Tự tình nghề muối

Thứ Sáu, 24/05/2024 | 14:43

Không biết tự bao giờ, nghề làm muối đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống người dân Bạc Liêu. Nghề muối đã có lịch sử hàng trăm năm từ khi khai hoang mở đất, nên đã trở thành một nghề truyền thống, thành văn hóa của vùng đất Bạc Liêu, phản ánh được bản sắc, điều kiện tự nhiên độc đáo của địa phương là làm ra hạt muối vị ngọt, không có vị đắng, vị chát.

Đây chính là tinh hoa được kết tinh từ sự cần cù lao động, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của diêm dân Bạc Liêu.

Công đoạn lu, lèn mặt ruộng muối tốn rất nhiều công sức của diêm dân.

Nghề cơ cực

Bạc Liêu là địa phương có diện tích sản xuất muối lớn nhất cả nước với trên 1.400ha, gần 900 hộ dân làm nghề, cung cấp sản lượng hằng năm khoảng gần 30.000 tấn, tập trung chủ yếu tại hai huyện Đông Hải và Hòa Bình. Với tính chất là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngoài ý nghĩa tạo sự gắn kết cộng đồng, nghề làm muối còn góp phần giải quyết việc làm, giáo dục tinh thần lao động cần cù, sáng tạo cho người dân và đóng góp vào việc phát triển kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, để làm ra được hạt muối trắng hồng, không có vị đắng và chát như những vùng đất khác, người làm muối phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu làm đất tới khâu theo dõi độ mặn của nước biển, rồi đảo muối, phơi muối… mà công đoạn nào cũng cần rất nhiều lao động trực tiếp trên ruộng muối. Phần lớn công việc là lao động tay chân nên hầu như suốt ngày họ phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” dưới cái nắng chang chang. Toàn bộ các công đoạn làm muối từ chuẩn bị cho đến thu hoạch đều thực hiện dưới trời nắng gắt. Cho nên, nước da của diêm dân lúc nào cũng đen bóng vì cháy nắng và tay, chân chai sạn quanh năm.

Mùa làm muối thường bắt đầu từ khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 3 (âm lịch) năm sau. Nghề làm muối đòi hỏi các diêm dân sự cần cù, chịu khó cùng những tri thức, kinh nghiệm sản xuất gắn với điều kiện tự nhiên của thời tiết. Để có được ruộng muối đạt năng suất cao, chất lượng tốt, người làm muối phải tính toán khéo léo, khoa học trong từng công đoạn bằng kinh nghiệm của người nhiều năm trong nghề. Và kinh nghiệm này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo kiểu “cha truyền con nối”.

Bước đầu, trên mỗi ruộng muối, người làm muối sẽ xử lý nền đất cho thật chặt, hạn chế tối đa nước biển thấm vào đất. Công đoạn này tốn rất nhiều công sức bằng việc lu, lèn. Sau đó, tiếp tục cho nước biển vào phơi khô để thêm độ rắn cho đất. Khi nền ruộng muối đã đạt yêu cầu, người dân mới bơm nước biển vào bên trong.

Ruộng ban đầu cho nước biển vào người dân gọi là “ruộng phơi”, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, lượng nước trong nước biển từ từ bốc hơi. Lúc này nồng độ mặn trong nước trên ruộng phơi đã tăng cao hơn so với ban đầu. Người dân mới tháo phần nước này xuống phần ruộng bên dưới để tạo muối, ruộng này gọi là “ruộng ăn”, được lèn chặt và nhẵn bóng từ trước.

Khi muối bắt đầu kết tủa (rớt hạt), diêm dân mới dùng dụng cụ để cào muối tập trung lại thành những hình chóp trên mỗi ruộng. Quy trình như vậy lặp đi lặp lại cho đến khi thu hoạch xong…

Ngày nay, dù một số người dân đã tiến hành cơ giới hóa nhiều khâu trong quy trình sản xuất muối nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng muối (như mô hình muối trải bạt), nhưng phần lớn diêm dân Bạc Liêu vẫn trân trọng kỹ thuật sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Đó là kỹ thuật phơi “xa kề, nhì kề, xắp chuối” (tương ứng với các cấp bay hơi: sơ, trung và cao cấp) để nước biển kết tinh thành những hạt muối có kích thước lớn, rắn chắc, khô, màu trắng hồng vô cùng bắt mắt. Với kỹ thuật sản xuất muối được đúc kết qua hàng trăm năm, muối Bạc Liêu có ưu điểm: không mùi, không đắng chát, không lẫn tạp chất, vị mặn đậm đà và ngọt hậu nên rất được thị trường trong, ngoài nước ưa chuộng.

Nghề làm muối luôn gặp không ít khó khăn. Ảnh: V.Đ

Những hạt muối hồng

Trải qua hàng trăm năm, nghề làm muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất, mang lại nguồn thu nhập cho người dân, và là tri thức dân gian được tích lũy, lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Nghề làm muối cơ cực là thế, nhưng thu nhập lại rất bấp bênh. Một phần do thời tiết thất thường, công sức hàng tháng trời bỏ ra có thể mất trắng do những cơn mưa trái mùa. Một phần do giá cả thị trường luôn không ổn định. Điệp khúc “trúng mùa - mất giá” luôn đeo đẳng đời người làm muối. Một người làm muối chia sẻ: “Mỗi vụ muối làm khoảng 6 tháng, như năm nay nắng tốt thì làm 1ha muối truyền thống sản lượng khoảng 1.500 giạ (khoảng 40kg/giạ) cũng chỉ thu được khoảng 54 triệu đồng. Trừ chi phí như xăng dầu 15 triệu đồng, nhân công 9 triệu đồng, còn lại trên dưới 30 triệu đồng, trung bình một tháng thu nhập 5 triệu đồng. Mức thu này còn thua người làm công bình thường như giữ tôm thuê, mỗi tháng 6 triệu đồng”.

Từ thực tế giá muối thấp (dao động từ 900 - 1.200 đồng/kg), đời sống diêm dân khó khăn nên nhiều hộ chuyển sang nghề nuôi tôm. Cụ thể, tại một số địa phương thuộc huyện Hòa Bình như xã Vĩnh Thịnh từ 500ha nay chỉ còn trên 132ha, xã Vĩnh Hậu 10 năm trước có 200ha thì nay chỉ khoảng 15ha…

Ông Tạ Hoàng Nhiệm (Hợp tác xã Muối công nghệ cao xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải), cho biết hầu như năm nào diêm dân cũng rơi vào vòng luẩn quẩn “trúng mùa - mất giá, được giá - thất mùa”. Hiện tại, 1kg muối giá khoảng 900 - 1.200 đồng, bán 30kg được hơn 27.000 đồng, trừ chi phí thì đã gần hết. Hợp tác xã Muối công nghệ cao sản xuất 8 - 9 mặt hàng như muối tiêu, muối ớt…, chỉ mới tiêu thụ nội địa và vẫn còn chậm. Một trong những giải pháp nâng giá trị hạt muối là xuất khẩu sang nước ngoài.

Ông kể, vừa rồi có đơn vị nước ngoài vào tìm hiểu, họ đưa ra một hộp muối qua chế biến chỉ 100gr nhưng giá đến 50.000 đồng. “Hợp tác xã đang chuẩn bị hợp tác xuất khẩu muối sang Trung Quốc. Họ đã sang tận ruộng muối để tìm hiểu, nếu thuận lợi có thể mua tại ruộng 2.000 đồng/kg thôi thì diêm dân cũng có lời. Chúng ta không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc mà còn nhiều nước khác, như vậy diêm dân mới đổi đời được”.

Bài toán làm sao để diêm dân đổi đời, làm sao để những hạt muối hồng của Bạc Liêu bay cao, bay xa… thì còn rất nhiều chuyện để bàn. Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều chia sẻ: “Muối Bạc Liêu nổi tiếng trong và ngoài nước, nhưng thời gian qua tỉnh chưa quan tâm nhiều, do vậy nhiều diêm dân không sống được với nghề. Đó là một trăn trở lớn. Diêm dân phải tự bơi cả về cơ sở hạ tầng, sản xuất, làm thương hiệu. Thật sự tỉnh chưa phát huy được nghề muối, diêm dân chưa sống được từ muối”.

Ở đây, chúng ta chỉ nói chuyện tình yêu giữa người và muối. Thứ tình yêu mặn mòi ấy không chỉ đi vào thơ ca mà trong quá trình lao động nhọc nhằn, diêm dân còn tức cảnh sinh tình, sáng tác ra những câu ca dao đầy tự tin, hào sảng, thể hiện tinh thần yêu lao động không biết mệt mỏi dù cái nghề vô cùng cơ cực như: “Chừng nào chưa cạn biển Đông, Bạc Liêu còn muối anh không sợ nghèo”

Có lẽ, đó cũng là cái tình, cái nghĩa của diêm dân Bạc Liêu đối với nghề muối. Cái nghề tuy cơ cực, bục mặt hàng tháng trời, nắng cháy da nhưng lại rất tự do tự tại, tình nghĩa xóm làng gắn kết chặt chẽ.

Hạt muối Bạc Liêu tuy mặn nhưng lại có hậu ngọt như tấm lòng của những chàng trai, cô gái xứ biển, gặp nhau trên đồng muối trắng, mến nhau cũng bởi cái nghề, cái nết dễ thương, chịu thương, chịu khó… nên họ gắn bó với nhau suốt đời qua cái nghề làm muối để trọn tình, trọn nghĩa với quê hương.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.