Y tế - Sức khỏe

Phòng ngừa các bệnh thường gặp khi giao mùa

Thứ Hai, 12/06/2017 | 16:36

Thời điểm giao mùa cũng là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, các loại bệnh phát triển, xâm nhập vào cơ thể người. Trong số đó, đáng lo ngại nhất là bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), nếu không kịp thời phát hiện và điều trị sẽ rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, việc phòng tránh bệnh khi thời tiết giao mùa là vô cùng cần thiết.

Khám bệnh cho trẻ em ở Bệnh viện Đa khoa Đông Hải. Ảnh: L.D

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, qua công tác giám sát các loại bệnh truyền nhiễm trên địa bàn cho thấy cả hai loại bệnh gồm: SXH và TCM đều có chiều hướng gia tăng. Trong đó, bệnh TCM đã ghi nhận 424 trường hợp phải nhập viện điều trị, phân bố rải rác khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nhiều nhất là huyện Phước Long 124 trường hợp và chưa có trường hợp nào tử vong. Bệnh SXH cũng bắt đầu gia tăng với số người mắc bệnh được ghi nhận lên tới 270 trường hợp.

Những năm trước, SXH thường gia tăng mạnh trong thời điểm mùa mưa, thế nhưng một năm trở lại đây, SXH xuất hiện quanh năm, hầu như tháng nào cũng ghi nhận vài trăm ca bệnh trên địa bàn tỉnh. Bệnh SXH diễn biến vô cùng phức tạp, không chỉ riêng trẻ em mà người lớn cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đinh Thị Tố Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, sở dĩ SXH gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân là do một số người, nhất là người dân vùng nông thôn hiểu biết chưa kỹ càng về căn bệnh này, có người còn nhầm lẫn giữa SXH với sốt siêu vi và sốt phát ban. Bởi lẽ, tất cả các sốt do siêu vi lúc đầu đều giống nhau là sốt cao khó hạ. Tuy nhiên, ở sốt siêu vi thì có kèm theo sổ mũi, ho, đau họng nhiều hơn. Sốt phát ban thì ngoài sốt ra ít có biểu hiện gì khác. Còn riêng SXH ngoài sốt cao kéo dài còn kèm theo các triệu chứng như: đau đầu, đau bụng, ăn uống kém và đau tay chân. Nếu không kịp thời phát hiện, điều trị không đúng sẽ làm cho bệnh chuyển biến nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Đáng lo ngại hơn là nhiều trẻ em ở vùng nông thôn mắc phải căn bệnh TCM mà người lớn cứ nhầm tưởng là con mình bị đậu mùa hay thủy đậu. Vì biểu hiện của bệnh TCM có phần giống với bệnh thủy đậu như: sốt, nổi bóng nước trong lòng bàn tay, bàn chân, thậm chí còn nổi những nơi khác, nên một số người không đưa con em mình đến cơ sở y tế để điều trị mà dùng những biện pháp dân gian như: lấy mủ các loại cây thoa vào những nơi bị bóng nước, hoặc dùng gốc rạ ngoài ruộng đem về nấu nước tắm cho con em mình. Chính hành động ấy lại vô tình gây nguy hại đến tính mạng của trẻ do thuốc trừ sâu còn bám dính vào rạ sau mùa vụ thu hoạch sẽ thấm vào vết thương hở làm cho vết thương bị nhiễm trùng, lở loét nặng hơn và tình huống xấu có thể gây nên chết người.

Hai loại bệnh SXH và TCM thường xuất hiện nhiều ở các khu vực đông dân cư, nhà trọ, khu vực ô nhiễm... Vì thế, thời gian qua, ngành chức năng đã tăng cường phối hợp với địa phương, ngành Giáo dục tuyên truyền phòng chống SXH và TCM đến từng hộ gia đình thông qua lực lượng cộng tác viên y tế cơ sở, các chủ nhà trọ để mọi người hiểu rõ, nâng cao ý thức trong việc giữ gìn môi trường sống trong lành, sạch sẽ... Đặc biệt, khuyến cáo với mọi người tránh để con em mình tiếp xúc với những nơi không hợp vệ sinh và khi phát hiện trẻ có biểu hiện của bệnh thì phải lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị, không được áp dụng những biện pháp dân gian thiếu tính khoa học sẽ gây nên những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

HUỲNH HIẾU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.