Hụi - Lợi bất cập hại

Thứ Tư, 01/04/2020 | 17:02

Mặc dù pháp luật không khuyến khích người dân chơi hụi (họ), nhưng trên thực tế, việc chơi hụi vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ và ở khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ mấy bà, mấy chị ngoài chợ cho đến các chị em công chức nhà nước. Hụi ban đầu có ý nghĩa tích cực, nhưng lâu dần càng biến tướng, trở thành nơi không ít người lợi dụng để lừa đảo chiếm dụng vốn. Nhiều người tán gia bại sản, lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí có người phải lãnh án tù vì hụi.

>>> Bài 1: Hụi và những rủi ro chực chờ

Bài cuối: Hệ lụy trong giao dịch hụi

Chơi hụi bằng lòng tin, thậm chí nhiều người còn không biết những ai cùng chơi với mình. Chủ hụi nói sao nghe vậy, và cứ thế góp tiền. Chính vì quá dễ dàng như thế, dẫn đến tâm lý của nhiều chủ hụi bắt đầu nảy sinh ý định gian dối, sử dụng tiền của người chơi một cách vô tội vạ rồi mất khả năng thanh toán. Cuối cùng, thiệt đơn thiệt kép vẫn chỉ là những người còng lưng đóng hụi và cái kết là tiền mất, bản thân phải ôm đơn đi kiện thưa đủ thứ.

Đối với nhiều lao động nghèo thì chơi hụi là hình thức để có tiền xoay đồng vốn phục vụ việc mua bán

(buôn bán thực phẩm ở chợ Hồng Dân). Ảnh minh họa: L.D

Khi chủ hụi trở thành “chúa chổm”

Bà D., vợ một trưởng ấp ở huyện Vĩnh Lợi trước đây khá uy tín vì làm chủ hụi nhiều năm liền. Gia đình cũng thuộc diện khá giả, nên không ai nghĩ, có một ngày, bà bể hụi. Những người chơi hụi trở thành chủ nợ, ruộng đất trở thành tài sản gán nợ, cầm cố. Người ta đòi nợ không được thì chửi bới, khổ sở trăm đường.

Hay như chị T., làm một cán bộ công chức mẫn cán thôi chưa đủ, chị nghĩ cách kiếm thêm thu nhập bằng việc kêu hụi. Rủ rê nhiều người quen ở các cơ quan, thêm những người bên ngoài. Lên nhiều dây hụi rồi quản lý không xuể. Các tay em (người tham gia) giật hụi cũng có, lấy tiền đầu này lấp đầu kia cũng có và cái kết là bể hụi. Không chỉ là việc mất uy tín, mà còn có nguy cơ bị mất việc làm. Hay trường hợp chủ tịch một hội - đoàn thể ở TX. Giá Rai vài năm trước, chỉ vì chuyện nợ nần do làm chủ hụi mà hủy luôn công sức phấn đấu hàng chục năm trời. Bởi không cơ quan nào chấp nhận việc công chức của mình, chứ đừng nói là lãnh đạo cơ quan bị người dân đến thưa kiện đòi nợ, mất uy tín tập thể.

Từ chuyện vỡ nợ của chủ hụi mà dẫn đến lắm chuyện khóc cười ra nước mắt. Như ông X., cha của một chủ hụi, than thở về chuyện con gái ông kêu hụi. Từ trước đến giờ không giúp cha mẹ được bao nhiêu, khi bể hụi thì về nhà khóc lóc, đòi chết (!?). Buộc lòng ông phải cho mượn tài sản đất đai, nhà cửa của gia đình đi cầm cố hết để lấy tiền trả bớt nợ cho người ta. Cũng có không ít trường hợp, vì các giao dịch chỉ dựa vào uy tín của nhau, nên nhiều hụi viên sau khi kẹt tiền hốt hụi xong thì xù không thèm đóng hụi chết. Nhiều người như vậy dẫn đến tình trạng, chủ hụi không có khả năng lấp hụi. Nút thắt không gỡ được, nợ chồng nợ, vay mượn để bù hụi, chẳng sớm thì muộn cũng dẫn tới cảnh vỡ hụi.

Nhiều dây hụi ở vùng thôn quê nhưng giá trị tài sản khá cao, khi vỡ hụi thì nợ lên đến tiền tỷ. Mỗi dây có từ vài chục người chơi, song song đó sẽ là gần chục nạn nhân, mỗi nạn nhân bị mất tiền từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Những vụ vỡ hụi còn gây xáo trộn cuộc sống của người dân, gây mất an ninh trật tự trong khu vực.

 Những bản án xét xử tranh chấp hụi tại tòa án. Ảnh: K.P

Vướng vòng lao lý

Tại các tòa án, tỷ lệ người dân đến nộp đơn khởi kiện tranh chấp nợ hụi khá cao. Mỗi một bị đơn thì có đến vài chục nguyên đơn khởi kiện. Đến 99% là người chơi đi kiện chủ hụi vì bị giật, hầu hết đều do tòa án giải quyết theo thủ tục tranh chấp dân sự. Rất ít trường hợp giải quyết xử lý mang yếu tố hình sự bởi nó còn đòi hỏi khá nhiều dấu hiệu cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong năm 2019, Tòa án nhân dân tỉnh xử lý lừa đảo liên quan đến hụi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, vụ án nào cũng có đến hàng trăm nạn nhân, với số tiền lừa đảo hàng tỷ đồng. Như trường hợp bị cáo N.T.L (huyện Hòa Bình) bắt đầu đứng ra làm chủ hụi, để hưởng hoa hồng từ năm 2014. Bị cáo sử dụng tiền của các hụi viên đóng hụi để chi xài cá nhân và lấp hụi dẫn đến mất cân đối nên nảy sinh ý thức chiếm đoạt tiền của các hụi viên bằng cách lập ra nhiều dây hụi mới, lấy tên khống tham gia chơi hụi để hốt, mạo danh tên hụi viên để hốt hụi mà không thông báo cho các hụi viên biết và bán hụi khống cho hụi viên để chiếm đoạt tiền. Trong vòng 2 năm, L. mở 21 dây hụi, chiếm đoạt của 116 hụi viên trong 20 dây hụi hơn 3 tỷ đồng. L. bị tòa tuyên án 14 năm tù giam vào tháng 7/2019. Trước đó năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh cũng xử bị cáo K.T.X (huyện Phước Long) 16 năm tù vì lừa đảo hụi.

Phần lớn sau khi các vụ bể hụi xảy ra, các hụi viên rất hiếm có cơ hội để nhận lại số tiền đã bị chiếm đoạt, nếu có thì phần được nhận lại cũng rất ít ỏi, chẳng đáng mấy so với con số mất mát. Bởi thường khi bể hụi, các chủ hụi bằng nhiều cách khác nhau tẩu tán tài sản, tài sản chẳng còn lại bao nhiêu để thi hành án. Những tài sản có giá trị như nhà, đất đều đã được cầm cố, thế chấp trong ngân hàng với số tiền lớn. Với mức án tù hàng chục năm, liệu sau khi ra tù, các chủ hụi còn làm được gì để trả nợ?

Lằn ranh an toàn

Một thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện nói về tranh chấp liên quan đến hụi cho biết, việc xét xử dân sự liên quan đến hụi cũng rất khó khăn. Rất nhiều người tham gia chơi hụi không quan tâm đến quy định pháp luật, không quan tâm đến hình thức. Khi kiện ra tòa, để xác minh việc có nợ hụi để giải quyết tranh chấp là rất khó khăn, chủ yếu tùy thuộc vào thiện chí của chủ hụi. Nếu bị đơn không thừa nhận thì người khởi kiện phải tự chứng minh. Chứng minh không được thì mất số tiền đó. Thực tế cho thấy, qua những vụ bể hụi, rất ít trường hợp chủ hụi bị xử lý hình sự. Nhiều chủ hụi đã biết cách đối phó với pháp luật. Trước khi tuyên bố bể hụi, các chủ hụi đã âm thầm tẩu tán tài sản bằng cách chuyển quyền sở hữu cho người thân, để rồi sau đó họ sẵn sàng ghi giấy thừa nhận nợ, không cần bỏ trốn khỏi địa phương. Nhiều vụ vỡ hụi số tiền hàng tỷ đồng, nhưng chủ hụi đều nhận nợ và cam kết trả nợ cho hụi viên. Theo quy định của tòa án, tòa phải ra quyết định công nhận sự hòa giải thành của các đương sự. Vấn đề là sau đó, khi thi hành án thì không có tài sản để thực hiện.

Luật, Nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ đều có những quy định liên quan đến hụi, điều chỉnh quan hệ dân sự này. Tuy nhiên, việc người dân có áp dụng đúng quy định pháp luật hay không lại là một chuyện khác. Đến nay, trên thực tế, chẳng có hụi viên nào yêu cầu chủ hụi phải đem văn bản thỏa thuận về hụi đi chứng thực và cũng chẳng có chủ hụi nào ghi sổ hụi đúng với quy định. Và chúng ta cũng nên nhớ nằm lòng một nguyên tắc vàng: hụi với lãi suất quá cao cũng như huy động vốn lãi cao, ẩn đằng sau đó đến 90% rủi ro, nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đừng để đến khi là nạn nhân của những dây hụi ma, hụi lừa đảo thì hối hận đã muộn màng.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.