Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Nông nghiệp Bạc Liêu: Chú trọng phát triển chuỗi giá trị ngành tôm
Tiếp tục đà phục hồi năm 2023, xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 có sự tăng trưởng mạnh. Đây thật sự là điểm sáng, giúp Bạc Liêu lọt vào tốp đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Nông dân thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN TĂNG
Trong bối cảnh chính trị thế giới biến động khó lường, tình hình kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là biến động về giá cả nguyên vật liệu xây dựng, xăng dầu, vàng, thực phẩm… đã tác động trực tiếp đến ngành Nông nghiệp. Trước tình hình này, với quyết tâm tạo động lực để phát triển, Bạc Liêu đã đề ra nhiều biện pháp và thực hiện quyết liệt. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp tăng 6,15%, góp phần tăng trưởng chung của tỉnh đạt 5,74%, đứng thứ 8/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngành Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là trụ đỡ trong nền kinh tế chung của tỉnh. Cụ thể, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 370 triệu USD, bằng 31,98% kế hoạch, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm đông lạnh ước đạt 353,79 triệu USD, bằng 31,31% kế hoạch, tăng 6,93% so với cùng kỳ.
Hiện tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với công suất chế biến thiết kế gần 300.000 tấn/năm. Theo Sở Công thương, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản đã thực hiện các giải pháp linh hoạt để thích ứng kịp thời với diễn biến của tình hình tiêu thụ thị trường thế giới. Trong đó, nhiều DN đã tập trung vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu, thâm nhập vào các thị trường truyền thống như: Mỹ, Nhật Bản, liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới. Điển hình là Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods F89 (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) - một trong những DN có quy mô sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Văn Minh - Giám đốc Công ty chia sẻ, trước những khó khăn và thách thức do suy giảm kinh tế thế giới, Công ty đã kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ, liên minh châu Âu.
Phân cỡ tôm nguyên liệu trước khi chế biến. Ảnh: M.Đ
ĐẨY MẠNH TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG
Nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; khuyến khích các DN đăng ký thương hiệu sản phẩm hàng hóa và quảng bá sản phẩm gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu tôm Bạc Liêu.
Với giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của Bạc Liêu. Tỉnh có trên 140.000ha nuôi trồng thủy sản với các mô hình như: nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; thâm canh - bán thâm canh; quảng canh cải tiến kết hợp; tôm - rừng; tôm - lúa. Riêng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản lượng tôm nguyên liệu chiếm 1/3 tổng sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh. Năng suất của mô hình này tăng từ 10 - 15 lần so với các mô hình nuôi tôm khác. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 25 công ty, đơn vị và gần 900 hộ dân áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.
Hiện nay, Bạc Liêu tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm áp dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng đến liên kết giữa nông dân với DN cung ứng các yếu tố đầu vào và với các DN chế biến, tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi liên kết giá trị mang lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, nhân rộng các hình thức liên kết này, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả, bền vững. Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa.... nhằm xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh có giải pháp giúp các DN đẩy mạnh hợp tác với các hợp tác xã, người nuôi tôm thông qua ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, giúp đỡ người nuôi tôm về quy trình kỹ thuật nuôi, chọn giống, thức ăn, thuốc thú y, kiểm soát dịch bệnh, nhất là kỹ thuật bảo quản tôm nguyên liệu sau khi thu hoạch.
Bên cạnh đó, các DN chế biến xuất khẩu tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh. Tỉnh cũng khuyến khích các DN đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới vào các thị trường, đa dạng hóa đối tác và nguồn hàng, hạn chế phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào một số thị trường; giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống: Nhật Bản, Mỹ, liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc... và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới.
MINH ĐẠT
- Ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Chuẩn y Phó Bí thư Huyện ủy Đông Hải
- Tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024
- Quay hình cho các chương trình về văn hóa, ẩm thực Bạc Liêu phát trên Đài Truyền hình Việt Nam
- Bế mạc Kỳ họp thứ 21, HĐND khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026