Giáo dục - Học Đường

Học Bác vun đắp sự nghiệp “trồng người”

Thứ Hai, 30/09/2019 | 16:55

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), chính Người đã đặt nền tảng cho tư tưởng chiến lược “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu” của Đảng và Nhà nước ta. Người đã viết tất cả 23 bức thư gói trọn tâm huyết, sự kỳ vọng gửi cho ngành Giáo dục. Trong đó, bức thư cuối cùng Bác viết gửi các cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp nhân dịp đầu năm học 1968 - 1969 không chỉ chứa đựng những tình cảm thân thương mà còn ẩn chứa những tư tưởng lớn về sự nghiệp “trồng người”. Thấm nhuần lời Bác dạy, 50 năm qua ngành Giáo dục Bạc Liêu (trước đây là Minh Hải) đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm vun đắp cho sự nghiệp “trồng người” cao cả.

>> Bài 1: Trưởng thành từ gian khó

Bài 2: Nỗ lực chăm bồi những thế hệ vừa “hồng”, vừa “chuyên”

Hồ Chủ tịch từng dạy rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa”. Con người mà Bác mong muốn đào tạo không chỉ có lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, có lý tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức mà còn phải có tri thức khoa học, kỹ năng lao động, sản xuất… nghĩa là phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Hướng đến mục tiêu cao cả ấy, Ngành Giáo dục Bạc Liêu đã không ngừng đoàn kết, đổi mới sáng tạo trong hoạt động dạy - học với quyết tâm đào tạo những lớp người kế thừa xứng đáng.

Giờ học của cô, trò Trường mầm non Sơn Ca (xã Định Thành A, huyện Đông Hải). Ảnh: Đ.K.C

Hết lòng với sự nghiệp “trồng người” cao cả

May mắn được gặp gỡ, lắng nghe sẻ chia đầy tâm huyết của những “người hùng vô danh” dành cho sự nghiệp “trồng người”, chúng tôi càng khâm phục và quý trọng hơn những tấm lòng sáng trong như ngọc! Không quý làm sao được khi gần 40 năm cống hiến thầm lặng với “nghiệp đưa đò”, Nhà giáo ưu tú Đinh Văn Tài (Trường THPT Chuyên Bạc Liêu) đã chính tay dìu dắt, đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ học trò vừa hồng, vừa chuyên. Trong số đó, nhiều người đang là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các sở, ban ngành trong và ngoài tỉnh; hơn 20 tiến sĩ, nghiên cứu sinh, thạc sĩ đang công tác, học tập ở nước ngoài. Đó là còn chưa kể số học trò là bác sĩ, kỹ sư, cử nhân… đang cống hiến cho tỉnh, cho cả nước trên nhiều lĩnh vực.

Từ khi bắt đầu cống hiến cho ngành, thầy đã đặc biệt quan tâm đến công tác chăm bồi, đào tạo đội ngũ học sinh giỏi. Hầu như năm nào, học trò của thầy cũng đều đoạt những giải thưởng cao trong các cuộc thi, hội thi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia. Thầy bảo rằng khi tiếp xúc với đám học trò “ham học hơn ham chơi” ấy, ngọn lửa nghề trong thầy càng thêm rực cháy, thôi thúc thầy không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo những phương pháp truyền đạt hay, hữu hiệu, cũng như tích lũy lượng kiến thức lớn để hòa nhịp cùng bọn trẻ. Thầy quan niệm rằng, người thầy trong bất kỳ thời đại nào cũng phải biết cách vượt qua chính mình, giữ vững bản ngã, hình ảnh đẹp của mình và phải biết cách truyền lửa nghề, tâm huyết của thế hệ đi trước cho lớp trẻ kế thừa.

Từng là giáo viên giảng dạy môn Sinh, Hóa tại Trường PTCS xã Phước Long, rồi làm hiệu phó, hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long), cô Lưu Thị Ngọc Sương (Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phước Long) rất hiểu và cảm thông sâu sắc cho hoàn cảnh của học trò nghèo. Nhiều lớp học trò được cô tận tình dìu dắt giờ đã thành nhân chi mỹ, nhiều người có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Và rất nhiều trong số đó là những học trò nghèo đã từng được cô hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần.

Dùng cả tuổi xuân để lèo lái con thuyền đưa học trò đến bến bờ tri thức, vậy mà khi về hưu cô vẫn miệt mài làm nhịp cầu kết nối những yêu thương, để học trò nghèo được tiếp sức, đỡ đầu. Cô bảo, chính kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý trường học đã giúp cô rất nhiều khi về công tác tại Hội Khuyến học. Và hiện nay, Hội Khuyến học huyện Phước Long dưới sự giúp sức của cô là một trong 3 đơn vị dẫn đầu của tỉnh về công tác khuyến học, khuyến tài…

Đó chỉ là hai trong số hàng vạn gương sáng của người thầy trên khắp địa bàn tỉnh dành cho sự nghiệp “trồng người” cao cả. Vì dù có ở vai trò, cương vị nào, tuổi tác ra sao… các thầy giáo, cô giáo cũng hết lòng chăm lo, quan tâm học trò về mọi mặt. Họ luôn không ngừng rèn luyện để tiến bộ, luôn trau dồi kiến thức, cập nhật những phương pháp giảng dạy tốt nhất; không ngừng tu dưỡng về nhân cách đạo đức, dào dạt tình thương yêu học sinh và say mê với nghề nghiệp…

Không ngừng đoàn kết, đổi mới, sáng tạo

Đoàn kết là sức mạnh và sự đoàn kết thật sự đã tạo nên những tập thể vững mạnh! Đó là những tập thể luôn có sự gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu, biết cương - nhu đúng lúc, biết phát huy tối đa sở trường, năng lực của mỗi thầy cô giáo trong chính tập thể của mình. Điều này đã góp phần làm nên những tập thể điển hình tiên tiến, những cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, luôn tận tụy với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy - học, giúp đơn vị mình giữ vững vị thế cánh chim đầu đàn về chất lượng giáo dục - đào tạo trong toàn tỉnh.

Trường THCS Võ Thị Sáu (TP.Bạc Liêu) là một trong những điển hình như thế. Chính tập thể vững mạnh này đã tạo điều kiện cho thầy Đỗ Thanh Xuân Quốc Vũ (giáo viên trường) bước lên bục vinh quang của lễ tuyên dương “Gương người tốt, việc tốt trong đổi mới sáng tạo dạy và học năm học 2016 - 2017” tại Hà Nội. Hơn 20 năm qua, mỗi ngày đến lớp với thầy luôn là nghĩ suy về phương pháp để trò học tốt, tiếp thu nhanh và khắc sâu kiến thức. Chính những điều này đã giúp thầy tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu để cho ra đời sản phẩm “Bộ cờ Hóa học” đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh năm 2016 - 2017. Sáng tạo này được thực hiện khá đơn giản từ miếng bìa cứng để kẻ làm bàn cờ, tận dụng nắp chai nước lọc làm các quân cờ. Bộ cờ này được đưa vào sử dụng chính thức từ năm 2015 và nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của học sinh; cũng như những đánh giá tích cực của đồng nghiệp, góp phần quan trọng trong thay đổi chất lượng dạy - học môn Hóa tại đơn vị. Ngoài sáng tạo này, thầy còn thực hiện nhiều sáng tạo trên bộ môn như: “Bảng tính tan đa dụng” và ấp ủ nhiều dự định mới cho những sáng tạo với bộ môn trong tương lai.

Cảm hứng của sự đổi mới, sáng tạo còn không ngừng lan tỏa, truyền cảm hứng cho nhiều lớp thầy giáo, cô giáo trên hành trình gieo chữ. Đó là thầy Huỳnh Quốc Trung (Trường THPT Trần Văn Bảy, huyện Phước Long) với sáng kiến “Một số giải pháp nhằm nâng cao công tác dạy thêm, học thêm môn Ngữ văn trong nhà trường”; cô Thái Thị Anh Thơ (Trường mầm non Sao Mai, huyện Vĩnh Lợi) với sáng kiến “Một số biện pháp phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi”; hay cô Lê Hồng Diễm (Trường THCS Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình); cô Nguyễn Thị Anh Thư (Trường THPT Tân Phong, TX. Giá Rai) và hơn 10.000 giáo viên trên toàn tỉnh cũng đang ra sức sáng tạo, mang đến sự mới mẻ, cuốn hút cho học trò trong từng giờ lên lớp của mình. Từ đó, góp phần giúp học trò thay đổi môi trường tiếp nhận kiến thức, giúp các em học tập, tiếp thu trong không gian mở, kích thích khả năng vận động, tư duy thường xuyên.

Thời gian qua, bên cạnh việc khuyến khích phong trào tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu đổi mới, ngành Giáo dục tỉnh còn tiếp tục thực hiện dạy học phân hóa, xây dựng kế hoạch giảng dạy, định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, đổi mới việc sinh hoạt tổ chuyên môn ở các trường, quan tâm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phong trào giúp đỡ học sinh yếu kém; đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học sinh; tổ chức các hoạt động thao giảng, hội giảng… Nhờ vậy, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bạc Liêu xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đoạt 3 giải học sinh giỏi quốc gia lớp 12; có 852 học sinh đoạt giải các kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, 10, 11, 12 cấp tỉnh… Và trong năm học vừa qua, đã có 73 tập thể được nhận cờ thi đua vinh dự của Sở, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giữa các khối thi đua. Riêng, Sở GD-KH&CN đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.

Đây là những thành tích rất đáng trân trọng, biểu dương, là món quà tinh thần vô giá mà ngành Giáo dục tỉnh nhà kính dâng lên Bác nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Người.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.