Y tế - Sức khỏe
Khi COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A
“Việc chúng ta thay đổi tên bệnh từ nhóm A sang nhóm B không tác động nhiều tới cộng đồng nhưng rất quan trọng với công tác phòng, chống dịch”, TS-BS. Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường đại học Y Hà Nội, cho biết.
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: C.K
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BỆNH TRUYỀN NHIỄM NHÓM A VÀ NHÓM B
Bệnh truyền nhiễm nhóm A là nhóm truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có mức độ lây lan nhanh, kèm theo tỷ lệ tử vong cao. Nhóm B là nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, nhưng tỷ lệ tử vong không cao.
Vào năm 2020, vi-rút SARS-CoV-2 lây truyền nhanh, độc lực cao. Đến thời điểm hiện tại, vi-rút có nhiều biến thể và rất dễ lây lan nhưng độc lực lại giảm thấp. Gần đây nhất là biến chủng XBB1.16 và những biến chủng sau này nữa có đặc điểm lây lan rất nhanh nhưng nguy cơ nhập viện, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất thấp.
COVID-19 hiện đã có vắc-xin phòng ngừa, diện bao phủ ngày càng lớn. Đây là yếu tố mang tính chất quyết định để một căn bệnh có nguy cơ cao trở thành căn bệnh truyền nhiễm kiểm soát được.
“Theo những tiêu chí đó thì hiện nay chúng ta hoàn toàn nắm bắt được, giám sát được các biến chủng của COVID-19. Bệnh có thể vẫn còn, vẫn lây lan, vẫn có thể xảy ra nhưng về cơ bản là không gây nặng và tử vong cao”, TS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nhiễm khuẩn Hà Nội, khẳng định.
Một điều nữa, bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn có tính chất lây cho người khác, vẫn phải có phác đồ điều trị riêng nhưng về cơ bản không phải áp đặt các biện pháp về hành chính, xã hội quá mức mà chủ yếu áp đặt các biện pháp về điều trị, cách ly đối với người nhiễm.
KHI COVID-19 KHÔNG CÒN LÀ BỆNH TRUYỀN NHIỄM NHÓM A
“Đưa một bệnh truyền nhiễm từ nhóm A xuống nhóm B có thể làm chúng ta thoải mái hơn, tôi nghĩ rằng điều đó hoàn toàn không phải bởi vì đường lây truyền của bệnh vẫn như vậy”, TS-BS. Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO, bày tỏ quan điểm.
Theo TS. Đạt, bệnh vẫn có nguy cơ lây lan, vẫn có nguy cơ tử vong. Việc chúng ta thay đổi tên bệnh từ nhóm A sang nhóm B không tác động nhiều tới cộng đồng nhưng rất quan trọng với công tác phòng, chống dịch. Chúng ta có thể hạ bậc các ứng phó quốc gia với COVID-19 nhưng bệnh vẫn cần được thông báo và cần được giám sát.
Khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B thì chúng ta cần coi như bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Các cơ quan quản lý cũng như Bộ Y tế cần nhanh chóng đưa ra hướng dẫn về việc vận dụng chẩn đoán điều trị trong tình hình mới để người dân đi khám ở cơ sở y tế có thể sử dụng thẻ BHYT trong chi trả khám chữa bệnh một cách thuận lợi. Ban hành các hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý để hệ thống y tế vận hành một cách trơn tru nhịp nhàng, để người dân biết cách chăm lo sức khỏe trong tình hình mới khi bệnh COVID-19 chuyển sang nhóm B.
Đặc biệt, người dân cần ý thức là mầm bệnh luôn tiềm ẩn xung quanh chúng ta và chúng ta muốn khỏe mạnh thì phải thực hiện tốt “2K” (rửa tay, đeo khẩu trang). Sự bình thường hóa này rất quan trọng, nó không còn là rào cản đối với quyền được tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người dân, thậm chí họ được điều trị tốt hơn.
Chúng ta thay đổi hành vi để giúp cộng đồng được an toàn hơn khi gặp các vấn đề liên quan đến các bệnh nhóm B. Vì trong giai đoạn đỉnh điểm năm 2021, người mắc COVID-19 bị đưa đến khu vực điều trị riêng biệt, điều này làm cho việc tiếp cận điều trị bệnh nền của họ bị ảnh hưởng. Đã có rất nhiều người tử vong không phải vì COVID-19 mà là vì bệnh nền của họ không được xử lý đúng và kịp thời.
TRÚC LY (theo VOV)
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước