Y tế - Sức khỏe
Tích cực phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Hiện nay, đang vào cao điểm mùa mưa, nếu môi trường sống không đảm bảo các yếu tố vệ sinh thì rất dễ phát sinh dịch bệnh. Trong đó, nguy hiểm nhất vẫn là bệnh sốt xuất huyết (SXH). Vì vậy, đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh nói chung, SXH nói riêng là việc làm cần thiết.
Tẩm mùng bằng hóa chất để phòng chống bệnh SXH cho người dân tại xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: C.K
Theo ngành Y tế, bệnh SXH Dengue là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do một loại vi-rút thuộc họ Flaviviridae gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng số mắc nhiều nhất lại tập trung vào mùa mưa. Bệnh có thể dẫn đến tử vong, nhất là ở trẻ em. Do chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị nên bệnh SXH có thể gây hiểm họa cho bất cứ gia đình nào. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh cần được người dân chú trọng, không nên chủ quan, lơ là…
Còn theo Viện dịch tễ Trung ương, vi-rút truyền từ người bệnh sang người lành do một loại muỗi đốt gọi là muỗi vằn (có tên khoa học là Aedes aegypti). Loại muỗi này sống trong và xung quanh nhà, thích đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, nước mưa… Bệnh SXH có đặc trưng bởi sốt, xuất huyết và thất thoát huyết tương, dẫn đến sốc do giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu thứ phát sau sốc kéo dài. Do vậy, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Bệnh SXH thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, bệnh rất nguy hiểm vì tốc độ lan truyền nhanh. Mặt khác, một người có thể bị mắc nhiều lần trong đời và những lần nhiễm sau nguy hiểm hơn những lần nhiễm trước. Do vậy, việc phát hiện sớm trẻ bị SXH cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống SXH nhằm bảo vệ con em và gia đình cũng như cộng đồng nơi bạn đang sinh sống là vô cùng cần thiết.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc bệnh SXH, các địa phương trong tỉnh đều có ca mắc. Theo phản ánh của người dân, khoảng 1 tháng nay, ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, mật độ muỗi xuất hiện rất cao. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, chuyên trách chương trình SXH - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Ngành Y tế tỉnh đang tăng cường công tác phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trong mùa mưa, nhất là dịch bệnh SXH. Ngành đã phối hợp cùng các địa phương phát động, tuyên truyền người dân thực hiện chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước… Việc làm này phải được thực hiện hàng ngày, hàng tuần, không nên chủ quan, lơ là, nhất là trong giai đoạn cao điểm mùa mưa như hiện nay”.
Để phòng chống dịch bệnh SXH, ngay từ đầu mỗi năm, ngành chức năng đã phát động các ngành, các cấp, các địa phương và người dân diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, làm vệ sinh môi trường… Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh cũng chủ động giám sát, theo dõi, dập dịch sớm để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Nếu phát hiện ca bệnh, nhân viên y tế sẽ lập tức đến điều tra dịch tễ, phun xịt hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh…
SXH là một bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao, nhất là đối với trẻ em, nhưng biện pháp phòng chống lại rất đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe gia đình, con em, mọi người cần thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SXH như: tích cực diệt muỗi, lăng quăng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước, vệ sinh nhà ở, giữ môi trường thông thoáng, khi ngủ phải giăng mùng; thường xuyên để ý đến sức khỏe, những biểu hiện lạ, bất thường ở trẻ em để phát hiện, có biện pháp xử lý kịp thời nếu chẳng may mắc bệnh…
Khánh Châu
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên