Y tế - Sức khỏe
Phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết: Mỗi người dân cần tự bảo vệ chính mình và gia đình
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức lễ phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết”. Mục tiêu của chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc phòng, chống dịch bệnh. Vì hơn ai hết, mỗi người dân cần tự bảo vệ mình, gia đình và người thân trước những hiểm họa do dịch bệnh gây ra.
Đông đảo ĐV-TN và học sinh tham gia lễ phát động. Ảnh: Châu Khánh
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh do vi-rút Zika đang diễn biến phức tạp trên thế giới với tốc độ lây lan nhanh. Đến nay, có trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika, chủ yếu là các nước khu vực châu Mỹ. WHO đang tập trung nghiên cứu để xác định về mối liên quan của vi-rút Zika với hội chứng não nhỏ do sự gia tăng đột biến của các trường hợp mắc bệnh. Hiện, Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp dương tính với vi-rút Zika tại tỉnh Khánh Hòa và TP. HCM. Việt Nam đang lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes - là loại muỗi truyền vi-rút Zika nên nguy cơ dịch bệnh là rất cao.
Để chủ động phòng chống dịch, tại huyện Bình Chánh (TP. HCM), đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, các Viện Y tế dự phòng phía Nam, UBND TP. HCM, đại diện đơn vị y tế của 30 tỉnh, thành phía Nam và miền Trung - Tây nguyên phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi-rút Zika là hai bệnh truyền nhiễm được lây truyền từ cùng một “thủ phạm” là muỗi vằn Aedes aegypti rất phổ biến ở Việt Nam. Trong đó, TP. HCM là một trong những địa phương trên toàn quốc có tỷ lệ người mắc bệnh sốt xuất huyết cao. Bộ trưởng nhấn mạnh, thông điệp mỗi người dân, mỗi gia đình hàng tuần hãy dành nửa giờ đồng hồ để thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng các hành động cụ thể như tiến hành thả cá vào dụng cụ chứa nước gia đình (lu, chum, vại); lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng; thay nước bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà (vỏ chai, lon bia, lon nước ngọt, lốp xe…). “Người dân phải chủ động tìm diệt muỗi, lăng quăng. Tổ trưởng tổ dân phố ấp, xã, phường, công an viên… sẽ tăng cường giám sát để nhắc nhở; nếu người dân tái vi phạm các hành vi để muỗi, lăng quăng sinh sôi thì sẽ ứng dụng mức xử phạt hành chính nặng nhất…”.
Tại lễ phát động ở Bạc Liêu, bác sĩ Nguyễn Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người đã kêu gọi các cấp chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh bằng cách tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika gây ra (bệnh teo não) và bệnh sốt xuất huyết. Ngay sau lễ phát động, hàng trăm ĐV-TN đã tham gia diễu hành trên các tuyến đường chính của TP. Bạc Liêu, tuyên truyền, kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
TRÚC LY
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên