Y tế - Sức khỏe

Nâng cao y đức: Vấn đề cấp thiết hiện nay

Thứ Sáu, 09/01/2015 | 15:16

Trước những tác động xấu của cơ chế thị trường, vấn đề y đức, y nghiệp của người thầy thuốc ngày càng bị lung lay, mai một, làm nhạt nhòa hình mẫu về những lương y chân chính, hết lòng phụng sự nhân dân. Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp nâng cao y đức tỉnh Bạc Liêu lần I” đã diễn ra như một hồi chuông cảnh tỉnh để cán bộ ngành Y có dịp soi rọi lại chính mình…

GS-TS Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đ.K.C

Những “điệp khúc” buồn

Hơn 10 tham luận được các đại biểu trình bày và thẳng thắn thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội thảo xoay quanh nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay như: Thực trạng và giải pháp nâng cao y đức tại Bạc Liêu; Những hình mẫu nào cho y đức thời kinh tế thị trường; Y đức - mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân; Lấy cái tâm từ mẫu để trau dồi y đức; Tăng cường các giải pháp thực hiện tốt quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp gắn với Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Trong đó, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh và bày tỏ những bức xúc, chính kiến của bản thân trước những hiện tượng tiêu cực xuất hiện với tần suất ngày càng “dày” tại một số bệnh viện, trạm xá.

Những “điệp khúc” buồn về y đức, y nghiệp của một số cán bộ ngành Y thông qua những vi phạm về kê đơn thuốc; móc ngoặc chuyển bệnh nhân về phòng khám tư để trục lợi; cư xử thiếu lễ độ, tôn trọng đối với bệnh nhân; có thái độ thờ ơ, gây khó khăn với bệnh nhân và thân nhân người bệnh; xao lãng, tắc trách trong công việc, không hoàn thành tốt vai trò của một lương y… Đặc biệt, một số trường hợp do khả năng chuyên môn kém, ít kinh nghiệm, còn chủ quan, lơ là trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng làm tổn hại sức khỏe, tính mạng người bệnh; gây bức xúc cho thân nhân, gia đình, bất bình trong quần chúng nhân dân và làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành Y tế. Không chỉ vậy, hiện tượng nhận “phong bì”, tha hóa về đạo đức, tác phong của một số cán bộ ngành Y vẫn còn tồn tại như những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm vấy bẩn hình ảnh đẹp của những lương y chân chính.

Để lấy lại lòng tin của quần chúng, cộng đồng không có cách nào vẹn toàn hơn là mỗi cán bộ ngành Y hãy tự đánh giá, soi rọi lại chính bản thân để có sự điều chỉnh phù hợp. Vấn đề đặt ra là dùng chuẩn mực nào để đánh giá hình mẫu lý tưởng về người thầy thuốc giàu y đức, y nghiệp khi bản thân họ luôn phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường thời mở cửa và đấu tranh với hai vấn đề đối lập giữa thu nhập và cống hiến.

Một số giải pháp nâng cao y đức, y nghiệp

Bàn về việc làm thế nào để xây dựng được hình mẫu lý tưởng về người thầy thuốc giàu y đức, y nghiệp thời kinh tế thị trường, nhiều đại biểu đã đưa ra những hiến kế đầy tính thuyết phục. Trước tiên là tăng cường đầu tư nguồn lực cho ngành Y thông qua việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, mở rộng và nâng cấp quy mô giường bệnh; phát triển các bệnh viện tư nhân để giảm áp lực cho các bệnh viện công; tăng cường các loại hình đào tạo cán bộ sau đại học, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, bác sĩ liên thông; ban hành nhiều chính sách thu hút cán bộ ngành Y trình độ cao về tỉnh công tác.

Song song đó, cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao y đức cho cán bộ y tế, để họ nhận thức một cách sâu sắc về nghề cao quý của mình. Cần công khai thực hiện và trực số điện thoại đường dây nóng để giải quyết kịp thời những phản ánh của người dân về công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. Quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống của cán bộ, nhân viên thông qua chế độ phụ cấp, tạo nguồn thu nhập hợp pháp hàng tháng, đảm bảo tốt các điều kiện về môi trường làm việc; khen thưởng những gương sáng điển hình, cũng như có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với những sai phạm.

Điều đặc biệt là phải gắn việc nâng cao y đức, y nghiệp với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại cơ quan, đơn vị. Mỗi thầy thuốc nên là gương sáng để người bệnh noi theo về tác phong chuẩn mực, trách nhiệm và sự thân thiện. “Mỗi lương y cần tâm niệm, dù chúng ta đang hành nghề trong lĩnh vực công hay tư, khám bệnh lấy tiền, làm công ăn lương hay viên chức Nhà nước, thu nhập thấp hay cao thì cuộc sống và quá trình hành nghề của chúng ta đều luôn luôn đồng hành với hoàn cảnh bất hạnh của đồng loại…”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu - Trần Văn Khánh cho biết.

Y đức không có giới tuyến, không có hình mẫu tốt duy nhất nên việc ôn luyện và nhắc nhở nhau giữ gìn y đức, y nghiệp phải là một việc làm thường xuyên, lâu dài nhất là khi đội ngũ thầy thuốc phải sống và hành nghề trong cơ chế thị trường.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.