BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Nhận diện và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc nền kinh tế ở nước ta

Thứ Sáu, 06/01/2023 | 17:27

Gần 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhất là từ khi Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986) đến nay đã làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước được nâng lên, chưa bao giờ có như ngày nay. Tuy nhiên, dưới chiêu bài “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế.

Thứ nhất, các thế lực thù địch đẩy mạnh xuyên tạc và xóa bỏ giá trị thặng dư của C.Mác; cho rằng, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), sản xuất hàng hóa cũng bóc lột giá trị thặng dư; qua đó nhằm xuyên tạc bản chất nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà đất nước ta đang xây dựng và phát triển. Đặc biệt, từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các thế lực thù địch xuyên tạc rằng nước ta thừa nhận kinh tế thị trường là đang mở đường cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển, phát triển kinh tế tư nhân là quay lại đúng quỹ đạo để phát triển theo tư bản chủ nghĩa, mở đường cho “tư nhân hóa”, “tự do hóa” về kinh tế…

Thứ hai, lợi dụng chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, thông qua các hoạt động hợp tác, đầu tư… các thế lực thù địch tìm cách từng bước làm biến đổi cơ sở kinh tế - xã hội của chủ nghĩa xã hội ở nước ta, gây áp lực đòi Việt Nam phải “tư nhân hóa” nền kinh tế. Các thế lực thù địch cho rằng, Việt Nam cần tự do hóa các nguồn vốn ngoại tệ, khuyến khích tăng giá đồng nội tệ, nới lỏng chuyển đổi tự do giữa đồng nội tệ và các ngoại tệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tự do hóa thị trường tài chính, xây dựng ngân hàng Trung ương thật sự độc lập.

Thứ ba, thông qua các hoạt động đầu tư, thương mại, viện trợ kinh tế… các thế lực thù địch tìm cách tạo ra sự phát triển chênh lệch giữa các vùng, miền, giữa các ngành kinh tế, từ đó dẫn đến sự mất cân đối của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, thông qua các hoạt động hợp tác, đầu tư…, các thế lực thù địch tìm cách gây sức ép về chính trị, đặt ra những điều kiện ràng buộc trong quan hệ ngoại giao với nước ta, từ đó hòng can thiệp vào nội bộ của các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị nước ta.

Thứ tư, lợi dụng những tồn tại, hạn chế nảy sinh trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, nhất là lợi dụng việc thời gian gần đây, nước ta xử lý nhiều đối tượng tham nhũng, tiêu cực, trong đó có những người nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, kích động tâm lý hoài nghi trong xã hội; kích động, cổ xúy, làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Cần xác định rằng, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta đang xây dựng là “một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường”, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta được xác định dựa trên chế độ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất chủ yếu, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, song kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Nước ta thừa nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân với phương diện là con đường để huy động vốn, phát triển khoa học - công nghệ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân chứ không phải là mục tiêu của nhiệm vụ xây dựng quan hệ sản xuất mới. Để đảm bảo yếu tố định hướng XHCN, nền kinh tế thị trường ở nước ta không phải là hoàn toàn tự do mà đặt trong “khuôn khổ”, đó là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Việt Nam.

Để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc này, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, khẳng định giá trị, vai trò của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạch định đường lối xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tăng cường tuyên truyền về thành tựu nước ta đã đạt được sau gần 40 năm đổi mới, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, qua đó, khẳng định những luận cứ khoa học cho cuộc đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảm đảm an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Đinh Hải Nam

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.