Y tế - Sức khỏe
Vấn nạn bơm nước vào heo: Bao giờ chấm dứt?
Khi đi cùng đoàn kiểm tra đột xuất vào các lò giết mổ heo, chúng tôi chứng kiến cảnh những con heo bị bơm nước đến bụng căng tròn, không thể đứng nổi, có con vì bị bơm nước quá nhiều nên lên cơn co giật liên tục. Cửa ra vào lò giết mổ được khóa cẩn thận và bên trong luôn có người canh gác. Hàng chục “đồ tể” bỏ chạy tán loạn khi thấy đoàn kiểm tra đến.
HÃI HÙNG CHUYỆN BƠM NƯỚC VÀO HEO
Lò giết mổ gia súc tập trung ở phường Láng Tròn (thị xã Giá Rai) là một trong những lò mổ lớn tại Bạc Liêu. Mỗi đêm nơi này làm thịt hàng trăm con heo, cung cấp cho thị trường tại chỗ và TP. Bạc Liêu, TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
![]() |
![]() |
![]() |
* Cán bộ thú y phát hiện các dụng cụ bơm nước vào heo được giấu trong lò giết mổ Trưởng Tòa. * Đoàn kiểm tra đứng chờ ngoài cổng lò giết mổ gia súc Trưởng Tòa (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long). * Những con heo bị bơm nước căng bụng nằm lăn lóc tại lò giết mổ gia súc phường Láng Tròn (thị xã Giá Rai). Ảnh: M.Đ |
Các thành viên phát hiện mỗi chuồng nhốt hơn chục con heo, tất cả đều nằm im bất động, nhưng không khó để phát hiện ra một số điểm bất thường. Có con liên tục nôn ra thức ăn, có con vết thương trên miệng vẫn còn rướm máu, không con nào đứng dậy nổi. Đó là những con heo đã bị bơm nước chuẩn bị đem ra giết mổ. Tại một rãnh thoát nước ở cuối khu chuồng, đoàn kiểm tra phát hiện một số dụng cụ dùng để bơm nước vào heo được giấu tại đó.
Chủ lò giết mổ thản nhiên thừa nhận việc họ bơm nước vào heo trước khi giết mổ, và việc này đã trở thành “thường ngày”. Theo anh Trần Quốc Cường (thợ giết mổ heo ở đây hơn 20 năm): “Số lượng heo giết mổ ở lò này hàng đêm khá lớn (từ 15 - 20 con). Heo bị bơm nước cho đến khi ngã xuống thì mới mổ thịt”.
Trong khi tất cả các chủ tham gia giết mổ gia súc đều ký cam kết không bơm nước vào heo trước khi giết mổ, nhưng hầu hết họ lại làm ngược lại. Anh Trần Quốc Cường cho biết: “Các cửa hàng nhận thịt heo đã quen với việc heo bị bơm nước. Thịt heo bị bơm nước giá thấp hơn thịt heo không bơm nước từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Vì cạnh tranh với chủ lò mổ khác, nên buộc lòng chúng tôi phải bơm nước vào heo”.
XỬ LÝ NHƯ “BẮT CÓC BỎ DĨA”
Ngoài lò mổ ở phường Láng Tròn, Hộ Phòng (thị xã Giá Rai), lò giết mổ gia súc Trưởng Tòa (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) cũng xảy ra tình trạng bơm nước vào heo. Điều đáng nói là lò này không chỉ bơm nước vào heo, mà quy trình giết mổ cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Heo được giết mổ trên sàn xi măng ngập ngụa máu và chất thải, sản phẩm thịt sau khi giết mổ bị vứt lăn lóc trên nền nhà dơ bẩn. Sau đó, các sản phẩm này được xử lý qua loa, phân loại và đưa ra thị trường. Lò giết mổ gia súc Trưởng Tòa cũng được canh chừng (đoàn kiểm tra, cán bộ thú y) rất nghiêm ngặt. Ngoài cổng rào bên ngoài, phía trong có thêm một cánh cửa. Cánh cửa này được chủ lò mổ dùng bạt cao su che kín và tạo vật ngăn cản người vào. Mặc dù lò giết mổ nằm sát mặt đường nhưng người bên ngoài khó thấy được hoạt động bên trong.
Khi đoàn kiểm tra yêu cầu mở cổng, người thanh niên làm nhiệm vụ gác cổng nói là không có giữ chìa khóa nên không thể mở và chạy vào lò thông báo. Những người trong lò đã nhanh chóng giết và xẻ thịt toàn bộ số heo đã bơm nước để đối phó.
Khi đoàn kiểm tra vào được khu giết mổ thì đã có hơn 20 con heo bị giết mổ nằm lăn lóc, máu nhuộm đỏ cả khu vực dưới sàn xi măng. Theo một cán bộ thú y, bình thường công nhân sẽ dùng chậu để hứng huyết heo, song do có đoàn kiểm tra nên họ phải giết mổ vội vã (không kịp hứng huyết) để phi tang chứng cứ heo bị bơm nước. Theo quy định, khi nghi heo bị bơm nước, đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản giữ heo trong vòng 6 tiếng. Nếu heo chết sẽ phạt chủ cơ sở bơm nước vào heo. Còn nếu đã chết thì mặc dù biết rõ heo bị bơm nước nhưng không thể xử phạt.
Thời gian qua, Chi cục Thú y tỉnh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc bơm nước vào heo, nhưng vấn nạn này vẫn diễn ra. Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Nhiều chủ tham gia giết mổ gia súc bị phạt 2 - 3 lần và ký cam kết không bơm nước vào heo, nhưng họ vẫn không thực hiện”.
Thiết nghĩ, để triệt tiêu vấn nạn bơm nước vào heo, cần phải nâng cao mức xử phạt. Bởi hiện nay, mức xử phạt còn thấp, chưa thật sự răn đe những người tham gia giết mổ có hành vi bơm nước vào heo.
MINH ĐẠT
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện
- Công ty Điện lực Bạc Liêu: Tập huấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm năm 2025
- 35 thí sinh tranh tài tại Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh
- Tổng kết Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau”