Bạc Liêu: Đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Thứ Sáu, 05/06/2020 | 17:39

Bạc Liêu là tỉnh nông nghiệp với tiềm năng, thế mạnh về các sản phẩm nông sản như: tôm, lúa, muối, các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản… Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang giúp khai thác hiệu quả thế mạnh của các địa phương, nâng tầm giá trị nông sản và tăng thu nhập cho nhiều nông dân trong tỉnh.

Các thành viên Hội đồng OCOP tỉnh tham quan khu trưng bày sản phẩm. Ảnh: M.Đ

KẾT QUẢ KHẢ QUAN

Nhận thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình OCOP, nên trong 2 năm qua (2018 - 2019) tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện chương trình. Cụ thể là tổ chức nhiều lớp tập huấn về OCOP cho các sở, ban ngành, các huyện, thị xã, thành phố và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng tiến hành triển khai đến tận các doanh nghiệp, cơ sở là chủ thể có những sản phẩm đặc trưng địa phương. Mỗi xã chọn các sản phẩm đặc trưng để đưa ra hội đồng huyện, thị xã, thành phố đánh giá, bình chọn. Đối với các sản phẩm được chọn, địa phương hỗ trợ các chủ thể hoàn tất các thủ tục để đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh (gọi tắt là Hội đồng OCOP tỉnh) đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Năm 2019, các địa phương đã hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện 11 sản phẩm. Hội đồng OCOP tỉnh quyết định công nhận 11 sản phẩm đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn OCOP; trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2020, cơ quan chức năng và các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ các chủ thể tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm để đưa ra đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Mới đây, Hội đồng OCOP tỉnh tiến hành đánh giá, phân hạng đợt 1 với 15 sản phẩm của 11 chủ thể. Qua đó đã chấm điểm và gắn sao 15 sản phẩm. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh ra quyết định công nhận 4 sản phẩm đạt 4 sao; 11 sản phẩm đạt 3 sao. Như vậy, đến nay toàn tỉnh có 26 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao. Một số sản phẩm đạt 4 sao sẽ được Hội đồng OCOP tỉnh chọn gửi về Trung ương để tiếp tục đánh giá, phân hạng, sau đó mới được công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Tôm khô Đa Giàu (TX. Giá Rai) là một trong những sản phẩm được chọn để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: M.Đ

ĐẨY MẠNH CHƯƠNG TRÌNH

Bạc Liêu xác định Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Vì vậy, tỉnh yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình cho tất cả cán bộ, đảng viên ở cơ sở và người dân hiểu rõ. Phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài để huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng tham gia thực hiện.

Tuy bước đầu đạt được kết quả rất khả quan, Bạc Liêu là một trong những tỉnh của khu vực ĐBCSL nằm ở tốp khá trong việc thực hiện Chương trình OCOP, nhưng nhìn chung việc thực hiện chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ông Nguyễn Văn Út, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP là vai trò chính quyền cấp xã chưa thể hiện rõ và các chủ thể chưa thấy được tầm quan trọng của chương trình này. Bên cạnh đó, cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện chương trình đều chưa có chuyên môn sâu, chỉ được tập huấn qua vài lớp ngắn hạn. Mặt khác, công tác tuyên truyền về chương trình chưa được rộng khắp nên vẫn còn nhiều cán bộ, người dân chưa hiểu rõ về chương trình”.

Để tiếp tục thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai Chương trình OCOP, phấn đấu đến cuối năm 2020 tỉnh có thêm 23 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên 34 sản phẩm, thời gian tới, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi giá trị và khai thác thế mạnh sản phẩm của địa phương; quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đã được tiêu chuẩn hóa đạt từ 3 sao trở lên; tạo điều kiện để doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể, hộ sản xuất có sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, liên kết với các tua tuyến du lịch, lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, việc chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện Chương trình OCOP phải có trọng tâm, trọng điểm. Lãnh đạo địa phương và người dân phải nhìn nhận rõ về thế mạnh, đặc trưng của sản phẩm chủ lực để định hướng chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp với từng địa phương. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của chương trình để huy động, phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng tham gia thực hiện chương trình.

Chương trình OCOP được đặt nhiều kỳ vọng là sẽ thổi “luồng gió mới” vào đời sống người dân ở nông thôn. Bởi thông qua chương trình, các nông sản được gắn nhãn OCOP sẽ được nâng cao giá trị, từ đó giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Minh Châu

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có 61/63 tỉnh, thành phố phê duyệt, triển khai đề án, kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP. Đến cuối năm 2019, có 19 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận 900 sản phẩm OCOP. Trong đó có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao, 275 sản phẩm 4 sao và 585 sản phẩm 3 sao. Riêng tỉnh Bạc Liêu, đến nay có 26 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.