Đê biển Đông bị xâm phạm

Thứ Sáu, 03/07/2020 | 17:15

Sau 13 năm Luật Đê điều có hiệu lực (từ ngày 1/7/2007 - 1/7/2020), tình trạng người dân lấn chiếm đất hành lang đê Biển Đông, tự ý xây dựng các công trình, nhà ở ngày càng gia tăng, chưa kịp thời ngăn chặn và giải quyết dứt điểm.

Một hộ dân ấp 15 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) cất nhà, mở tiệm tạp hóa, quán nước giải khát trong hành lang đê biển Đông (về phía đồng). 

Ngày càng bị lấn chiếm

Một cán bộ huyện Đông Hải phản ánh, đê biển Đông đoạn qua địa bàn huyện bị xâm phạm rất nhiều, thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, nhà cửa, hàng quán xây cất ngay trên thân đê, song, không thấy hộ vi phạm nào bị xử lý, cưỡng chế. Ý kiến của cán bộ này cũng là bức xúc của cử tri huyện Đông Hải từ nhiều năm qua, liên tục được gửi đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Đê biển Đông đi qua nhiều xã của huyện Đông Hải, trong đó đoạn từ chùa Linh Ứng đến ngã ba Mũi Tàu (8km) trên địa bàn xã Điền Hải, xã Long Điền Tây và TT. Gành Hào, tình hình người dân xâm chiếm đất trên thân đê để xây cất nhà, lều, quán, mái che, trồng hoa màu, tự ý sang bán nền trên thân đê  diễn ra ngày càng nhiều và có chiều hướng phức tạp.

Biểu đồ số hộ vi phạm hành lang bảo vệ đê biển Đông (đê Quốc phòng) từ năm 2010 - 2019.

Không chỉ riêng huyện Đông Hải, hoạt động vi phạm hành lang bảo vệ đê (HLBVĐ) cũng “nóng” ở 2 địa bàn còn lại có đê là TP. Bạc Liêu và huyện Hòa Bình. Tính đến đầu tháng 5/2020, có tổng số 1.372 hoạt động vi phạm HLBVĐ. Các hộ dân vi phạm hành lang đê về phía biển là 665 hộ, họ thuộc dự án khu dân cư tái định cư rừng phòng hộ theo Quyết định 1565 năm 2014 của UBND tỉnh. Đối với hoạt động vi phạm hành lang đê phía đồng (707 hộ), có 174 hộ có trước thời điểm Luật Đê điều có hiệu lực (từ ngày 1/7/2007) và chưa lập biên bản hành lang đê, 533 hộ còn lại có sau thời điểm luật có hiệu lực.

Trong các hoạt động vi phạm nêu trên, đa phần là xây cất nhà cửa (chủ yếu là nhà cấp 4 và nhà tạm, chòi canh tôm), mở rộng, sửa chữa nhà trên nền nhà cũ, đào ao nuôi trồng thủy sản; đào đất để đắp nền đường và nền nhà; trồng hoa màu trên thân đê và mái đê. Số lượng các hoạt động vi phạm hành lang đê điều không dừng lại mà ngày càng tiếp tục gia tăng. Luật Đê điều năm 2006 quy định phạm vi bảo vệ hành lang đê phía biển là 200m, phía đồng là 25m tính từ chân đê trở ra. Riêng đối với các vị trí khu dân cư, khu du lịch là 5m tính từ chân đê trở ra phía đồng và phía sông.

Hành lang đê biển đoạn qua ấp Bình Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) - bên phải bị lấn chiếm cất nhà. Ảnh: N.Q

Xử phạt rồi… thôi!

Thực hiện theo chức năng và nhiệm vụ được giao, mỗi khi có hoạt động vi phạm hành lang đê điều phát sinh mới, Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) tiến hành lập biên bản, đình chỉ ngay hoạt động vi phạm, phối hợp và kiến nghị Thanh tra Sở, chính quyền địa phương tiến hành xử lý vi phạm hành chính.

Từ những chế tài xử lý vi phạm, cũng như cơ sở pháp lý trong công tác quản lý hành lang đê điều còn nhiều vấn đề bất cập, nên các trường hợp xử lý vi phạm hành chính như đã nêu trên không thực hiện được. Do đó, các trường hợp vi phạm còn lại chỉ giải quyết công việc là lập biên bản và đề nghị dừng hoạt động vi phạm, chưa xử lý vi phạm hành chính nên các hoạt động vi phạm chưa được tháo dỡ và vẫn tồn tại. Từ năm 2018 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đã ký 47 quyết định xử phạt hành chính vi phạm hành lang đê điều, mức phạt 55 triệu đồng mỗi trường hợp. Tuy nhiên, chỉ có ông Ngô Minh Thương (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh) và ông Bùi Minh Quang (ấp 15, xã Vĩnh Hậu A) cùng ngụ huyện Hòa Bình trả lại hành lang đê, nhưng chưa nộp phạt, còn tất cả các trường hợp còn lại đều không thực hiện theo quyết định.

Trong một báo cáo giám sát, HĐND tỉnh nhận định tình trạng người dân lấn chiếm đất hành lang đê biển Đông, tự ý xây dựng các công trình, nhà ở ngày càng gia tăng, chưa kịp thời ngăn chặn và giải quyết dứt điểm. Theo lý giải của Sở NN&PTNT, tuyến đê biển Đông chưa được Bộ NN&PTNT công nhận là tuyến đê cấp III, vì đê chưa khép kín tuyến để đảm bảo yêu cầu chống bão, đồng thời cao trình đỉnh đê còn thấp so với quy hoạch, nên khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính thì thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện.

Thêm vào đó, khi xây dựng tuyến đê biển Đông chỉ tập trung xây dựng công trình, còn phần hành lang bảo vệ công trình, Nhà nước chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng và chưa thu hồi đất. Do đó, phần đất trong HLBVĐ vẫn còn thuộc quyền sử dụng của người dân, nên khi cán bộ đến lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ hoạt động vi phạm trong HLBVĐ thì rất khó xử lý.

Năm 1998, Sở NN&PTNT Bạc Liêu triển khai xây dựng tuyến đê biển Đông thuộc dự án khôi phục và nâng cấp đê biển Bạc Liêu, để phòng chống gió bão cộng với triều cường, nước biển dâng, bảo vệ sản xuất và tài sản của Nhân dân, tạo điều kiện ổn định phát triển sản xuất trong vùng dự án và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong những năm đầu khi tỉnh vừa được tái lập, nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình rất hạn hẹp, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ đạo không thực hiện chính sách bồi thường về đất đối với các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, mà chỉ xem xét hỗ trợ cây trồng, vật kiến trúc trên đất và chính quyền địa phương vận động Nhân dân trên tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

Giải pháp

Hệ thống tuyến đê Biển Đông (còn gọi đê Quốc phòng) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh, cho nên nó cần được bảo vệ an toàn. HĐND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện ven biển phối hợp chặt với ngành Nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra, cương quyết xử lý nghiêm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hành vi lấn chiếm đất hành lang đê theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần sớm đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án xây dựng mới khu dân cư tái định cư rừng phòng hộ, để di dời, sắp xếp tái định cư cho hộ dân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ xung yếu ven biển và tái định cư tại chỗ cho các hộ trong khu vực xây dựng dự án.

Nguyễn Quốc

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh sớm xem xét cho chủ trương và bố trí nguồn kinh phí trong khả năng cân đối của tỉnh để hàng năm thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ về đất, hoa màu, tài sản trên đất và di dời tái định cư (theo quy định tại Điều 21 của Luật Đê điều năm 2006) cho những hộ dân nằm trong hành lang bảo vệ đê ở phía đồng theo từng năm cho đến khi kết thúc hết chiều dài tuyến đê biển Đông 52.426m. Xem xét 24 cửa kênh thông ra biển xem đó như là khu dân cư, nhằm hạn chế các hoạt động vi phạm nằm trong hành lang bảo vệ đê biển Đông.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.