Đồng bào Khmer trong tỉnh: Thay đổi kỹ thuật canh tác, nâng cao thu nhập

Thứ Hai, 13/04/2020 | 16:43

Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đồng bào Khmer trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực xây dựng xóm, ấp. Nhiều hộ Khmer đã nỗ lực vươn lên, phát triển sản xuất, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ đó thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Anh Diệp Đẹp (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) phơi củ hành tím.

Thời gian qua, đồng bào Khmer đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập cao như: mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi; tôm - lúa, cá - lúa; trồng lúa bằng phương pháp vi sinh… Đặc biệt là mô hình trồng lúa theo hướng an toàn sinh học mà huyện Hòa Bình đang áp dụng đã giúp nhiều hộ đồng bào Khmer có thu nhập ổn định.

Ông Lý Văn Tương (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Hai vụ lúa vừa qua, tôi áp dụng mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học. Nhờ vậy mà năng suất lúa đạt hơn 6 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, lúa được hợp tác xã bao tiêu đầu ra với giá cao hơn lúa thường từ 150 - 200 đồng/kg. Mô hình này giúp nhiều hộ nông dân, nhất là đồng bào Khmer thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập”.

Theo UBND huyện Hòa Bình, toàn huyện hiện có 800ha đất sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh học. Trước khi được chọn thực hiện mô hình canh tác lúa bằng vi sinh, nông dân được tập huấn để nắm các kiến thức cần thiết. Trong quá trình canh tác, cán bộ nông nghiệp huyện thường xuyên xuống thăm đồng, hướng dẫn bà con xử lý kịp thời sâu bệnh trên ruộng lúa.

Ông Lý Văn Tương (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) kiểm tra sự phát triển của cây lúa. Ảnh: C.L

Ông Dương Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho biết: “Hình thức canh tác lúa bằng phương pháp vi sinh rất phù hợp với điều kiện đồng đất ở địa phương. Huyện sẽ mở rộng thêm diện tích sản xuất lúa trong những vụ mùa sắp tới để giúp nông dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer quen dần với hình thức canh tác sinh học nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm lúa, gạo an toàn, hướng đến sản xuất lúa với quy mô lớn”.

Song song đó, một số nghề truyền thống của đồng bào Khmer như đan đát, trồng hoa màu, trồng củ hành tím... cũng phát triển. Nguồn vốn từ các chương trình, dự án đã giúp nhiều hộ đồng bào Khmer có điều kiện đầu tư cho sản xuất, tạo sinh kế, ổn định cuộc sống.

Anh Diệp Đẹp (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 công đất rẫy. Trước đây, do thiếu kinh nghiệm và không có vốn sản xuất nên sau mỗi vụ mùa tiền lãi cũng chẳng đáng là bao. Từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn và hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên thu nhập từ rẫy hoa màu tăng lên đáng kể (lãi hơn 10 triệu đồng/vụ màu). Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình tôi đã ổn định”.

Các địa phương còn huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống;  giúp bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất để tăng giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Đồng thời trang bị kiến thức cho các hộ nghèo người dân tộc Khmer để họ biết lập kế hoạch sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.

Sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các địa phương từ tỉnh đến cơ sở, và cùng với ý chí tự lực vươn lên của đồng bào Khmer đã từng bước làm cho diện mạo những vùng quê trong tỉnh ngày càng khởi sắc.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.