Nước ngọt điều tiết về giải cứu lúa đông xuân

Thứ Hai, 16/03/2020 | 18:01

Tại các tuyến kênh đầu nguồn từ kênh Phú Lộc - Ngã Năm (Sóc Trăng) đến kênh Cầu Sập - Ninh Quới, những ngày qua, nước ngọt đổ về với lưu lượng khá lớn. Nước về giúp giải tỏa khô hạn cho nhiều diện tích lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh bước vào giai đoạn làm đòng, trỗ bông. Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con có biện pháp tưới tiêu phù hợp, đồng thời tích trữ nước để phục vụ sản xuất khi tình hình hạn, mặn được cảnh báo là sẽ tiếp tục diễn ra ngày càng khốc liệt.

Công nhân mở cống Năm Kiệu (Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) để điều tiết nước cho Bạc Liêu.

Trước tác động tiêu cực của hạn mặn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh (nhất là ở TX. Giá Rai - địa phương nằm cuối nguồn nước ngọt) đã bị thiệt hại khi sản xuất lúa vụ 3. Song, nhờ chủ động trong sản xuất, cơ cấu hợp lý lịch mùa vụ, tuân thủ các khuyến cáo của ngành chức năng, phần lớn diện tích sản xuất lúa của nông dân vẫn phát triển ổn định, đảm bảo nguồn thu nhập.

Để có được kết quả trên, ngay từ đầu vụ, TX. Giá Rai đã xây dựng các phương án sản xuất phù hợp cho từng vùng trên địa bàn; đưa phương tiện cơ giới nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh nội đồng để dẫn nước vào các cánh đồng nằm xa các trục kênh chính. Anh Trần Chiến (xã Phong Thạnh Đông, TX. Giá Rai) chia sẻ: “Năm nay nắng hạn dữ quá! Nhờ các cấp chính quyền thị xã quan tâm trong việc điều tiết nước vào nội đồng mà vụ lúa đông xuân năm nay chúng tôi mới trúng mùa, được giá”.

Còn tại xã Hưng Phú (huyện Phước Long), tranh thủ nguồn nước ngọt đổ về, những ngày qua bà con nơi đây bơm, dẫn nước vào ruộng để giúp lúa phát triển tốt. Mặt khác, việc nước sông dâng cao còn giúp các phương tiện thu mua lúa của người dân ra vào thuận tiện, nhờ đó, giá lúa tươi những ngày qua đã tăng thêm 100 - 200 đồng/kg.

Theo Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2019 - 2020, nông dân trong tỉnh đã xuống giống 47.544ha. Đến nay, bà con đã thu hoạch gần 6.000ha lúa đông xuân sớm, năng suất từ 5 - 5,5 tấn/ha. Giá lúa không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước. Hiện, giá lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng từ 4.900 - 5.200 đồng/kg (tùy loại giống). Sau khi trừ chi phí, bà con lãi từ 2,5 - 3 triệu đồng/công. Theo dự báo, nguồn nước ngọt từ nay đến cuối vụ sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho vụ lúa đông xuân 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

TX. Giá Rai nạo vét kênh nội đồng để dẫn nước vào ruộng cho nông dân.​ Ảnh: C.L

Song song với việc chống hạn cho trà lúa đông xuân, các huyện nằm trong vùng chuyển đổi tôm - lúa nằm ở phía Bắc Quốc lộ 1A cũng đang hỗ trợ bà con thả giống dứt điểm vụ tôm trên đất lúa. Năm nay, do thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng cao nên việc xuống giống tôm gặp khá nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Mì (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) bày tỏ: “Đầu vụ tôm, do nắng nóng và độ mặn trong nước cao nên khi tôi thả tôm giống xuống đều chết hết. Cán bộ nông nghiệp đã hướng dẫn tôi chờ dẫn nước về để lấy nước vào ruộng cho độ mặn loãng rồi thả giống, nhờ vậy tôm không bị hao hụt. Tôi hy vọng vụ tôm này thành công để lấy vốn đầu tư cho vụ lúa”.

Theo kế hoạch, năm 2020, nông dân huyện Phước Long canh tác hơn 12.000ha tôm trên đất lúa. Đến nay, bà con hoàn thành việc thả giống, nhiều diện tích tôm nuôi đang phát triển tốt. Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: “Để cùng lúc điều tiết nước cả mặn và ngọt, huyện đã xây dựng các đập tạm để phân ranh mặn - ngọt. Đồng thời khuyến cáo bà con ở cả hai vùng mặn - ngọt nên tuân thủ lịch thời vụ để tránh xảy ra tình trạng xung đột nguồn nước. Phòng NN&PTNT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan điều chỉnh, điều tiết nước phù hợp, giúp bà con sản xuất lúa, thả tôm nuôi đúng mùa vụ theo kế hoạch đề ra”.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.