Y tế - Sức khỏe
Triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch hạch trên địa bàn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Thị Ái Nam vừa ký ban hành Văn bản số 4291, ngày 15/12/2014 về việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch hạch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai, phối hợp thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống loại dịch bệnh nguy hiểm này.
Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm thuộc nhóm A, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh, tỷ lệ tử vong cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong 3 tháng qua tại Madagascar đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, trong đó đã có 40 ca tử vong. Trước đó đã có 4 trường hợp mắc bệnh dịch hạch thể phổi tại Mỹ được ghi nhận và 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). Tại Việt Nam, từ năm 2012 trở lại đây không ghi nhận trường hợp mắc bệnh dịch hạch. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Y tế thì bệnh dịch hạch có thể xâm nhập và bùng phát tại nước ta.
![]() |
Chủ động vệ sinh môi trường, diệt chuột… là cách phòng chống bệnh dịch hạch tốt nhất. Ảnh: C.K |
Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường khu vực tập trung đông người, khu vực có nguy cơ cao. Khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp diệt chuột. Ngoài ra, ngành Y tế cần chủ động tổ chức công tác tập huấn, giám sát phòng, chống dịch bệnh, xét nghiệm để nâng cao năng lực ứng phó của nhân viên y tế đối với dịch bệnh. Đồng thời phải tổ chức củng cố, kiểm tra công tác sẵn sàng thu dung, ứng cứu, cách ly, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đảm bảo việc chẩn đoán sớm, chính xác, điều trị bệnh hiệu quả ngay khi có ca bệnh đầu tiên, hạn chế lây lan, đặc biệt là không để xảy ra tử vong… Củng cố các đội cấp cứu cơ động chống dịch để sẵn sàng giúp các địa phương xác định dịch bệnh, xử lý ổ dịch, cấp cứu bệnh nhân khi có yêu cầu. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ khi có dịch xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh như: Sở GT-VT chỉ đạo các đơn vị vận tải chủ động thực hiện việc tiêu diệt chuột, bọ chét trên các phương tiện GT-VT, đặc biệt là phương tiện vận tải đường thủy, đường bộ; Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhập khẩu động vật gặm nhấm, tăng cường giám sát chủ động các chỉ số chuột và bọ chét tại các vùng, khu vực có nguy cơ cao, hướng dẫn chi tiết, cụ thể các biện pháp diệt chuột cho người dân…
Trước nguy cơ xâm nhập, bùng phát của bệnh dịch hạch, một loại bệnh đặc biệt nguy hiểm thì việc chủ động phòng, chống có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trong đó, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, chủ động phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe, sinh mạng cho bản thân và gia đình.
KHÁNH CHÂU
- Tiếp tục tập trung các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận tại tổ đối với nhiều dự án Luật
- Rà soát nhu cầu chuyển trường về Cà Mau của con cán bộ
- Huyện Hồng Dân: Trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2 - năm 2025 cho các đảng viên cao niên
- UBND TP. Bạc Liêu: Hạn chế lưu thông qua cầu treo Phường 8