Y tế - Sức khỏe
Những lưu ý khi chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B
Thống nhất chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B là kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vào chiều 3/6/2023.
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: C.K
Trong hơn 3 năm qua, để chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch, đã có nhiều quy định, biện pháp đặc thù chưa có tiền lệ nên khi chuyển nhóm bệnh sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ. Trong đó, các chính sách cụ thể liên quan đến việc khám chữa bệnh COVID-19 khi chuyển xuống nhóm B vẫn đang được xây dựng.
Trao đổi với truyền thông, PGS-TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết: Chúng ta có thể công bố hết dịch truyền nhiễm và thẩm quyền công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm là thuộc Bộ Y tế và UBND các địa phương. Chúng ta sẽ xem xét đánh giá về quy mô dịch, có thể công bố ở mức độ toàn quốc hoặc là công bố ở mức độ của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Trước khi chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, chúng ta đã có nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B, ví dụ các hoạt động đi lại, không bắt xét nghiệm, không cách ly… Nếu như là bệnh nhóm B một cách đúng nghĩa, vấn đề chính sách của người dân không được miễn phí nữa, đặc biệt một số bệnh nhóm B mà không trong chương trình tiêm chủng mở rộng phải mất tiền tiêm vắc-xin.
Nhưng COVID-19 là một bệnh có tính chất đặc thù, nên một số chính sách ví dụ: Vào viện không có bảo hiểm y tế thì thanh toán như thế nào, đối tượng nào phải tiêm vắc-xin, đối tượng nào được miễn phí hoặc đối tượng nào phải trả tiền… Những điều này chúng ta cần xem xét để có kế hoạch phù hợp, vừa đảm bảo kiểm soát tốt dịch nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người dân.
WHO mới công bố không còn tình trạng khẩn cấp đáng quan ngại nhưng chưa công bố hết đại dịch và nó là bệnh đặc thù nên có diễn biến phức tạp. Chúng ta công bố chuyển bệnh COVID-19 sang nhóm B, nhưng cần nghiên cứu các chính sách ví dụ vấn đề chữa bệnh cho người dân trả phí như thế nào, vấn đề tiêm vắc-xin và đặc biệt là kế hoạch và lộ trình tiêm vắc-xin.
T.L (TH)
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước