Bạc Liêu vượt qua hạn, mặn một cách ngoạn mục

Thứ Hai, 10/08/2020 | 18:00

So với các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bạc Liêu là địa phương chịu tác động trực tiếp từ hạn hán và xâm nhập mặn (HH, XNM). Bởi với vị trí địa lý nằm ở cuối nguồn nước ngọt, lại giáp với biển nên nguy cơ HH, XNM luôn cao hơn các tỉnh, thành khác. Thế nhưng, qua tổng kết công tác phòng chống HH, XNM mùa khô 2019 - 2020, Bạc Liêu lại là tỉnh ít bị thiệt hại nhất. Vậy, bài học kinh nghiệm nào cho thành công này?

Nhờ chủ động xây dựng kịch bản ứng phó xâm nhập mặn nên sản xuất vụ đông xuân 2020 thắng lớn (nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa). Ảnh: L.D

PHẢN ỨNG NHANH, LINH HOẠT

Nếu như những năm trước đây, HH, XNM ít xảy ra, thì mùa khô năm 2019 - 2020 HH, XNM đã xuất hiện từ rất sớm và bước sang tháng 11/2019 đã bắt đầu xảy ra. Trong khi đó, tổng lượng mưa tháng 11/2019 lại ở mức thấp và chỉ bằng 50% so với cùng kỳ. Đặc biệt, từ tháng 12/2019 - 3/2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hầu như không có cơn mưa trái mùa nào. Độ mặn càng tăng cao khi phải điều tiết nước mặn từ biển Đông vào tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ (QL)1A để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản từ giữa tháng 1/2020. Ngoài ra, khu vực phía Bắc QL 1A trong những tháng mùa khô vừa qua còn chịu ảnh hưởng rất mạnh của các đợt triều cường biển Tây đưa vào qua sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang).

Thiếu ngọt, thừa mặn đã làm cho tình trạng XNM càng diễn ra gay gắt hơn, nhất là vào cuối tháng 2/2020, ranh mặn 4‰ từ phía sông Cái Lớn đã đi vào khu vực Bắc huyện Hồng Dân sớm hơn một tháng so với các năm trước. Vì vậy, độ mặn ở nhiều nơi đạt đến 20‰, vượt khả năng sinh tồn của con tôm và cây lúa. Thậm chí, tình trạng mặn vượt ngưỡng này còn kéo dài đến tháng 5/2020 làm cho nông dân nhiều nơi không dám thả tôm nuôi mới. Từ thực trạng trên cho thấy, tình hình HH, XNM mùa khô năm 2019 - 2020 rất phức tạp và khả năng bị thiệt hại là rất cao.

Tuy nhiên, với quyết tâm chủ động ứng phó với HH, XNM, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp xây dựng các kịch bản ứng phó theo hướng phản ứng nhanh, linh hoạt và khẩn trương nên tổng kết công tác phòng chống HH, XNM vừa qua cho thấy, Bạc Liêu gần như kiểm soát được tình hình, mức độ thiệt hại thấp.

Cụ thể, để ứng phó với HH, XNM, Bạc Liêu đã tập trung làm tốt công tác điều tiết nước nên ở tiểu vùng giữ ngọt của tỉnh, nguồn nước ngọt trên kênh rạch đã được bổ sung khá dồi dào, mực nước trên kênh rạch hiện nay dâng cao hơn đầu tháng 2/2020 khoảng 1 mét. Tính đến đầu tháng 5/2020, mực nước trên kênh rạch thuộc tiểu vùng giữ ngọt dao động từ +0,20 mét (trục kênh Cầu Sập - giáp ranh Sóc Trăng) đến +0,00 mét (trục kênh Vĩnh Phong - nơi cuối nguồn ngọt của TX. Giá Rai). Nguồn nước ngọt này đã đáp ứng đầy đủ cho sản xuất vụ đông xuân vừa qua và mang về năng suất từ 7,5 - 8 tấn/ha với tổng diện tích thu hoạch hơn 47.540ha. Trong khi đó, nhiều địa phương khác ở khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng khá nặng nề và không thể thu hoạch được hạt lúa nào do bị xâm nhập mặn.

Nếu so về mức độ thiệt hại do ảnh hưởng HH, XNM của mùa khô năm 2019 - 2020 với mùa khô năm 2015 - 2016 mới thấy đó là một thành tích đáng ghi nhận. Nếu mùa khô năm 2015 - 2016, vụ lúa trên đất tôm có hơn 9.838ha bị thiệt hại, với tổng ước tính khoảng 21.945 triệu đồng, thì mùa khô năm 2019 - 2020 không bị thiệt hại. Không chỉ thế, diện tích sản xuất lúa trên đất tôm cho sản lượng 221.572 tấn, đạt 117,86% kế hoạch và tăng 21,79% so với cùng kỳ.

Hoặc ở vụ lúa đông xuân 2019 - 2020,  chỉ có khoảng 252ha ở TX. Giá Rai bị thiệt hại do nằm ở cuối nguồn nước ngọt và nông dân không tuân thủ các khuyến cáo; còn các địa phương khác coi như cơ bản sản xuất mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó, mùa khô năm 2015 - 2016, vụ lúa đông xuân có trên 1.368ha bị thiệt hại, với tổng giá trị ước tính 36.945 triệu đồng.

Huyện Phước Long thi công các đập tạm để ngăn mặn vào vùng ngọt sản xuất lúa. Ảnh: M.Đ

 

NHIỀU BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Có thể nói, một trong những bài học kinh nghiệm và thành công trong ứng phó với HH, XNM mùa khô năm 2019 - 2020 chính là sự chủ động và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Điều đó được cụ thể hóa bằng việc xây dựng kịch bản và lựa chọn phương án xấu nhất để ứng phó. Đó là kịch bản 2 (kịch bản tương đương với mùa khô 2015 - 2016  kèm theo Quyết định số 2202 của UBND tỉnh).

Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động triển khai rất sớm công tác phòng chống HH, XNM (từ tháng 11/2019) và chỉ đạo cả hệ thống chính trị, người dân phải vào cuộc hành động với một tinh thần quyết liệt “chống hạn, mặn như chống giặc”, không chủ quan, lơ là hay bị động. Đồng thời, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, trong đó lấy người dân làm chủ thể và không ngừng phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương.

Ông Huỳnh Công Quân, Phó Chủ tịch UBND TX. Giá Rai cho biết: “TX. Giá Rai xác định địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn trong ứng phó với HH, XNM, do nằm cuối nguồn nước ngọt. Vì vậy, từ rất sớm UBND thị xã đã tích cực trong công tác vận động, tuyên truyền nông dân tuân thủ lịch thời vụ, nhất là không xuống giống ở những nơi dự báo sẽ thiếu nước sản xuất. Đồng thời, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc bám sát địa bàn nhằm có ngay các giải pháp ứng phó. Cũng như huy động và tranh thủ nhiều nguồn lực trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi, làm tốt công tác dự báo nên sản xuất tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định”.

Còn đối với huyện Hồng Dân, một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra, đó là cùng với chủ động xây dựng các kịch bản thì giải pháp quan trọng là tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi để làm tăng khả năng ứng phó và tạo ra sự linh hoạt trong việc vận hành, xử lý mặn, ngọt phục vụ cho sản xuất lúa và cả nuôi tôm trên đất lúa ở vùng chuyển đổi sản xuất. Theo ông Dương Văn Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân: “Để chủ động ứng phó với hạn mặn, huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương tiến hành nạo vét các công trình thủy lợi và tập trung làm tốt công tác vận hành 28 công trình ngăn mặn, giữ ngọt. Đặc biệt là tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức phòng chống hạn mặn, đồng thời yêu cầu nông dân không được chủ quan mà cần tham gia cùng chính quyền ứng phó hạn, mặn”.

Từ thực tế vừa qua, việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với hạn, mặn cũng là bài học kinh nghiệm cần được rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đó là tình trạng chính quyền địa phương chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng một số nông dân vẫn không nghe và bất chấp các khuyến cáo. Cụ thể là ở địa bàn TX. Giá Rai, UBND thị xã và các xã, phường đã tích cực vận động, tuyên truyền đến từng nhà, khuyến cáo nông dân không sản xuất vụ lúa đông xuân ở những vùng có nguy cơ cao, thiếu nước tưới và nhiễm mặn, nhất là khu vực ấp 16, 17, 19, 20 của xã Phong Tân và một số diện tích sạ trên nền lúa Tài nguyên, diện tích giáp ở các đầu cống ngăn mặn dọc Quốc lộ 1A, với tổng diện tích khuyến cáo không sản xuất  khoảng 5.400ha. Thế nhưng, một số nơi nông dân vẫn lén lút xuống giống và đúng như dự báo là cây lúa thay nhau chết khô vì thiếu nước.

Một bài học kinh nghiệm khác cũng không kém phần quan trọng chính là tăng cường phối - kết hợp tốt giữa các địa phương nằm giáp ranh để tạo đồng thuận trong việc vận hành hệ thống thủy lợi, nhằm đảm bảo lợi ích chung của người nông dân giữa các tỉnh với nhau. Điển hình như thành lập Tổ công tác đo đạc diễn biến nguồn nước liên tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng trong suốt mùa khô. Qua đó giúp cho lãnh đạo 2 tỉnh và bộ phận tham mưu đưa ra các quyết định điều tiết nước linh hoạt, hợp lý đáp ứng yêu cầu sản xuất của 2 địa phương. Cũng như các số liệu về diễn biến triều, mặn, lịch điều tiết nước được trao đổi liên tục giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng (nhất là với thị xã Ngã Năm). Nhờ có sự phối hợp tốt với tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu đã mở được 3 cống gồm: Cống Đá, Nàng Rền và Năm Kiệu của Sóc Trăng để cấp nước ngọt về địa bàn Bạc Liêu đảm bảo phục vụ cho sản xuất...

Với những bài học kinh nghiệm được rút ra từ công tác phòng chống hạn, mặn mùa khô 2019 - 2020 sẽ là tiền đề, giải pháp quan trọng trong việc ứng phó trong thời gian tới. Đồng thời, khẳng định sự chủ động và quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính là giải pháp hàng đầu cho thành công.

LƯ TRUNG

Huy động nhiều nguồn hỗ trợ cho công tác ứng phó với hạn, mặn

Nhằm ứng phó với HH, XNM mùa khô năm 2019 - 2020, Bạc Liêu đã tiến hành thi công nạo vét các tuyến kênh, sửa chữa các cống, trạm bơm, với tổng kinh phí hơn 312 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, Bạc Liêu cũng huy động và tranh thủ được nhiều nguồn hỗ trợ cho công tác này như: Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 60 tỷ đồng theo Quyết định số 504; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 1 tỷ đồng...

Ngoài ra, còn nhận hỗ trợ từ nhiều tổ chức khác như: Hội Chữ thập đỏ tỉnh lắp đặt 3 hệ thống lọc nước ngọt sinh hoạt với công suất 4m3 nước/ngày/hệ thống tại phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu); Trường đại học Bạc Liêu tiếp nhận 40 túi dự trữ nước ngọt từ Công ty Nhựa Tân Đại Hưng (TP. Hồ Chí Minh) để trao tặng cho người dân vùng hạn mặn trên địa bàn huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải, với tổng trị giá trên 80 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thay mặt nhóm từ thiện "Chia sẻ - Sharing" của Phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng 100 bồn chứa nước, mỗi bồn có dung tích 1.000 lít cho các hộ nghèo trên địa bàn 2 xã Ninh Hòa và Ninh Quới (huyện Hồng Dân); Tỉnh đoàn trao tặng 200 bồn nhựa chứa nước loại 500 lít cho người dân 2 xã Long Điền và Long Điền Đông (huyện Đông Hải) với tổng trị giá 232 triệu đồng; Tổng Công ty Lương thực miền Nam hỗ trợ 250 suất quà (mỗi suất gồm 2 bình nước lọc loại 20 lít và 5kg gạo) cho người nghèo xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) với tổng giá trị 27 triệu đồng...

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung: Cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực

Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra trong công tác phòng chống HH, XNM mùa khô 2019 - 2020 vừa qua chính là sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Do vậy, Bạc Liêu đã vượt qua hạn, mặn một cách ngoạn mục và góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bởi thực tế cho thấy, nhiều địa phương của khu vực ĐBSCL đến nay đều tăng trưởng âm, trong khi Bạc Liêu tiếp tục tăng trưởng dương và cao hơn bình quân chung của cả nước.

Với quyết tâm biến “nguy cơ thành thời cơ”, Bạc Liêu đã trình Chính phủ đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm tăng khả năng ứng phó và phục vụ tốt cho phát triển sản xuất. Qua đó, có thể giúp cho nông dân chủ động nguồn nước mà cụ thể là có thể nuôi tôm quanh năm khi hệ thống thủy lợi được đầu tư hoàn chỉnh.

So với trước đây, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi các quy luật và không còn xảy ra theo kiểu lặp lại sau bao nhiêu năm. Do vậy, nông dân cần thay đổi tư duy, tập quán trong sản xuất để tạo ra khả năng thích ứng và hướng đến phát triển bền vững.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT: Chủ động trong xây dựng các kịch bản ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn

Bạc Liêu là tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Hậu, do đó lượng nước ngọt từ Sông Hậu chảy về rất hạn chế (nhất là vào mùa khô). Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu dễ bị xâm nhập mặn trực tiếp từ tác động của triều biển Đông (phía Cà Mau) và triều biển Tây (phía Kiên Giang).

Thêm vào đó, việc điều tiết nước phục vụ sản xuất vùng Bắc QL 1A rất phức tạp và khó khăn, vì cùng lúc phải đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ sản xuất lúa đông xuân, đồng thời đảm bảo đủ nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thủy lợi của tỉnh còn nhiều hạn chế như: Hệ thống các cống ngăn mặn (cửa van composite) xây dựng trước đây đã xuống cấp, có nguy cơ vỡ cửa van bất cứ lúc nào; hệ thống kè Gành Hào, kè Nhà Mát, đê biển Đông hiện đang được thi công nâng cấp, khó chống được gió bão cấp 9. Hệ thống thủy lợi - thủy nông nội đồng bị bồi lắng nhanh, thiếu kinh phí để duy tu, nạo vét theo định kỳ, nhất là ở vùng Nam QL 1A...

Đáng quan tâm, hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún đất đang diễn ra cộng với các tác động bất lợi xuyên biên giới của dòng sông Mê Kông sẽ làm cho tình hình nguồn nước, khí tượng thủy văn các năm tiếp theo ở khu vực ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp. Do đó, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục có các bước chuẩn bị tốt hơn nữa để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết và nguồn nước, đặc biệt là có các giải pháp căn cơ, lâu dài. Đồng thời, xây dựng các kịch bản ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn theo tinh thần chủ động và linh hoạt, nhằm bảo vệ tốt phát triển sản xuất và đảm bảo dân sinh trên địa bàn.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đề xuất và kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét trình Chính phủ đầu tư cho Bạc Liêu 186,75 tỷ đồng để xây mới 4 trạm bơm điện, 7 cống mới, nâng cấp 5 cống cũ và kiên cố 7 đập tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh sớm xem xét, bổ sung cho Chi cục Thủy lợi 19 người (3 kỹ sư và 16 công nhân) để có đủ lực lượng vận hành công trình cống Âu thuyền Ninh Quới và 4 cống lớn trên đê biển Đông sắp đưa vào quản lý, khai thác chính thức.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.