Ô nhiễm môi trường từ những khu nuôi tôm siêu thâm canh tự phát

Thứ Hai, 03/06/2024 | 15:49

Những năm qua, lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp phát triển khá nhanh trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, mặt trái của việc phát triển “nóng” các vùng nuôi khi hạ tầng kỹ thuật về quản lý, xử lý chất thải, nước thải chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ đã tác động không nhỏ đến môi trường.

NHIỀU HỆ LỤY

Nhằm phát triển nghề nuôi tôm bền vững, thuận thiên, từ năm 2022, tỉnh đã ban hành Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, các hộ nuôi tôm theo mô hình thâm canh, siêu thâm canh phải bố trí tối thiểu 15% tổng diện tích ao nuôi để làm ao chứa/lắng; tối thiểu 10% tổng diện tích ao nuôi dành cho ao xử lý nước thải. Các chất thải trong NTTS phải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Tuy nhiên, do thiếu quản lý, giảm sát và một phần kinh phí còn hạn hẹp nên thay vì đầu tư hạ tầng đồng bộ, bài bản theo quy định, các hộ nuôi, doanh nghiệp thường chỉ tập trung đầu tư vào hạ tầng khu nuôi, hệ thống cấp, thoát nước cho ao. Khi đi vào vận hành, các chủ đầm tôm xử lý nước xong thường xả thẳng nước ra kênh, mương chung và nơi cấp nước lại trở thành mương chứa nước thải. Vì thế, môi trường tại các vùng nuôi tôm ngày càng ô nhiễm và không ai dám dùng hệ thống mương chung.

Ông N.H.D (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Trước đây, lượng tôm, cá trên các tuyến kênh này rất nhiều, người dân có thể đặt lú, dớn, quăng chài hoặc mò tay cũng có thể bắt được. Tuy nhiên, những năm gần đây, trên các tuyến kênh này còn rất ít tôm, cá do nguồn nước bị ô nhiễm, chúng không còn nơi trú ngụ, sinh sản. Không những vậy, khu vực nào nuôi mật độ dày, nước từ các đầm tôm thải ra môi trường có màu đen, mùi hôi rất khó chịu và không ai dám lấy nước này vào vuông để nuôi tôm, cá như trước”.

Một hộ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) xả thải từ ao nuôi ra môi trường. Ảnh: C.L

CẦN MẠNH TAY XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP VI PHẠM

Toàn tỉnh hiện có hơn 140.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 21.000ha nuôi thâm canh và trên 5.000ha nuôi siêu thâm canh với 21 doanh nghiệp và 650 hộ cá nhân. Đây vừa là động lực giúp ngành kinh tế thủy sản phát triển và cũng là một áp lực không hề nhỏ cho ngành quản lý cũng như các địa phương trong công tác bảo vệ môi trường để lĩnh vực nuôi tôm phát triển đúng hướng, phù hợp với mục tiêu mà Bạc Liêu đã đặt ra: không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế.

Để có thể thực hiện được “mục tiêu kép” này, Bạc Liêu cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các trường hợp vi phạm, tái phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kỹ thuật để những hộ nuôi tôm nắm bắt kịp thời chủ trương và làm theo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần khuyến khích các hộ nuôi áp dụng các kỹ thuật mới trong quản lý, xử lý nguồn nước từ khâu đầu vào, đầu ra, chất thải phát sinh trong quá trình nuôi. Nhất là thiết kế một chế độ cho ăn phù hợp như sử dụng thức ăn chất lượng cao và thực hiện các biện pháp cho ăn phù hợp (cho ăn đúng lượng và đúng thời điểm).

Về lâu dài, tỉnh cần sớm rà soát, đánh giá lại quy hoạch các khu vực nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn để có sự điều chỉnh, đầu tư hạ tầng cho phù hợp. Theo đó, ngoài kế hoạch đầu tư của Nhà nước, cần ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, nâng cấp các vùng nuôi theo tiêu chí an toàn, bền vững của tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP; huy động và gắn trách nhiệm các chủ đầm tôm vào đầu tư hệ thống xử lý nước thải đầm tôm trước khi xả ra môi trường; từng bước xây dựng các cơ sở nuôi tôm công nghiệp bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.