Giáo dục - Học Đường

Học Bác vun đắp sự nghiệp “trồng người”

Thứ Sáu, 27/09/2019 | 17:39

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), chính Người đã đặt nền tảng cho tư tưởng chiến lược “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu” của Đảng và Nhà nước ta. Người đã viết tất cả 23 bức thư gói trọn tâm huyết, sự kỳ vọng gửi cho ngành Giáo dục. Trong đó, bức thư cuối cùng Bác viết gửi các cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp nhân dịp đầu năm học 1968 - 1969 không chỉ chứa đựng những tình cảm thân thương mà còn ẩn chứa những tư tưởng lớn về sự nghiệp “trồng người”. Thấm nhuần lời Bác dạy, 50 năm qua ngành Giáo dục Bạc Liêu (trước đây là Minh Hải) đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm vun đắp cho sự nghiệp “trồng người” cao cả.

Bài 1: Trưởng thành từ gian khó

Dù khởi đầu với xuất phát điểm thấp và ngổn ngang những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng, đội ngũ phục vụ giảng dạy…, nhưng khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt”, toàn Đảng, toàn dân Bạc Liêu đã đồng lòng, chung sức, nỗ lực bứt phá để gặt hái thành tựu, quyết tâm đưa Bạc Liêu thoát dần thoát khỏi “vùng trũng giáo dục”…

Cơ ngơi khang trang của Trường tiểu học Lê Lợi (TP. Bạc Liêu) ngày nay.

TỪ ĐIỂM THẤP CỦA VÙNG TRŨNG

Năm 1976, toàn tỉnh Minh Hải (nay là hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) chỉ có 142 trường học (trong đó đa phần là những phòng học được xây dựng tạm bợ bằng cây lá địa phương), với quy mô hơn 100.000 học sinh. Trong tình hình ấy, đến đầu năm 1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập trong muôn vàn khó khăn, thách thức. Sự nghiệp GD-ĐT luôn phải đối diện với tình trạng thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất, trường lớp dẫn đến tình trạng lớp học ca ba, lớp ghép; phòng ốc xập xệ, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn nhiều hạn chế. Nghiêm trọng hơn hết vẫn là tình trạng thiếu hụt đội ngũ giáo viên (nhất là giáo viên THPT).

Cô Lưu Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) vẫn còn ngậm ngùi khi nhớ lại những tháng ngày gian khổ ấy. Cô bồi hồi kể: “Ngày ấy trường được cất tạm ở Cua 50 (nay thuộc xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) với tên gọi Trường phổ thông cơ sở Điền Hải. Lúc bấy giờ, trường chỉ có khoảng 10 giáo viên với 2 phòng học bằng cây lá tạm bợ, đời sống giáo viên gặp rất nhiều khó khăn và nếu như không có sự cưu mang, đùm bọc của bà con địa phương thì có lẽ nhiều giáo viên khó có thể trụ nổi với nghề. Sau nhiều lần di dời, trường đã tọa lạc tại địa điểm ngày nay. Trong ký ức của nhiều thầy cô cao niên, vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh mái lá và vách bằng mê bồ, sân trường lầy lụa sình cáo, lớp học thì dột nát vào mùa mưa… Đó là thời điểm của năm 1997, khi vừa tái lập tỉnh”.

Ngắm cơ ngơi khang trang của Trường tiểu học Lê Lợi ngày nay (trước là Trường tiểu học Thuận Hòa 4, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), có lẽ không ai có thể hình dung được hình ảnh nguyên sơ của ngôi trường khó khăn ngày ấy. Song, với thầy Trương Luông, Phó Hiệu trưởng trường, thì hình ảnh về ngôi trường năm xưa vẫn chưa bao giờ phai mờ trong ký ức. Đó là ngôi trường chỉ có 6 phòng học tạm bợ bằng cây lá địa phương với 8 lớp. Xung quanh trường chưa có hàng rào, diện tích sân bãi để học sinh vui chơi còn nhiều hạn chế, hễ mưa lớn là sân trường lại chìm trong biển nước. Cả trường chỉ có một lối đi nhỏ được lót đan nối liền các lớp. Tội nghiệp nhất là đám học trò, giờ ra chơi cứ quẩn quanh trong lớp học vì không có chỗ để vui đùa…”.

Đối mặt với hàng loạt công việc phải làm trong những ngày đầu chia tách tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ trương chậm đầu tư phát triển thị xã tỉnh lỵ, dồn nguồn lực đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các công trình trường học. Vận dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau 2 năm tái lập tỉnh, Bạc Liêu đã cơ bản xóa bỏ tình trạng lớp học ca ba, phòng học tạm bợ bằng cây lá địa phương. Tháng 10/1998, Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ. Và đến năm 2004, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về giáo viên cho các ngành học, bậc học…

Cơ sở vật chất kháng trang, hiện đại của Trường mầm non Phong Thạnh Tây (TX. Giá Rai) - đơn vị đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ảnh: Đ.K.C

BỨT PHÁ ĐỂ VƯƠN LÊN

Hơn 20 năm trôi qua, quan tâm đầu tư, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục không còn là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương, mà đây chính là sự nghiệp chung của toàn xã hội khi Bạc Liêu đã khéo léo huy động được sức dân, tranh thủ được lòng dân cùng chung tay vun đắp sự nghiệp “trồng người”. Không chỉ có hiến đất để cùng Đảng, Nhà nước xây dựng điện - đường - trường - trạm, nâng cao mặt bằng dân trí, “thay da đổi thịt” xóm làng, mà người người, nhà nhà còn đóng góp sức người, sức của, động viên nhau quan tâm hơn đến sự nghiệp GD-ĐT, dồn mọi tâm sức, trí lực cho con em được học hành đến nơi đến chốn…

Ngày 12/2/2008, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết 03 về việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD-ĐT và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 07 hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết nói trên, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới theo hướng dạy thực chất, học thực chất trong toàn hệ thống GD-ĐT tỉnh nhà. Ngày 31/1/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lại ban hành Chỉ thị 21 về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với một số vấn đề quan trọng và bức xúc trên lĩnh vực GD-ĐT của tỉnh. Từ những quyết sách này, bộ mặt GD-ĐT của Bạc Liêu đã có bước chuyển mình ngoạn mục, gặt hái được những thành tựu đáng trân trọng trên tất cả mọi phương diện.

Kết quả là sau 10 năm tái lập tỉnh, số trường lớp ở Bạc Liêu đã phát triển lên đến 234 trường. Đến năm 2009, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã có phòng học kiên cố. Trong đó, có 64 trường mầm non, 154 trường tiểu học, 67 trường THCS… Tính đến cuối tháng 5/2019, toàn tỉnh đã có đến 369 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên với quy mô đào tạo gần 165.000 học sinh. Trong đó, có hơn 160 trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, tỉnh còn có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng.

Không chỉ tăng mạnh về “lượng”, GD-ĐT tỉnh nhà còn không ngừng cải thiện về “chất”. Theo đó, chất lượng giáo dục tiểu học có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học hàng năm tiếp tục đạt mức trên 99%; hoạt động thí điểm các lớp chất lượng cao đạt được những kết quả rất khả quan. Song song đó, chất lượng giáo dục các cấp học THCS, THPT có nhiều tiến bộ so với giai đoạn trước năm 2008. Minh chứng là hơn 99,24% học sinh THCS và hơn 98% học sinh THPT đạt hạnh kiểm khá trở lên. Về học lực, tỷ lệ học sinh khá giỏi bậc THCS đạt trên 62%, bậc THPT đạt trên 60% và tỷ lệ học sinh yếu kém giảm đều ở cả hai cấp học. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp đạt trên 99% và tỷ lệ tốt nghiệp THPT 3 năm trở lại đây đều nằm trong tốp 10 của cả nước.

Ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp, các ngành và toàn xã hội dành nhiều sự ưu ái đặc biệt cho giáo dục. Những ngôi trường vùng sâu heo hút  như: tiểu học Trần Kim Túc (huyện Hồng Dân); mẫu giáo Sao Biển, tiểu học Võ Văn Kiệt, THCS Lê Hồng Phong (huyện Đông Hải); tiểu học Vĩnh Thịnh A (huyện Hòa Bình); tiểu học Lê Lợi, THCS Võ Nguyên Giáp (TP. Bạc Liêu)… nay đã được đầu tư xây mới, sửa chữa nhiều công trình, hạng mục. Không chỉ vậy, ngày càng có nhiều ngôi trường ngay khi được đưa vào sử dụng đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 với cơ sở vật chất khang trang, khuôn viên to rộng, hồ bơi, trang thiết bị phục vụ dạy học ngày càng hiện đại…

Trong chuyến làm việc của HĐND tỉnh đến huyện Vĩnh Lợi giám sát về quy hoạch mạng lưới trường lớp, khi được đoàn hỏi có đề xuất, kiến nghị gì thêm về quy hoạch trường lớp của đơn vị, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cửu Long 2 tươi cười mãn nguyện: “Được cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” trong môi trường giáo dục với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại thế này, có nằm mơ thầy trò chúng tôi cũng không dám nghĩ sẽ có một ngày trường bề thế như vậy. Hoàn hảo đến vậy rồi thì chúng tôi còn dám đòi hỏi, kiến nghị gì thêm nữa”.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.