Ngành Nông nghiệp tỉnh: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển

Thứ Hai, 23/03/2020 | 15:54

Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang gây ra nhiều thiệt hại cho các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, khiến cuộc sống của nhiều nông dân lâm vào cảnh túng quẫn vì mất mùa. Tại Bạc Liêu, đỉnh hạn, mặn rơi vào thời điểm hàng chục ngàn héc-ta lúa đông xuân bước vào giai đoạn trổ bông. Thế nhưng, nhờ chủ động thích ứng và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, các địa phương nên nông dân có được vụ mùa thắng lợi.

Nhiều địa phương trong tỉnh sên vét kênh thủy nông nội đồng để trữ nước ngọt cho lúa đông xuân. Ảnh: M.Đ

Chủ động ứng phó hặn, mặn

ĐBSCL được xác định là một trong những vùng chịu tác động mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Trước đây, nhiều nơi chưa hề chịu ảnh hưởng thì nay nước mặn đã xâm nhập vào các nhánh sông, có địa phương nước mặn lấn sâu vào nội đồng làm nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại.

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn, mặn năm 2020, Bạc Liêu đã xây dựng các kịch bản ứng phó theo từng diễn biến cụ thể của thời tiết. Đó là khuyến cáo người dân ở một số nơi không xuống giống vụ lúa đông xuân; định hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp; cơ cấu lại mùa vụ… Từ đó, giúp các địa phương trong tỉnh chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với hạn, mặn. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư đồng bộ, kiên cố hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng để giúp cho khâu tiêu thoát nước được thuận tiện, thông suốt.

Ông Nguyễn Quốc Trinh (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: “Năm nay nắng hạn gay gắt, nhưng nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi, khơi thông, nạo vét kênh mương thường xuyên nên vẫn đủ nước cho cây lúa. Nhờ vậy năng suất lúa đạt khá cao, bà con vui mừng, phấn khởi”.

Mới đây, trong chuyến khảo sát thực tế để kiểm tra công tác phòng chống hạn, mặn ở hai huyện Phước Long và Hồng Dân, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương đánh giá cao những nỗ lực mà UBND tỉnh thực hiện trong việc chủ động ứng phó với hạn, mặn trong thời gian qua. Đồng thời chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác dự báo nhằm chuẩn bị các điều kiện ứng phó với thời tiết bất thường; tổ chức chuyển đổi mùa vụ một cách khoa học, linh động, sát với tình hình thực tế; có thể gieo trồng sớm hơn so với canh tác truyền thống để tránh hạn, mặn; nghiên cứu, áp dụng các loại giống cây trồng mới có khả năng chịu hạn tốt. Đặc biệt, khu vực chuyển đổi của huyện Phước Long cần nghiên cứu và nhân rộng canh tác giống lúa ST24 và ST25 (hai giống lúa đã có thương hiệu trên thế giới). Việc mở rộng diện tích canh tác giống lúa này vừa giúp nông dân tăng thêm thu nhập vừa tạo nguồn nguyên liệu để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài.

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch lúa đông xuân sớm.

Thích ứng với BĐKH

Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn, hội thảo, các nhà khoa học liên tục đưa ra các khuyến cáo đối với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về những tác động của BĐKH, đặc biệt là tình hình hạn mặn, sạt lở, triều cường. Qua đó đề ra nhiều giải pháp để chuyển đổi cũng như thích ứng với tình hình thực tế.

Tại Bạc Liêu, nhiều giải pháp thích ứng với BĐKH đã được nông dân triển khai và bước đầu cho thấy hoàn toàn phù hợp với sự thay đổi tự nhiên, các biến động của thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Đơn cử là chuyển đổi các mô hình từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như: Lúa - cá, lúa - tôm, lúa kết hợp trồng năng, đưa màu xuống ruộng… Đồng thời liên kết với các công ty, doanh nghiệp để chế biến, giúp tăng giá trị các mặt hàng nông sản. Đây là các mô hình “thuận thiên” theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó với BĐKH theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Thương lái thu mua lúa của nông dân. Ảnh: C.L

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã định hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Phương thức này đảm bảo cho các bên tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung - cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tập trung xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất tốt và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch. Liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã... để sản xuất nông nghiệp hiện đại, an toàn theo chuỗi giá trị, từ đó tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Anh Huỳnh Mười Hai (xã Phong Tân, TX. Giá Rai) cho biết: “Thời gian qua, nhiều công ty, doanh nghiệp đã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác lúa. Nhờ vậy, bà con yên tâm sản xuất và không còn lo đầu ra cho sản phẩm. Đây thật sự là niềm vui của nông dân”.

BĐKH đang tác động mạnh đến đời sống, sinh kế của người dân, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do vậy, để phát triển bền vững cần có sự đổi mới trong tư duy, nhận thức; sẵn sàng năng lực ứng phó, năng lực chuyển đổi của cả hệ thống chính trị và người dân. Như vậy, chúng ta mới có thể chuyển từ việc ứng phó bị động với BĐKH sang chủ động thích ứng với BĐKH một cách “thuận thiên”.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.