Khó tìm lao động thời vụ ở nông thôn

Thứ Tư, 27/09/2023 | 15:41

Có một nghịch lý tồn tại nhiều năm liền trong thị trường lao động. Đó là phần lớn những người trong độ tuổi lao động hiện nay đều chọn cách ly hương, tìm việc ở những khu công nghiệp ngoài tỉnh, trong khi ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh lại thiếu lao động nông nghiệp.

Đổ xô lên thành phố

Trong nhiều công đoạn mùa vụ rất cần một lượng lớn lao động thời vụ như: cải tạo đất, sạ lúa, cấy dặm, thu hoạch, vận chuyển… Những lúc như thế, nhiều chủ ruộng có diện tích canh tác lớn phải chạy đôn chạy đáo tìm người phụ việc vì những trai tráng trong độ tuổi lao động đa số đã rời quê lên các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... làm công nhân.

Thiếu lao động thời vụ, vào lúc thu hoạch rộ, nhiều chủ đất sẵn sàng thuê nhân công với giá cao. Từ 190.000 đồng/ngày trước đây, nay nhiều hộ chấp nhận trả công 280.000 - 300.000 đồng/ngày nhưng phải “đỏ mắt” tìm lao động công nhật. Ông Trần Văn Út (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Trước người đông, việc ít nên chỉ cần gọi là có người đến làm liền. Thậm chí làm việc này, họ còn dặn dò mình công đoạn tiếp theo nhớ kêu họ đến làm. Giá cả thì cũng không cao như bây giờ nên nếu muốn nhanh việc mình có thể kêu cùng lúc 5 - 7 người đến phụ. Giờ vào vụ cắt hoặc bón phân, rất khó tìm người phụ giúp”.

Những ngày này, về các vùng chuẩn bị xuống giống vụ lúa thu đông và lúa trên đất tôm trong tỉnh, không khó để nhận thấy, những người cặm cụi trên đồng hầu hết là những lão nông, chỉ có một số ít lao động trẻ. Ông Nguyễn Văn Huân (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) bộc bạch: “Đồng áng lúc vào việc thì bận tối mặt mũi, nhưng cũng chỉ hơn tháng là nhàn việc, ít người thuê. Lao động thời vụ nông thôn lại đa phần là những hộ ít đất canh tác, hoàn cảnh khó khăn nên nếu không đi tìm việc khác làm thì lấy gì ăn”.

Lao động thời vụ thu hoạch muối ở huyện Hòa Bình. Ảnh: C.L

Lao động thiếu kỹ năng, tay nghề

“Ly nông, bất ly hương” đang là một trong những vấn đề được tỉnh rất xem trọng trong suốt những năm qua. Tại nhiều diễn đàn, hội nghị, thực trạng người lao động khăn gói rời quê sau những kỳ nghỉ lễ, tết đã được đặt ra. Tại buổi đối thoại với nông dân cách đây chưa lâu, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều trăn trở: “Người dân rời quê mặc dù có việc làm nhưng chi phí rồi cũng hết. Tết mang vài triệu đồng về, ăn tết xong lại đi nữa. Tình cảnh đó thấy xót, ngậm ngùi, đau lòng”.

Thế nhưng, cần phải nhìn nhận rằng, trong làn sóng “di cư” lên các khu công nghiệp ở thành phố lớn, có nhiều người vì mục đích tìm tương lai tốt hơn cho bản thân, cho gia đình, song vẫn có nhiều người có điều kiện kinh tế cũng quyết chí ra đi, tìm cho mình “chân trời mới”. Để rồi, không ít bạn trẻ phải vỡ mộng bởi phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách. Không những thế, những người lên thành phố làm thuê phần lớn chưa qua lớp đào tạo nghề nào. Họ đi tìm việc với đôi bàn tay trắng, không kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, chỉ có sức lao động nên luôn bị xếp vào nhóm lao động công nhật và không được hưởng các quyền, lợi ích chính đáng của người lao động (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…). 

Trước thực trạng này, các địa phương đã có nhiều giải pháp khuyến khích, thu hút lao động ở lại quê nhà làm việc như: tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ với nguồn thu nhập ổn định; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cho nông dân ít đất sản xuất; phát huy vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo và giải quyết việc làm; đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tín dụng, vay vốn giải quyết việc làm… 

Mong rằng với những nỗ lực của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, những lao động trong độ tuổi sẽ chọn cách gắn bó với quê nhà, làm giàu bằng chính ý chí và thế mạnh của địa phương để chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng giàu đẹp.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.