Bạc Liêu muốn làm giàu từ biển

Thứ Sáu, 15/05/2020 | 18:35

Kinh tế biển là một trong 5 trụ cột được Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XV) xác định để thúc đẩy kinh tế địa phương. Nhằm hiện thực hóa “trụ cột thứ 5”, cũng như để kinh tế biển trở thành thế mạnh và là trụ cột kinh tế chính, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13 về phát triển kinh tế biển Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Điện gió Bạc Liêu

Bài 1: Đánh thức tiềm năng biển

Bạc Liêu có bờ biển dài 56km với nhiều tiềm năng để phát triển. Theo đánh giá, trong tương lai gần, vùng biển này sẽ trở thành vùng kinh tế năng động, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.

HIỆN HỮU NHỮNG CÔNG TRÌNH LỚN

Cách đây chưa lâu, nếu ven biển Bạc Liêu là một vùng đất hoang sơ, vắng vẻ, thì hôm nay là một bức tranh phong cảnh hữu tình với những tua-bin của cánh đồng điện gió mọc lên sừng sững giữa biển trời bao la. Những cánh quạt ngày đêm quay tít của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã hòa vào điện lưới quốc gia với sản lượng 1 tỷ kWh điện. Đây được coi là điểm đột phá, mở ra hướng đi cho việc khai thác một tiềm năng sẵn có nhưng đã “ngủ quên” của Bạc Liêu. Dự án này được khởi công xây dựng ngày 9/9/2010 với tổng công suất 99,2MW, bao gồm 62 trụ tua-bin gió, mỗi trụ có công suất 1,6MW. Tổng mức đầu tư của toàn dự án là hơn 5.200 tỷ đồng. Ngày 29/5/2013, giai đoạn 1 của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu với 10 trụ tua-bin có tổng công suất 16MW chính thức được đưa vào vận hành thương mại, phát điện hòa lưới quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng bởi lần đầu tiên trong lịch sử, tỉnh Bạc Liêu đóng góp cho quốc gia bằng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đến tháng 11/2013, Công ty Công Lý khởi công xây dựng giai đoạn 2 của dự án với 52 trụ tua-bin. Tính từ thời điểm bắt đầu phát điện lên lưới quốc gia tháng 6/2013 đến nay, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã phát lên lưới quốc gia đạt sản lượng 1 tỷ kWh điện.

Cùng với Nhà máy Điện gió, hiện hữu trên vùng biển Bạc Liêu trong tương lai không xa là Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Đây là dự án tích hợp tổng thể gồm: Nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200MW trên diện tích đất 40ha tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình); trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi FSU hoặc trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU khoảng 100ha trên mặt biển có công suất lưu trữ từ 150.000 - 174.000m3 khí tự nhiên hóa lỏng LNG; trạm tái hóa khí và 35km đường ống dẫn khí áp suất cao.

Toàn tỉnh hiện có 24 dự án khu vực ven biển, trên biển. Trong đó có 9 dự án đã và đang triển khai thực hiện, 15 dự án đang khảo sát nghiên cứu. Những dự án này không chỉ mang lại diện mạo mới cho vùng biển Bạc Liêu với không khí sôi động, nhộn nhịp, mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, hỗ trợ năng lượng phục vụ sản xuất - kinh doanh và thực hiện tốt giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh. Đồng thời, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển lĩnh vực thương mại, du lịch của tỉnh.

Ngư dân huyện Đông Hải trúng tôm cá sau chuyến ra khơi. Ảnh: M.Đ

CON ĐƯỜNG LÀM GIÀU TỪ BIỂN

Với bờ biển dài 56km, ngư trường rộng lớn nên các giá trị kinh tế từ biển đã mang lại cho tỉnh trong những năm qua là khá lớn. Hiện nay, Bạc Liêu có 1.144 phương tiện đánh bắt, khai thác thủy, hải sản với tổng công suất gần 220.000CV. Sản lượng khai thác thủy hải sản mỗi năm gần 115.000 tấn tôm, cá các loại, trong đó cung cấp nguồn nguyên liệu đáng kể cho chế biến xuất khẩu và thu ngân sách về cho tỉnh.

Nhờ biển mà nhiều người dân từ nghèo khó đã từng bước vươn lên làm giàu. Điển hình như ông Nguyễn Văn Vường (ngụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình). Từ hai bàn tay trắng, ông Vường bám biển thu mua sản phẩm của ngư dân. Lúc đầu, ông chỉ thu mua tôm, cá từ các tàu đánh bắt nhỏ lẻ, dần dà kết nối được với nhiều chủ tàu, đến nay đã có hơn 100 chiếc tàu cung cấp sản phẩm thủy, hải sản cho ông. Việc làm ăn không ngừng phát triển, ông Vường đã thành lập hẳn Công ty TNHH MTV Thanh Phu, do ông làm Tổng Giám đốc. Với nguồn thủy, hải sản thu mua được, công ty sơ chế thành hơn 50 mặt hàng các loại, không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Tổng doanh thu năm 2019 của công ty là gần 50 tỷ đồng. Người chủ doanh nghiệp xuất thân nghèo khó và đã làm giàu được từ biển này cho biết: “Chúng tôi đang có ý định di dời cơ sở làm ăn ra tuyến đê biển để mở rộng quy mô và cũng vừa thuận tiện cho việc lên hàng, vừa đảm bảo điều kiện chế biến, cung ứng cho thị trường xuất khẩu. Nếu được tỉnh cho phép thì công ty sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động tại địa phương. Mặt khác, công ty cũng đầu tư 2 chiếc tàu lớn để làm dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm đảm bảo đủ các điều kiện, yêu cầu cung ứng cho thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Nhật Bản đầy tiềm năng”.

Bạc Liêu xác định khai thác, đánh bắt thủy, hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn nên đã từng bước xây dựng tiền đề để đưa tỉnh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Cụ thể là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu ở ven biển thuộc xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Bên cạnh đó, hướng đến mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đến nay toàn tỉnh đã có 12 công ty, đơn vị nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và 324 hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn tham gia. Từ mô hình này, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có từ 5 - 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, trong đó có từ 4 - 9 vùng nuôi trồng thủy sản và một vùng sản xuất giống thủy sản, quy mô diện tích từ 1.470 - 2.070ha; đến năm 2030 có từ 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên, trong đó có từ 9 vùng nuôi trồng thủy sản trở lên và một vùng sản xuất giống thủy sản, quy mô diện tích 4.070ha.

Với những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, Bạc Liêu hoàn toàn có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về biển, nhất là khi tỉnh đã và đang xây dựng thành công nhiều mô hình làm giàu từ biển.

M.ĐẠT - H.LAM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.