Y tế - Sức khỏe
Tăng cường đề phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm
Thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của ngành Y tế, trên địa bàn tỉnh các loại dịch bệnh nguy hiểm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy, cúm, thủy đậu… đang có dấu hiệu tăng mạnh. Trước tình hình trên, ngành Y tế chủ động phòng chống, dập dịch và khuyến cáo người dân cẩn thận đề phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, nhất là đối với trẻ em.
Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi nơi có ổ dịch sốt xuất huyết tại cộng đồng. Ảnh: C.K
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2016 đến nay đã có gần 500 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 9 và đến giữa tháng 10/2016 đã có gần 100 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận. Nếu so với cùng kỳ năm 2015, số ca mắc bệnh đã tăng trên 300 ca. Một dịch bệnh nguy hiểm khác cũng đang có dấu hiệu tăng nhanh là bệnh tiêu chảy, với gần 2.000 ca mắc. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 9/2016 đã có trên 130 ca bệnh được ghi nhận khi đến điều trị tại các cơ sở y tế. Địa phương có nhiều ca mắc bệnh nhất trong tháng 9 là TP. Bạc Liêu 34 ca, huyện Phước Long 32 ca, huyện Vĩnh Lợi 22 ca…
Bệnh rubella, bệnh cúm, bệnh tay chân miệng… cũng đang tăng nhanh số ca mắc, nhất là đối với trẻ em. Theo đó có trên 800 trường hợp mắc bệnh cúm, trên 653 trẻ bị bệnh tay chân miệng, 55 trường hợp bị bệnh thủy đậu, 74 trường hợp bị mắc bệnh quai bị. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 9/2016 đã có trên 200 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TP. Bạc Liêu 74 trường hợp, huyện Hòa Bình 36 trường hợp, huyện Giá Rai 22 trường hợp…).
Theo ghi nhận, khoảng từ đầu tháng 10/2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, kèm theo đó là tình trạng muỗi xuất hiện nhiều. Còn theo phản ánh của phụ huynh, tại một số trường học, nhất là các trường mầm non trên địa bàn TP. Bạc Liêu, tình trạng học sinh bị muỗi đốt đã xảy ra. Để đối phó với muỗi, vào mỗi buổi sáng trước giờ học, các giáo viên phải dùng thuốc diệt muỗi để xịt trong phòng học. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo lắng con em mình bị nhiễm độc bởi khi vào học mùi thuốc diệt muỗi còn rất nặng. Trước tình trạng trên, ngành Y tế đã phối hợp với các trường để phun thuốc diệt muỗi vào những ngày cuối tuần để đảm bảo sức khỏe cho các cháu mầm non và các em học sinh.
Bác sĩ Đinh Thị Tố Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… phần lớn trường hợp mắc bệnh là trẻ em. Vì vậy, để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm này, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc, thường xuyên việc diệt muỗi, diệt lăng quăng và vệ sinh cá nhân cho trẻ, cũng như môi trường xung quanh nơi ở. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời nếu nghi ngờ, phát hiện trẻ có các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng như: sốt, nổi mẫn đỏ trên cơ thể…”
TRÚC LY
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên