là diện tích do nông dân không tuân thủ các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Riêng diện tích vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A được đảm bảo, do UBND tỉnh đã tập trung làm tốt công tác chỉ đạo, vận hành hệ thống thủy lợi và điều tiết nước, đặc biệt là vận hành tốt Âu thuyền Ninh Quới.

Có một tin vui để động viên và chia sẻ khó khăn với các tỉnh khu vực ĐBSCL phải chịu nhiều tác động tiêu cực do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Trong tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định 504 hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL.

Theo đó, Chính phủ hỗ trợ 530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 cho 8 tỉnh gồm: Bến Tre 70 tỷ đồng, Long An 70 tỷ đồng, Tiền Giang 70 tỷ đồng, Cà Mau 70 tỷ đồng, Kiên Giang 70 tỷ đồng, Sóc Trăng 60 tỷ đồng, Trà Vinh 60 tỷ đồng và Bạc Liêu 60 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được dùng để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như: bơm nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt…

Để phát huy hiệu quả đồng vốn hỗ trợ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương cần kết hợp thêm nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để triển khai khẩn cấp các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đúng quy định, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, cùng với các giải pháp chủ động ứng phó và hỗ trợ của Chính phủ, Bạc Liêu cần xây dựng một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài hơn, trước hết là tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng linh hoạt và chủ động thích ứng. Bởi thực tiễn đã chứng minh, Bạc Liêu tuy đã ban hành Kế hoạch tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ năm 2018 (Quyết định 1415/QĐ-UBND), thế nhưng kế hoạch này vẫn còn chưa đủ sức hóa giải các nguy cơ trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và Bạc Liêu lại là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng sâu sắc từ hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Có rất nhiều bất cập trong thực hiện kế hoạch trên, mà cụ thể là công tác quy hoạch sản xuất. Đến nay, ở nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được quy hoạch sản xuất tổng thể và quy hoạch sản xuất ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Do vậy, khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng luôn bị động, lúng túng và gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Cụ thể như khu vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau màu ven biển Bạc Liêu đến nay vẫn chưa xây dựng được các mô hình ứng phó với triều cường, nước biển dâng. Do đó, khi xảy ra triều cường kết hợp với mưa lớn thì gần như bị ngập cục bộ, dẫn đến nhiều diện tích thất trắng.

Không chỉ có quy hoạch, để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng thì cần thêm các giải pháp khác về công trình và phi công trình như: thay đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng và vật nuôi, ý thức của người nông dân trong tuân thủ lịch thời vụ và thực hiện tốt các khuyến cáo, cảnh báo ngành Nông nghiệp…

Phải chủ động hòa nhập và “sống chung” với hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng là chuyện tất yếu mà người nông dân phải đương đầu. Do vậy, giải pháp duy nhất vẫn là sự linh hoạt và chủ động để hóa giải các thách thức, nguy cơ trở thành cơ hội cho phát triển bền vững.

LÂM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.