Dự án “Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán”: Những kết quả đáng ghi nhận

Thứ Sáu, 05/06/2020 | 17:08

Dự án “Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy (CNMT), người bán dâm và nạn nhân bị mua bán” (gọi tắt là Dự án 4) thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai trên địa bàn tỉnh đã cho thấy tính hiệu quả trong thực hiện mục tiêu kéo giảm tệ nạn xã hội.  

ĐẦU TƯ MẠNH CHO CNMT

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua, công tác CNMT được quan tâm từ việc chuyển đổi mô hình hoạt động của cơ sở CNMT theo mô hình đa chức năng đến sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho cơ sở CNMT đảm bảo đáp ứng yêu cầu trên địa bàn tỉnh. Công tác CNMT được thực hiện tốt, không để xảy ra tình trạng học viên tập trung gây rối, bỏ trốn khỏi cơ sở. Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng ứng dụng các bài thuốc mới trong CNMT theo Chỉ thị 25 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã thử nghiệm điều trị nghiện ma túy (theo phác đồ 6 tháng) cho 20 người (15 người tại Cơ sở cai nghiện và 5 người tại gia đình, cộng đồng). Đến nay, đã có 15 người hoàn thành thời gian CNMT bằng thuốc Cedemex (5 người đang sử dụng thuốc Cedemex). Trong đó có 2 người tái nghiện, 2 người không sử dụng được thuốc (tự ý bỏ thuốc), 11 người còn lại chưa phát hiện tái nghiện. Từ kết quả đó, tỉnh đã thực hiện Đề án ứng dụng thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị nghiện ma túy, giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1463 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 (đến cuối tháng 4/2020), Cơ sở CNMT tỉnh đã tiếp nhận 875 học viên (184 đối tượng tự nguyện, 691 đối tượng bắt buộc) vào cai nghiện. Có 599 học viên (187 đối tượng tự nguyện, 412 bắt buộc) hết hạn CNMT trở về cộng đồng. Có 285 học viên đang được quản lý tại Cơ sở CNMT tỉnh. Tất cả học viên tại Cơ sở CNMT trước khi về tái hòa nhập cộng đồng đều được dạy một trong số các nghề như: Sửa xe gắn máy hoặc điện lạnh, vi tính, mộc dân dụng, dệt chiếu, ép cá giống...

Mặc dù Bạc Liêu là địa phương khó khăn, hàng năm Trung ương phải hỗ trợ ngân sách, nhưng trước yêu cầu cấp bách, tỉnh đã đầu tư hơn 14,2 tỷ đồng để thực hiện Dự án 4 (chủ yếu trong công tác CNMT) và Trung ương cũng đã quan tâm hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng để thực hiện Dự án này.

Cụm pa-nô tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội được lắp đặt tại Trường THCS Hưng Phú (huyện Phước Long). Ảnh: T.Đ

KIỀM CHẾ TỆ NẠN MẠI DÂM, MUA BÁN NGƯỜI

Tổng kết Dự án 4, giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, công tác phòng chống mại dâm được tỉnh thực hiện đồng bộ các mặt công tác, gồm: truyền thông, giáo dục; can thiệp giảm tác hại và đấu tranh, xử lý hoạt động mại dâm... Trên cơ sở khung định mức kinh tế - kỹ thuật về xây dựng thí điểm mô hình hỗ trợ người bán dâm, tỉnh cũng đã hình thành được mô hình can thiệp giảm tác hại từ mại dâm đối với đời sống xã hội. Từ đó đã mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống mại dâm, không để phát sinh điểm nóng, địa bàn phức tạp về mại dâm.

Để có được thành quả đó, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp với các địa phương thực hiện 500 cuộc truyền thông, có trên 50.000 lượt người tham dự; cấp phát 250.000 tờ rơi, 100.000 cuốn sổ tay công tác và cắm 250 cái pa-nô, áp-phích. Trong quá trình thực hiện chương trình phòng chống mại dâm, tỉnh luôn gắn kết, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan như: chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm; phòng chống HIV/AIDS; phòng chống mua bán người; xây dựng nông thôn mới... Trong đó, chú trọng hướng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến nhóm đối tượng có nguy cơ hoạt động mại dâm (thanh niên chưa có nghề nghiệp, việc làm...).

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của tỉnh, các địa phương đã xây dựng mô hình “Phòng chống tệ nạn xã hội” (bao gồm: phòng chống ma túy, mại dâm, mua bán người) ở 8 đơn vị xã, phường, thị trấn. Cụ thể, ở phường 5, phường 8 (TP. Bạc Liêu); xã Phong Thạnh Tây B (huyện Phước Long); thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình); phường 1, phường Hộ Phòng, phường Láng Tròn (TX. Giá Rai) và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Hoạt động của mô hình chủ yếu là truyền thông, tư vấn, góp phần làm giảm tác hại của mại dâm đối với đời sống xã hội.

Lực lượng chức năng (chủ yếu là ngành Công an) và Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh, huyện đã thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm.

Với quan điểm hoạt động thanh tra, kiểm tra không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các lực lượng chuyên trách chủ yếu là giáo dục, phổ biến quy định pháp luật về phòng chống mại dâm và hướng dẫn cơ sở hoạt động lành mạnh, đúng pháp luật. Tuy nhiên, lực lượng cũng cương quyết xử lý nghiêm những cơ sở cố tình vi phạm. Hoạt động truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Song song đó, tỉnh cũng kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương. Thông qua việc thực hiện mô hình thí điểm đã tạo điều kiện thuận lợi để nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ xã hội như: vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm..., sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Theo thống kê giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tiếp nhận 7 nạn nhân bị mua bán trở về. Qua đó đã lập hồ sơ hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Từ những việc làm thiết thực, ý nghĩa trên cho thấy, các chính sách xã hội do Dự án 4 mang lại đã và đang tạo điều kiện rất tốt để ổn định xã hội cho tỉnh nhà phát triển. 

TẤN ĐẠT

Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025

- Về cai nghiện ma túy:

+ 90% người nghiện ma túy khi có Quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện (CSCN) bắt buộc được thi hành kịp thời;

+ Số người nghiện có hồ sơ quản lý được cai nghiện với các hình thức đạt từ 70% trở lên;

+ 100% người nghiện ma túy bắt buộc tại CSCN được dạy nghề theo quy định;

+ 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong CSCN được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định pháp luật.

- Về phòng, chống mại dâm:

+ Từ năm 2020 - 2025: 100% xã, phường, thị trấn được tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền về phòng chống mại dâm và được duy trì thường xuyên;

+ Thông tin về phòng chống tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, mua bán người) được đăng tải trên cơ quan báo chí cấp Trung ương một năm/kỳ; cấp tỉnh một tháng/kỳ; phát trên đài/trạm truyền thanh 7/7 huyện, thị xã, thành phố và 64/64 xã, phường, thị trấn trong tỉnh;

+ 100% huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương, như: chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn; chương trình việc làm; phòng chống HIV/AIDS; phòng chống tội phạm mua bán người.

- Về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán:

+ 100% trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định pháp luật;

+ 100% nạn nhân có nhu cầu sẽ được hỗ trợ các chế độ, kết nối các dịch vụ trợ giúp xã hội theo quy định pháp luật;

+ 100% nạn nhân và người thân của họ có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định pháp luật;

+ Tổng kết, duy trì mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán, người sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương tại 8 đơn vị, xã, phường, thị trấn đang thí điểm và đề xuất nhân rộng (nếu được đầu tư kinh phí).

T.Đ (lược trích)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.