Bạc Liêu Muốn làm giàu từ biển

Thứ Hai, 18/05/2020 | 16:11

Kinh tế biển là một trong 5 trụ cột được Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XV) xác định để thúc đẩy kinh tế địa phương. Nhằm hiện thực hóa “trụ cột thứ 5”, cũng như để kinh tế biển trở thành thế mạnh và là trụ cột kinh tế chính, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13 về phát triển kinh tế biển Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

>> Bài 1: Đánh thức tiềm năng biển

Bài 2: Vẫn còn nhiều thách thức

Biển Bạc Liêu chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, trong phát kinh tế biển của tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, thách thức, làm cản trở sự phát triển bền vững.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc vỡ đê biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) vào ban đêm.

VẪN CHƯA GIÀU VỚI BIỂN

Đi cùng với tiềm năng, cơ hội, lĩnh vực phát triển kinh tế biển của Bạc Liêu vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trong vấn đề phát triển bền vững. Thực tiễn cho thấy, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế từ biển mang lại. Một số lĩnh vực phát triển còn chậm, các lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác tốt. Cụ thể là tình hình khai thác nguồn lợi biển chưa hiệu quả, thiếu bền vững do ý thức chấp hành luật pháp của ngư dân chưa cao, vẫn còn nặng tư duy khai thác tự phát, chưa thật sự coi biển là “ngôi nhà chung”. Do vậy, đa số ngư dân sống nhờ biển hơn là dựa vào biển mà giàu lên, khai thác chưa thật sự gắn liền với bảo tồn, phát triển. Các phương tiện đánh bắt, đặc biệt là đánh bắt xa bờ còn khá lạc hậu, tàu thuyền công suất thấp. Hệ thống cơ sở hạ tầng, khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá quy mô còn nhỏ, chỉ mới đáp ứng những nhu cầu ban đầu, thiếu các khâu chuyên sâu. Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ giới hóa, công nghệ hóa các khâu bốc xếp, bảo quản, sơ chế còn thấp, nên sản phẩm làm ra chất lượng không cao, giá trị thương mại thấp.

Trong nuôi trồng thủy sản, một số quy trình nuôi tôm còn bất cập, năng suất các mô hình nuôi tôm thấp, trong khi giá thành sản xuất còn cao, vì vậy hiệu quả đem lại chưa nhiều và thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh. Một vấn đề làm hạn chế trong việc phát triển sản xuất của nông, ngư dân - đó là khó tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng, nhất là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu cá. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển hiện nay còn hạn chế.

Hiện tượng sạt lở bờ biển tại Gành Hào (huyện Đông Hải).

Điều đáng nói là việc khai thác tài nguyên biển quá mức, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Môi trường biển đang bị biến đổi theo chiều hướng xấu, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy - hải sản giảm sút. Các hệ sinh thái biển bị suy thoái và bị thu hẹp diện tích. Các quần đảo có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển liên quan đến biến đổi khí hậu. Việc thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng chưa đồng bộ, hiệu quả còn hạn chế. Gần đây, do ảnh hưởng biển đổi khí hậu đã xảy ra xâm thực, sạt lở bờ biển ở một số nơi như tại các cửa sông ven biển thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) diễn ra khá mạnh.

Ngoài ra, du lịch biển dù được chú trọng phát triển nhưng đến nay thương hiệu du lịch biển của Bạc Liêu vẫn chưa thật sự hấp dẫn đối với khách du lịch so với những địa phương cũng đang phát triển du lịch biển như: Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Mũi Né (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang)... Các dịch vụ vui chơi giải trí ở các khu du lịch biển vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, chất lượng chưa cao. Các sản phẩm du lịch chưa thật sự đủ sức thu hút và hấp dẫn để giữ chân du khách cũng như khiến họ phải quay lại lần nữa. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch biển cũng chưa đồng bộ.

Tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Gành Hào. Ảnh: M.Đ

GỠ RÀO CẢN TỪ CHÍNH SÁCH

Những mặt hạn chế, bất cập nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể nói, các ngành kinh tế biển của tỉnh phát triển ở trình độ thấp, lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, sản xuất nhỏ cả về quy mô lẫn sản lượng hàng hóa và đang trong quá trình chuyển đổi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững. Việc ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, cải cách thủ tục hành chính chậm được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, chưa có sức hấp dẫn các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kinh tế biển và vùng ven biển. Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển các ngành kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh còn ở mức thấp, trong khi nguồn vốn tự có của nông, ngư dân rất hạn chế.

Ông Đặng Văn Hòa (ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) cho biết: “Chính phủ có chính sách ưu đãi cho ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ, nhưng ở Gành Hào cũng chỉ mới có vài hộ tiếp cận được nguồn vốn vay này. Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho tất cả các hộ khai thác thủy - hải sản trên biển vay vốn sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền để việc ra khơi đánh bắt được hiệu quả hơn. Bởi, lâu nay nguồn vốn của ngư dân còn khá khiêm tốn so với tổng số vốn đầu tư trang thiết bị phục vụ việc đánh bắt”.

Ở một khía cạnh khác, phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, đảo chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước về biển, đảo còn nhiều bất cập, cũng như công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng ven biển, địa phương có liên quan đến biển còn thiếu tính tổng thể, liên kết. Việc chỉ đạo phát triển kinh tế biển và vùng ven biển có lúc, có nơi thực hiện chưa đến nơi, đến chốn, hiệu quả chưa cao. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển còn hạn chế; công tác đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề, việc làm cho người dân chưa đáp ứng yêu cầu.

Cùng với đó, mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn biển cũng chưa được gắn kết chặt chẽ. Cụ thể là chưa bảo đảm hài hòa giữa khai thác và sử dụng tài nguyên - môi trường biển với công tác bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển. Tình hình khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển vẫn còn diễn ra trong thời gian qua. Phát triển kinh tế biển chủ yếu ưu tiên khai thác tài nguyên biển nên nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng. Đặc biệt là nguồn lợi hải sản ở vùng biển gần bờ hiện nay có dấu hiệu bị khai thác quá mức do tăng nhanh số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, trong khi người dân chưa quan tâm đến công tác bảo tồn biển, mà chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng tác động ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế biển của tỉnh.

Để Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển và làm giàu từ biển đúng như kỳ vọng thì cần có chiến lược, giải pháp đột phá để tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn đang tồn tại. Có như vậy, mục tiêu về phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) mới hoàn thành thắng lợi.

M.ĐẠT - H.LAM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.