Cuộc sống quanh ta

Ấm áp nghĩa đồng bào!

Thứ Sáu, 01/10/2021 | 17:04

Những lần trước COVID-19 như một tên ngông, đi lạc vào xứ sở bình yên này rồi bị tống cổ chạy dài. Nhưng lần này nó ngoan cố, hung tợn đến tàn ác. TP. Hồ Chí Minh, nơi được xem là một biểu tượng về thành tích chống dịch, nhưng trong một thời gian phải chịu nhiều mất mát.

Cán bộ, chiến sĩ Công an TP. Bạc Liêu vận chuyển gạo ủng hộ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để cứu trợ người dân Bạc Liêu tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: H.T

Khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phổ biến đến toàn dân, tôi có cảm giác mọi thứ gần như xáo trộn và ngột ngạt vô cùng bởi mất đi sự tự do vốn có như: thói quen ngồi quán cà phê buổi sáng, chiều, hay tụ tập “lai rai” hoặc xách xe chạy lòng vòng thành phố để thư giãn… Vậy mà “đùng” một cái, một sự vật gần như đứng yên.

 Vài ngày cũng quen dần, trong vài ngày đó tôi quan tâm nhiều hơn về những gì đang diễn ra xung quanh, mà trước đó gần như vô tư, chỉ chăm chút cho những gì thuộc về mình.

Qua hình ảnh, nhìn thấy các y, bác sĩ ngày đêm căng mình để giành giật mạng sống cho từng bệnh nhân; chứng kiến hàng đoàn xe cứu thương xếp hàng ngoài cổng bệnh viện vì trong ấy đang quá tải… Có ai hình dung được nỗi đau khủng khiếp, kinh hoàng diễn ra ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, nhất là TP. Hồ Chí Minh - nơi sôi động nhất nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế và các thế mạnh khác, nay cả nước phải chung tay giúp đỡ mọi mặt, trước mắt là hỗ trợ nhân lực cho ngành Y, sau đó là vô số tài lực, vật lực tập trung cho Sài thành chống dịch.

Tôi nhớ hoài câu hỏi thăm của một nhóm hảo tâm, chạy xe máy khắp ngõ hẻm tìm những người lang thang để phát cơm và nước uống, có cả tiền tiêu vặt nữa. Một cụ ông co ro bên hiên nhà, chiếc xe máy dừng lại: “Ông ơi! Ông có ăn gì chưa? Sao ông lại ngồi đây?”. Ông lão trả lời yếu ớt: “Không có nhà, tui đói!”. Anh thanh niên đưa túi quà và nói: “Cơm còn nóng, ông ăn đi cho ngon, con có để chai nước và 200.000 đồng trong đây, ông cất nghen! Ông mặc thêm áo vô, trời sắp mưa rồi đó! Con đi à!”.

Còn nhiều chuyện cảm động mà tôi chứng kiến hay nghe lời kể của họ, như chuyện một bác sĩ còn cho con bú nhưng không về được nhà sau lệnh giãn cách đêm qua; một trẻ sơ sinh nhập viện cùng cha mẹ là bệnh nhân nặng, thế là nữ bác sĩ đã trở thành “người mẹ thứ hai” vì đã nuôi bé bằng chính dòng sữa của mình cho tới khi cha mẹ bé xuất viện.

Những ngày qua, mất mát lớn lao trên đất nước này, trên quê hương này, tôi ngẫm lại mới thấy mình may mắn gấp vạn lần các nạn nhân của COVID-19. Những bức bối, ngột ngạt, mất tự do, thói quen bị hạn chế… mà tôi cảm thấy lúc đầu giãn cách, thì bây giờ nó là những gì tôi phải chiêm nghiệm, phải so sánh với biết bao tổn thất, mất mát mà cả nước phải gánh chịu. Rồi tự mình hối hận vì đã cho mình cái quyền than vãn, cằn nhằn, trong khi còn rất nhiều đồng bào mình đang nằm trong khoa hồi sức cấp cứu chưa biết ai còn, ai mất. Những người thất nghiệp tháo chạy về quê chưa biết ngày nào trở lại nhà máy, xí nghiệp để tìm cuộc mưu sinh ổn định.

Một điều kỳ diệu là biết hiểm nguy đang đe dọa mình từ mọi phía, mọi nơi nhưng không một ai nao núng, đầu hàng. Đã có bác sĩ mất mạng vì COVID-19 nhưng đồng đội các anh không chùn bước, vẫn ngày đêm cống hiến hết mình để cứu sống từng sinh mạng đang “ngàn cân treo sợi tóc” ở khắp các bệnh viện điều trị COVID-19. Họ là những thiên thần có thật, đang hiện diện quanh ta chứ không phải trong truyền thuyết!

Mọi người và cả tôi nữa, hãy nhìn đi, nhìn những bộ đồ bảo hộ mà các “ân nhân” nơi tuyến đầu chống dịch phải mang ngày này qua ngày khác. Cơm ăn vội vã, nước không dám uống nhiều vì sợ phải đi tiểu lúc đang cấp cứu bệnh nhân! Tình nguyện viên đi giao hàng từ thiện ngất xỉu dọc đường khi nhu cầu của người dân quá lớn mà sức người có hạn…

Có lẽ niềm động viên lớn nhất đối với các anh chị đó là sự bình phục ngày càng nhiều của bệnh nhân, sự quan tâm của Nhà nước và của Nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc dành cho ngành Y, dành cho các lực lượng khác đang khẩn trương, quyết liệt để khống chế hoàn toàn COVID-19, đem lại cuộc sống bình yên cho mọi người.

Chưa bao giờ tôi cảm nhận sâu sắc về hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng như lúc này. Từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, từ bà con ở xa Tổ quốc đã gom góp những gì mình có, gửi nhanh đến TP. Hồ Chí Minh từ đồng tiền, viên thuốc, hạt gạo, củ khoai, trái bầu, trái bí, con cá, con tôm… không ai bảo ai, thế mà mọi người chung một mục đích, chung một nguyện vọng, chung một tấm lòng.

Rồi mọi đau thương sẽ qua! Rồi bình yên sẽ trở về!

Qua cơn đại nạn, tôi tin mọi người sẽ bớt đi những toan tính, hơn thua, ganh tỵ… mà sẽ gần nhau hơn, dành cho nhau những gì tốt đẹp, yêu thương, trân trọng nhất!

Dù tôi là công nhân, anh là giáo viên ở hải đảo xa xôi, hay người lính trên các tuyến biên phòng hay các y, bác sĩ đang trong phòng trực cấp cứu bệnh nhân… tất cả đang nhìn về một hướng, cùng đoàn kết làm hết sức mình vì một Việt Nam khỏe mạnh, vì một tương lai tươi sáng cho đất nước hình chữ S kiên cường này.

BÚT NGỌC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.