Chật vật mưu sinh nơi phố thị

Thứ Sáu, 24/05/2024 | 16:15

Nơi phố thị sầm uất, phía sau những dãy nhà cao tầng, hiện đại có những lao động nghèo vẫn ngày ngày nương vào góc phố, khu chợ, hẻm nhỏ nhọc nhằn mưu sinh. Đó là những người bán hàng rong, bán vé số, thợ sửa quần áo, sửa khóa… ở TP. Bạc Liêu đang nỗ lực lao động kiếm tiền để chăm lo cuộc sống gia đình.

 Lao động nghèo vất vả mưu sinh. Ảnh: T.Q

Thu nhập bấp bênh

Cứ tầm 6 giờ sáng là ông Triệu Văn Minh (Phường 2) lại  có mặt ở khu vực Trung tâm Y tế TP. Bạc Liêu mời bán vé số. Chân trái bị hoại tử, phải cắt đi do biến chứng của bệnh tiểu đường, điều kiện sức khỏe hạn chế nên mỗi ngày ông chỉ bán được 50 - 100 tờ vé số. Đây là thu nhập chính của gia đình 3 người. “Ở nông thôn còn có đất để trồng rau, nuôi cá, mò cua bắt ốc sống đắp đổi qua ngày. Còn ở thành thị, mọi thứ đều đắt đỏ thì chỉ có thể cố gắng làm kiếm tiền, chi tiêu dè sẻn. Dù nắng hay mưa, hoặc hôm nào trong người không khỏe cũng ráng đi bán để cuộc sống không bị thiếu hụt”, ông Minh cho biết.

Đều đặn hàng chục năm nay, cứ 5 giờ sáng là ông Trần Văn Chánh (Phường 7) có mặt bên hông Trường THCS Trần Huỳnh chờ khách. Trước đây, nghề đạp xe vua cho thu nhập khá, còn hiện tại, có khi cả ngày chẳng có một khách hàng. Nếu có khách thuê chở hàng thì tùy đoạn đường gần xa và loại hàng hóa cần vận chuyển, mỗi lượt cũng kiếm được vài chục đến hơn trăm ngàn đồng. Theo ông Chánh, hiện nay, dù lượng khách đã vắng dần, họ chọn những phương tiện khác để di chuyển, nhưng những người chạy xe vua như ông vẫn bám trụ với nghề, một phần là vì không có điều kiện để chuyển sang nghề khác, một phần là do đã gắn bó hơn 30 năm nên không nỡ bỏ nghề.

Vợ chồng ông Tạ Minh Chánh (Phường 3, TP. Bạc Liêu) sửa giày dép cho khách.

Thầm lặng mưu sinh

Ngã tư đường Lê Văn Duyệt, đường Hà Huy Tập (Phường 3) là nơi tập trung nhiều người sửa giày dép kiếm sống. Giữa phố xá đông đúc người qua lại, hằng ngày, những người làm nghề sửa giày dép vẫn cần mẫn xỏ từng mũi kim để may, sửa, gia cố những đôi giày dép bền chắc hơn.

Là dân “lão làng” với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề sửa giày dép, ông Tạ Minh Chánh (Phường 3) cho biết, nghề sửa giày dép này là cha truyền con nối của gia đình ông. Thoạt nhìn thì cứ tưởng nghề sửa giày dép đơn giản và dễ kiếm tiền, chỉ cần chọn địa điểm thuận lợi, bày biện một cái tủ nhỏ, vài cái ghế cho khách cùng một số dụng cụ như kim, chỉ, kéo, keo… là xong, nhưng sự thật không như vậy, nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ ở từng đường kim, mũi chỉ. Chưa kể những người làm nghề phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, mưa nắng vì trực tiếp làm việc ngoài trời.

Không chọn cách chạy xe rong ruổi khắp mọi ngóc ngách như những “đồng nghiệp” khác, anh Văn Đức thuê một góc nhỏ ở đường Hoàng Văn Thụ (Phường 3) để hành nghề. Đồ nghề của anh chỉ có chiếc máy mài, cây búa nhỏ, cây giũa, chiếc đèn soi và bao nylon bọc kềm, kéo sau khi mài xong thành phẩm. Với bản tính cẩn thận, anh luôn tỉ mỉ mài giũa từng cây dao, cây kéo, cây kềm để đảm bảo độ sắc lâu, nhờ đó tạo được sự tin tưởng của khách hàng, nhiều “mối” cũng gắn bó với anh hàng chục năm qua. Mỗi tháng trừ hết chi phí, anh sống tiện tặn vẫn có chút ít tiền tích lũy để lo cho cuộc sống về sau.

Cuộc sống mưu sinh của những lao động tự do nơi phố thị cũng lắm gian nan, nhọc nhằn. Họ luôn chịu khó làm việc với hy vọng có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình và đầu tư tương lai tươi sáng cho con em...

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.