Cần cơ cấu lại mùa vụ để ứng phó hạn, mặn

Thứ Sáu, 13/03/2020 | 16:54

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã khuyến cáo nông dân không tập trung xuống giống vụ đông xuân để tránh thiệt hại. Đồng thời xem xét bố trí lại mùa vụ hợp lý để sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả và bền vững.

Nhiều diện tích lúa đông xuân ở xã Phong Tân (TX. Giá Rai) bị chết do hạn hán.

Ngay từ đầu vụ đông xuân 2019 - 2020, ngành chức năng đã dự báo hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Bạc Liêu sẽ diễn biến khốc liệt. Do vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh đã mở 58 lớp tập huấn về công tác phòng chống hạn, mặn mùa khô 2019 - 2020 (gồm 1.560 nông dân tham dự); khuyến cáo một số địa phương không nên xuống giống vụ lúa đông xuân. Ngành Nông nghiệp tỉnh và các huyện, thị cũng đã xây dựng các kịch bản ứng phó với hạn, mặn.

Vụ lúa đông xuân, nông dân trong tỉnh đã xuống giống 47.544ha; trong đó TX. Giá Rai có 7.200ha. Mặc dù ngành chức năng khuyến cáo nông dân cuối nguồn nước ngọt như ấp 17, 19 thuộc xã Phong Tân (TX. Giá Rai) không xuống giống, song, bà con nơi đây vẫn xuống giống hơn 2.700ha. Vào thời điểm này, một số diện tích lúa bị thiệt hại do thiếu nước ngọt.

Gia đình ông Trương Văn Bé (ấp 17, xã Phong Tân) xuống giống gần 2ha lúa đông xuân. Khi lúa được hơn 20 ngày tuổi, do thiếu nước ngọt nên toàn bộ đều chết khô. Ông Bé cho biết: “Năm nay lúa cũng bị hạn, mặn thiếu nước như năm 2016. Cả ruộng lúa của tôi chết khô do không có nước ngọt. Vụ lúa đông xuân này gia đình tôi mất trắng hơn 20 triệu đồng tiền giống, phân bón”. Không riêng gia đình ông Bé, cả xã Phong Tân có gần 300ha lúa đông xuân chết khô, tập trung ở ấp 17.

Ruộng lúa của ông Trương Văn Bé (ấp 17, xã Phong Tân, TX. Giá Rai) bị thiệt hại do thiếu nước. Ảnh: M.Đ

Hiện nay, hầu hết nông dân sản xuất 3 vụ lúa (hè thu, thu đông và đông xuân). Ở vụ đông xuân, nếu hạn hán, xâm nhập mặn thì xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt; còn vụ hè thu đến lúc thu hoạch (cuối vụ) thì bị mưa, ảnh hưởng đến khâu sau thu hoạch, giảm năng suất. Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ, ngành Nông nghiệp tỉnh cần cơ cấu lại sản xuất, nhất là ở các khu vực, vùng cuối nguồn nước ngọt để đảm bảo sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc. Theo đó, sản xuất vụ lúa hè thu sẽ trễ hơn, bỏ vụ lúa thu đông, và xuống giống lúa đông xuân sớm hơn một tháng.

Theo kỹ sư Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: “Sở NN&PTNT đã xây dựng kịch bản ứng phó hạn, mặn và tùy vào mức độ mà ứng phó theo kịch bản. Song, không áp dụng cố định mà chỉ ứng dụng vào những năm hạn, mặn gay gắt nên nông dân chưa làm theo. Nếu những vùng cuối nguồn nước ngọt của TX. Giá Rai sản xuất 2 vụ lúa, cụ thể là làm vụ lúa hè thu hơi trễ để tránh mùa mưa lúc thu hoạch; (bỏ vụ lúa thu đông); xuống giống lúa đông xuân sớm (sau vụ hè thu khoảng một tháng) thì đảm bảo đủ nguồn nước ngọt cho lúa”.

Việc bố trí lại lịch thời vụ để sản xuất hiệu quả là việc làm cần thiết. Các ngành chức năng, chính quyền cơ sở cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn để nông dân hiểu được lợi ích từ việc cơ cấu lại mùa vụ, đồng thời ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để từng bước nâng cao chất lượng và sản lượng lúa, từ đó góp phần tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.