Đời sống - Xã hội
Ngời sáng những tấm gương người cao tuổi
Gương mẫu trong đời sống, phát huy ý chí trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua ở địa phương, góp sức lực, tiền của, trí tuệ cùng địa phương xây dựng nông thôn mới... là những đóng góp thiết thực của người cao tuổi (NCT) trong tỉnh những năm qua. Việc làm của họ không chỉ là gương sáng cho con cháu noi theo mà còn đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng quê hương.
Ông Trương Quốc Hưng chuẩn bị gạo tặng người nghèo. Ảnh: T.Q
Nêu gương trên mặt trận kinh tế
Hưởng ứng phong trào thi đua “NCT làm kinh tế giỏi”, bằng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, tay nghề, nhiều NCT đã đầu tư, áp dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh, kiến tạo mô hình mới, cách làm hay đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Nhiều NCT trở thành chủ doanh nghiệp, chủ trang trại, chủ cửa hàng... có doanh thu từ 200 triệu đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Đơn cử như ông Nguyễn Văn Triệu (73 tuổi, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Thời trẻ ông khởi nghiệp bằng nghề thu mua hải sản nhỏ lẻ. Sau thời gian có kinh nghiệm và tích lũy vốn, ông mở rộng thành vựa. Sau đó mạnh dạn gom vốn đóng một chiếc tàu cá loại nhỏ, công việc đánh bắt phát triển, ông tiếp tục đầu tư đóng thêm nhiều tàu đánh bắt và làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Công việc này mỗi năm đem lại cho ông doanh thu trên 4 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương.
Khởi nghiệp bằng việc mở cửa hàng nhỏ kinh doanh các mặt hàng trang trí nội thất và kim khí điện máy, với tính năng động, nhanh nhạy nắm bắt xu thế phát triển kinh tế thị trường, đến nay, ông Dương Văn Khanh (60 tuổi, Phường 1, TP. Bạc Liêu) đã sở hữu chuỗi cửa hàng kinh doanh trang trí nội thất trên địa bàn tỉnh, doanh thu hằng năm đạt từ 60 - 70 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 60 - 70 lao động.
Không chỉ có ông Triệu, ông Khanh, trong tỉnh còn hàng ngàn tấm gương NCT cũng nhanh nhạy với thị trường, làm kinh tế giỏi, như ông Phú Văn Trực (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) - chủ cơ sở dịch vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp sản xuất lúa, doanh thu hằng năm trên 5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về gần 2 tỷ đồng; ông Thạch Lang (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) chuyên làm dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm…
“Điểm tựa” của người nghèo
Bên cạnh việc thi đua phát triển kinh tế, rất nhiều tấm gương NCT còn hăng hái tham gia công tác từ thiện xã hội. Bằng những nghĩa cử cao đẹp: trao tặng quà cho người nghèo, người tàn tật, người già neo đơn, trợ giúp cho người hoạn nạn, ốm đau… những tấm gương NCT giàu lòng nhân ái đã thắp lên tình thương yêu bao la giữa người với người trong cuộc sống.
Dù đã ngoài 70 tuổi, không còn đủ sức xông pha đó đây như trước, nhưng ông Trương Quốc Hưng (xã Long Điền, huyện Đông Hải) vẫn miệt mài đeo đuổi việc hành thiện giúp đời. Ông đã vận động mạnh thường quân kinh phí xây dựng hàng chục cây cầu bê-tông, sửa chữa nhiều cầu, đường hư hỏng. Đều đặn mỗi năm, ông vận động học bổng, tập vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng gạo, tiền cho người nghèo; tặng áo quan cho người nghèo đã khuất… Ông cũng tự bỏ tiền túi và vận động người thân, tranh thủ các mối quen biết để xây dựng những công trình nhân ái. “Tôi sinh ra, lớn lên trong cảnh túng khổ, ngặt nghèo nên rất hiểu và cảm thông với những mảnh đời kém may mắn. Nay cuộc sống đã đủ đầy, các con đều đã ổn định, tôi muốn các con cùng tôi tham gia vào việc giúp người - đó cũng là cách để dạy con cháu sống có đạo đức, biết sẻ chia với người bất hạnh hơn mình”, ông Hưng trải lòng.
Tuy cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng lương hưu còm cõi, song hơn 20 năm qua, bà Lê Thị Kim Chung (70 tuổi, Phường 8, TP. Bạc Liêu) luôn sẵn lòng sẻ chia với những mảnh đời khốn khó. Mái tóc đã pha sương nhưng hằng tuần, hằng tháng bà Chung vẫn tự thân chở quà đến tặng cho những mảnh đời bất hạnh, dù có khi chỉ là 1 thùng mì gói và chục ký gạo hay những vật dụng, đồ dùng trong gia đình.
Ban đầu bà đi một mình, nhưng càng đi càng thấy xung quanh còn có nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ nên đã vận động bạn bè cùng tham gia. Hiện tại, nhóm làm từ thiện của bà lên đến hàng chục người. Mỗi tháng nhóm cùng nấu ăn cho các bé mồ côi được nuôi dạy tại chùa Long Phước từ 1 - 3 lần, cách 1 - 2 tháng thì nhóm lại đi đến địa bàn vùng sâu, xa tặng lương thực, quần áo cho người nghèo, người già neo đơn không nơi nương tựa. Bằng tấm lòng nhân ái, bà Chung đã giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn vượt qua cơn bĩ cực, ổn định cuộc sống.
Với vai trò “cây cao bóng cả”, NCT ở các địa phương trong tỉnh đã và đang đi đầu nêu gương sáng trong các phong trào, cống hiến cho gia đình và xã hội, lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước đến mỗi người dân, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Thùy Lâm
- Huyện Phước Long: Gần 300 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng chuyên môn
- Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên năm 2024
- Diễn tập chiến đấu phường Nhà Mát trong khu vực phòng thủ năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Xây dựng trên 130 căn nhà tình nghĩa cho người có công
- VNPT Bạc Liêu: Tiếp sức VNPT Hải Phòng khắc phục thông tin liên lạc sau bão số 3