Cần quản lý và khai thác tốt tài nguyên nước

Thứ Hai, 07/10/2019 | 16:27

Đối với một tỉnh có thế mạnh sản xuất nông nghiệp như Bạc Liêu, nước không chỉ là nhu cầu, mà còn là điều kiện tất yếu cho phát triển bền vững. Thế nhưng, việc quản lý tài nguyên nước hiện nay cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là tình trạng sử dụng lãng phí và cạn kiệt nguồn nước ngầm.

 Nông dân huyện Đông Hải sử dụng bơm chìm khai thác nước ngầm để nuôi tôm.

 Người dân huyện Hòa Bình sử dụng giếng khoan phục vụ sinh hoạt. Ảnh: L.D

LẠM DỤNG NGUỒN NƯỚC NGẦM

Bạc Liêu được xem là tỉnh giàu và đa dạng về tài nguyên nước. Nguồn nước mặt gồm nước biển và nước ngọt từ sông Hậu dẫn về qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp và nguồn nước mưa tại chỗ, đảm bảo phục vụ toàn bộ diện tích canh tác của tỉnh. Khu vực phía Bắc Quốc lộ (QL) 1A (vùng ngọt hóa) chủ yếu sản xuất nông nghiệp (trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản) sử dụng nguồn nước ngọt từ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp và nguồn nước mưa trong 6 tháng mùa mưa. Vùng phía Nam QL1A (vùng thích nghi) chủ yếu nuôi trồng thủy sản, làm muối kết hợp trồng lúa sử dụng từ nguồn nước biển và nguồn nước mưa tại chỗ.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng quan tâm là nhiều nơi người dân lạm dụng nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt, gây lãng phí nguồn tài nguyên này, nhất là việc khoan giếng nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản. Bởi, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 139.580ha và việc khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm cho cả hai vùng sản xuất (Bắc và phía Nam QL1A) sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng nước ngọt tăng cao. Việc doanh nghiệp, nông dân khai thác triệt để nguồn nước ngầm phục vụ nuôi tôm là chuyện không thể tránh khỏi. Đây sẽ là thách thức và tạo ra nguy cơ lớn nếu như không có những giải pháp mang tính căn cơ.

Theo số liệu điều tra sơ bộ của Phòng Tài nguyên nước (thuộc Sở TN-MT), Bạc Liêu có gần 100 giàn khoan giếng nước ngầm quy mô nhỏ, khoan phổ biến ở độ sâu từ 90 - 150m, đường kính 49 - 90mm. Việc khoan giếng và khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm lâu nay mang tính tự phát, khó kiểm soát. Thêm vào đó, tình trạng khai thác gần như quá mức nguồn nước ngầm thông qua sử dụng thiết bị bơm chìm, bơm hỏa tiễn đã gây cạn kiệt, làm ô nhiễm nguồn nước. Hiện tầng chứa nước Pleistocen giữa - trên (qp2-3) - vốn là tầng nước mà người dân Bạc Liêu khai thác phổ biến, bình quân mỗi năm tụt giảm 0,5m.

HẬU QUẢ NẶNG NỀ

Theo các nhà khoa học, việc khai thác và lạm dụng nguồn nước ngầm sẽ để lại nhiều hậu quả, hệ lụy nặng nề tác động tiêu cực đến phát triển bền vững. Đơn cử như việc hạ thấp mực nước ngầm sẽ dẫn tới hiện tượng sụt lún các lớp đất đá trong tầng chứa nước. Khi khai thác nước ngầm quá mức sẽ làm mực nước hạ thấp và tầng đất này không còn lực đẩy Archimedes nữa. Từ đó hình thành các lỗ hổng lớn, dẫn tới sụt lún các công trình, gây thiệt hại về kinh tế và tính mạng con người.

Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm còn gây ra một số tác động như: Làm thấp mực nước dưới đất và gây cạn kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến các công trình khai thác nước ngầm khác. Cụ thể, khi một công trình khai thác nước ngầm đi vào hoạt động thì ảnh hưởng của nó sẽ lan rộng khá nhanh tới khu vực xung quanh, tác động tới các công trình khai thác lân cận làm cho mực nước trong các công trình này bị hạ thấp, do vậy sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu suất khai thác của công trình.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cảnh báo, việc khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát, không đúng kỹ thuật sẽ tạo cơ hội cho nước bẩn thâm nhập, làm biến đổi chất lượng nguồn nước. So với nước mặt, nước ngầm ít ô nhiễm hơn, nhưng đối với các vùng mà lớp phủ trên tầng chứa nước mỏng hoặc có tính thẩm thấu lớn sẽ làm cho nước mặt thấm xuống nhiều rất dễ gây nhiễm bẩn tầng chứa nước. Việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh phục vụ sản xuất, nhất là tình trạng xả thải bừa bãi ngay khu vực gần nơi giếng khoan cũng gây nhiễm bẩn nguồn nước ngầm.

Thực tiễn chứng minh, việc đầu tư khoan mới một cây nước ngầm rất dễ dàng, nhưng khi nguồn nước đã ô nhiễm muốn xử lý, khắc phục thì sẽ rất khó khăn, vì ngoài tốn kém kinh phí, còn đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài…

Để phục vụ tốt nhu cầu phát triển bền vững trong tương lai, việc nâng cao nhận thức và cả hành động cho cộng đồng là giải pháp mang tính quyết định. Trong đó, ngành quản lý và các địa phương cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, mở nhiều lớp tập huấn trang bị kiến thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc bảo vệ tài nguyên nước, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này; không xem tài nguyên nước là vô tận dẫn đến lạm dụng quá mức gây lãng phí. Đồng thời làm tốt công tác quản lý các doanh nghiệp, cá nhân hành nghề khai thác giếng khoan; phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và giám sát của cộng đồng trong việc sử dụng, quản lý nguồn nước.

THANH THẢO

(Bài viết có sử dụng tài liệu của ngành TN-MT)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.