Y tế - Sức khỏe

Giúp người khuyết tật có ý thức vươn lên

Thứ Ba, 03/11/2015 | 09:48

Bà Lê Thu Đãnh (bìa phải), Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) tặng quà gia đình ông Lê Văn Cận. Ảnh: C.T

Trợ giúp người khuyết tật (NKT) - những con người vốn chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi không chỉ là hỗ trợ trực tiếp về mặt vật chất hay tạo điều kiện để họ hưởng thụ về mặt tinh thần, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ hiểu biết và có ý thức tự vươn lên. Giúp NKT không tự ti, mặc cảm mà luôn phấn đấu vươn lên, bước qua những bất hạnh để sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội là cách giúp đỡ NKT có ý nghĩa nhất.

Câu chuyện ở một gia đình bất hạnh

Khi nói đến đề án trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh, bà Lê Thu Đãnh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) đã đề cập nhiều đến ý thức tự vươn lên của chính NKT. Là một  trong những người đi tiên phong trong việc đề ra những sáng kiến cho các chính sách bảo trợ xã hội khi áp dụng vào thực tế ở các địa phương nên bà Đãnh cũng là người gần gũi với những đối tượng xã hội cần sự trợ giúp, trong đó có NKT. Một trong những sáng kiến ấy là tổ chức những buổi tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Nhà nước dành cho NKT. Bởi theo bà Đãnh, chỉ khi tiếp xúc với họ thì mới biết họ thiếu và cần những gì, khi đó ngành chức năng sẽ có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực nhất.

Trong một buổi tuyên truyền về Luật NKT tại một địa bàn vùng sâu huyện Phước Long, một thanh niên khuyết tật (khiếm thị) - Lê Văn C. (26 tuổi) đã bày tỏ nguyện vọng với bà Lê Thu Đãnh. Em kể: nhà em có nhiều người bị khuyết tật, và đa số là quanh quẩn ở nhà chịu cảnh mù lòa, tật nguyền, chẳng có nghề nghiệp để làm ra tiền. Vì vậy em muốn thay đổi cuộc đời mình, giúp ích bản thân và giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình. Kể từ buổi gặp gỡ đó, Lê Văn C. đã được bà Thu Đãnh giới thiệu vào sinh hoạt và học nghề tại Hội Người mù tỉnh.

Qua lời kể của người thanh niên mù Lê Văn C., chúng tôi tìm đến gia đình em (ấp Mỹ Tân, huyện Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) - một gia đình cam chịu nhiều bất hạnh. Đó là hộ của ông Lê Văn Cận (64 tuổi) - cha của em. Ông Cận đã phải chịu cảnh tăm tối, bất hạnh kể từ khi ông chào đời. Khi ông cưới được vợ, người vợ nghèo lại bị khuyết tật ở môi.  Rồi lần lượt 5 đứa con chào đời, ngỡ là niềm an ủi cho đôi vợ chồng, nào ngờ trong 5 người con thì có đến 4 người bị khuyết tật: người giống cha, người giống mẹ; hai đứa cháu trong nhà cũng bị khuyết tật ở mắt… Chỉ có người con gái thứ hai (không bị khuyết tật) là đi làm thuê ở TP. HCM. Những người bất hạnh còn lại trong gia đình đều gần như thất nghiệp hoặc làm những chuyện lặt vặt như ai thuê gì làm đó, cấy lúa mướn…

Lê Văn C. là con út của ông Cận. Được sinh hoạt, học nghề ở Hội Người mù tỉnh mới mấy tháng, nhưng với em, đó là tia hy vọng, ánh sáng nhỏ nhoi chiếu vào cuộc đời em. Em điện thoại về cho cha mẹ với lòng phấn khởi rồi nhắn với người anh ruột hãy đưa đứa cháu trong nhà (người cháu trai 17 tuổi cũng bị dị tật ở mắt) đến Hội Người mù tỉnh để học nghề. Em ý thức được điều quý giá nhất mà một NKT nên hiểu: Bản thân phải tự vươn lên, đừng chấp nhận và đầu hàng nghịch cảnh!

Chung tay chăm lo NKT

Gia đình ông Cận được đề cập trên đây chỉ là vài trong số gần 12.000 đối tượng xã hội là NKT - một con số đủ dấy lên nỗi ám ảnh và cần sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, giúp họ có một bệ đỡ để vươn lên. Họ là những người chịu dị tật bẩm sinh, nhưng cũng không ít người chịu thương tật do hậu quả của tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường, bệnh tật…

Các chính sách xã hội tỉnh đã và đang triển khai thực hiện gồm trợ cấp chất độc hóa học, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội (cho trên 3.000 người, trong đó có 72 trẻ em tàn tật được nuôi dưỡng ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội). Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện quan tâm trợ giúp NKT có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ họ vượt lên chính mình, trợ cấp khám chữa bệnh, học bổng, miễn giảm học phí… Hội Người mù được thành lập cũng trở thành mái nhà chung để tạo cho họ tổ chức “tự lực” chăm lo đời sống tinh thần, vật chất, giúp họ dần dần hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.

Đề án trợ giúp NKT tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức của xã hội và bản thân NKT, tạo điều kiện cho NKT sớm hòa nhập cộng đồng và khuyến khích sự nỗ lực tự vươn lên của họ. Qua những buổi tuyên truyền lưu động, Luật NKT từng bước đi vào cuộc sống, giúp mọi người dần hiểu, có thái độ ứng xử đúng đắn và hỗ trợ NKT xung quanh mình. Đề án đã hỗ trợ, tạo điều kiện để thành lập tổ chức “tự lực” của NKT, tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ khuyết tật được học tập nâng cao kiến thức và được học nghề, vay vốn, được tạo việc làm phù hợp; nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng cho NKT là trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng; trợ giúp tiếp cận và sử dụng thông tin, viễn thông; tạo điều kiện cho NKT tiếp cận các chương trình an sinh xã hội và chương trình giảm nghèo, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao, trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình giao thông công cộng; trợ giúp pháp lý cho NKT…

Những kết quả đạt được như đã qua chỉ là bước khởi động trong công tác chăm lo NKT. Thiết nghĩ, để phần việc đầy ý nghĩa này thật sự hiệu quả hơn nữa và mang tính căn cơ, có những việc cần tiếp tục tập trung quan tâm. Đó là tăng cường sự tham gia của người dân, đặc biệt là chính bản thân NKT - giải pháp quan trọng hàng đầu. Ngành chức năng thông tin đầy đủ tới người dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NKT và gia đình NKT. Tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có những đóng góp trong việc trợ giúp pháp lý NKT, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật NKT, các chính sách của Nhà nước về NKT, không phân biệt đối xử với NKT…

Quỳnh Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.