Y tế - Sức khỏe
Đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần giảm thiểu lây nhiễm HIV
Dịch HIV/AIDS hiện vẫn đang là mối đe dọa trực tiếp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tương lai nòi giống của dân tộc. Thời gian qua, dù tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống căn bệnh thế kỷ này, tuy nhiên dịch HIV đang ở giai đoạn tập trung và có xu hướng lan rộng ra cộng đồng. Tính đến ngày 31/10/2016, toàn tỉnh có 2.663 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 1.710, số người chết do AIDS là 918; người nhiễm HIV có ở 100% xã, phường, thị trấn, mọi lứa tuổi và mọi thành phần trong xã hội.
Quang cảnh buổi hội thảo triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: T.Đ
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 diễn ra từ ngày 10/11 - 10/12 với chủ đề: “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam” do Liên Hiệp Quốc phát động. Đây là năm thứ ba liên tiếp, Việt Nam tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu này. Những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phòng chống HIV/AIDS như: 8 năm liền dịch HIV được kiểm soát ở cả 3 tiêu chí (giảm số người nhiễm mới HIV hàng năm, giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do HIV/AIDS).
Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2016 hướng tới mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Theo đó, vận động và tuyên truyền thay đổi hành vi, mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng vi-rút cho người nhiễm HIV.
Nếu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình - điều này cho thấy công tác giám sát và xét nghiệm đã được làm tốt. Từ đó, ngành chức năng có thể tiếp cận, quản lý, tư vấn, cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV. Nếu 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV liên tục thì không những công tác điều trị sớm chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV được thực hiện tốt mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng. Và nếu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định, tức là tải lượng vi-rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của bệnh nhân.
Như vậy, mỗi mục tiêu là một dấu mốc hết sức quan trọng để khẳng định những kết quả của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa của mỗi người trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì nó không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Việt Nam mà cả với cộng đồng quốc tế, là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Trong những năm qua, nhờ những hoạt động tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV đã được mở rộng, số bệnh nhân điều trị ARV cũng tăng cao. Đặc biệt, tỉnh cũng tập trung nhân rộng mô hình điều trị Methadone và đẩy mạnh chương trình can thiệp giảm hại giúp người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh cũng được củng cố, nhân rộng nhằm giảm số người nhiễm mới HIV, tỷ lệ chết do AIDS, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS.
Để tiến tới mục tiêu ba không: "Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV", các cấp, các ngành cần tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, tạo thành phong trào rộng khắp, không phân biệt đối xử với những người chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS; cùng chung tay, chia sẻ, động viên những người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập với cộng đồng. Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, đảm bảo mục tiêu để mọi người đều được tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tốt nhất.
BS. Huỳnh Thị Thu Đông
(Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh)
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên
- Khẩn trương chuẩn bị đại hội Đảng cấp cơ sở