Nhọc nhằn đời công nhân

Thứ Hai, 20/05/2024 | 14:47

Đồng lương ít ỏi, giá cả sinh hoạt đắt đỏ, thường xuyên đối mặt với rủi ro công ty, nhà máy bị phá sản, hoặc sản xuất cầm chừng dẫn đến giảm thu nhập, có thể bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào… cuộc sống của công nhân đang đối mặt với bộn bề khó khăn.

Công nhân làm việc tại một công ty chế biến thủy sản trong tỉnh. Ảnh: T.Q

Thiếu thốn trăm bề

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay, nhiều doanh nghiệp tiếp tục rơi vào tình trạng sụt giảm đơn hàng, sản xuất cầm chừng, giảm giờ làm, không tăng ca. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo trả lương cho công nhân với mức lương cơ bản. Để đảm bảo chi tiêu cho gia đình, công nhân phải xoay xở đủ cách mới có chi phí trang trải cuộc sống.

Chị Nguyễn Thúy Liên (xã Tân Phong, TX. Giá Rai) làm bộ phận xếp hộp được 2 năm tại một công ty xuất khẩu thủy sản trên địa bàn TX. Giá Rai, trung bình mỗi tháng chị được nhận từ 4 - 6 triệu đồng. “Dạo này công ty chúng tôi ít việc nên rất hiếm khi phải làm tăng ca. Công nhân về sớm vì không có hàng để làm. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt thì không còn dư bao nhiêu, dù lương thấp nhưng cũng ráng cầm cự vì giờ tìm được công việc ổn định với mức lương khá thật sự rất khó”, chị Liên tâm sự.

Công nhân trong tỉnh đa phần là người địa phương, xuất thân từ nông thôn, chủ yếu lao động chân tay, nghề chuyên sâu chưa có. Lương thấp trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ buộc họ chi tiêu hết sức dè sẻn mới có dư. Nhiều người phải bóp bụng gửi con về quê cho ông bà trông giữ hộ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Không ít công nhân còn phải sống trọ trong những phòng trọ giá rẻ, ẩm thấp, không an toàn, không đảm bảo sức khỏe.

Hơn 4 năm gắn bó với công ty may mặc, mỗi tháng anh Nguyễn Văn Tình (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) nhận mức lương hơn 7 triệu đồng. Để tiết kiệm chi phí, anh ở trọ cùng người em, sống tiện tặn để tiết kiệm mỗi tháng còn hơn 3 triệu đồng gửi về quê nuôi đứa con đang độ tuổi ăn học. Anh Tình cho biết, trước đây anh lên Bình Dương làm công nhân, tuy mức lương có khá hơn, song chi phí sinh hoạt lại khá đắt, nên đến cuối tháng cũng không còn được bao nhiêu mà lại phải sống xa nhà, xa con. Do đó, anh quyết định về quê, sống tiện tặn cũng đủ trang trải qua ngày, bù lại còn được ở gần người thân.

Nỗi lo mắc bệnh nghề nghiệp

Bên cạnh thu nhập thấp, công việc bấp bênh, công nhân còn có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp (BNN) ngày càng cao. Công nhân làm việc ở bất cứ ngành nghề nào cũng có thể mắc BNN, tuy nhiên một số ngành nghề đặc thù như: y tế, cơ khí, sản xuất công nghiệp, bốc vác, may, chế biến thủy hải sản… thì nguy cơ mắc BNN cao hơn so với các ngành nghề khác. Làm việc trong thời gian dài ở môi trường lạnh, nóng, ẩm… nên hầu hết các công nhân ngành Chế biến thủy sản đều mắc BNN như: thấp khớp, viêm mũi, run tay...

Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ quan, doanh nghiệp phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (NLĐ) ít nhất 1 lần/năm và 6 tháng/lần đối với các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Thế nhưng, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp “né” thực hiện đăng ký khám sức khỏe cho NLĐ. Ngoài ra, đa phần NLĐ, nhất là lao động thời vụ, công nhật thường ngại đi khám bệnh vì sợ tốn kém, không có điều kiện kinh tế và ảnh hưởng đến việc làm. Việc không khám bệnh kịp thời làm cho NLĐ không nhận biết được căn bệnh đang mang, tích tụ lâu ngày sẽ trở thành bệnh nặng và khó có thể chữa trị.

Chị Ngọc Hương (TP. Bạc Liêu) cho biết: “Do thường xuyên đứng bóc vỏ tôm trong môi trường ẩm ướt, lạnh lẽo nên tôi hay bị đau đầu, đau khớp. Mới đây, khi đi khám sức khỏe, bác sĩ chẩn đoán tôi mắc cùng lúc nhiều loại bệnh như: viêm khớp, viêm xoang, giãn tĩnh mạch, đau dạ dày… Có bệnh thì phải trị, nhưng vì kinh tế khó khăn, thu nhập ít ỏi lại còn phải nuôi con ăn học nên tôi đành chấp nhận sống chung với bệnh, gắng gượng qua ngày vì nghỉ làm thì đồng nghĩa với mất thu nhập, cuộc sống rơi vào khó khăn”.

Nhằm chăm lo đời sống của công nhân tốt hơn, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, các doanh nghiệp cũng nỗ lực tăng lương theo quy định, hỗ trợ tiền ăn ca, tiền xe… Song nhìn một cách toàn diện, thu nhập của công nhân vẫn chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Do đó, để nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, rất cần sự quan tâm một cách đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội và người sử dụng lao động. Bên cạnh việc cải cách về chính sách tiền lương tối thiểu, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà ở cho công nhân, các điểm giao lưu sinh hoạt thể thao, văn hóa, trường học, nhà trẻ dành cho con em công nhân, quan tâm hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe cho công nhân… Khi đời sống vật chất lẫn tinh thần được chăm lo đầy đủ thì công nhân sẽ gắn bó và cống hiến hết mình cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển vững mạnh hơn.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.