Y tế - Sức khỏe
Chăm sóc phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai
Để tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cần được điều trị phù hợp với chế độ chăm sóc khoa học.
Theo các chuyên gia, mẹ nhiễm HIV khi mang thai và gia đình cần lưu ý một số điều sau đây:
Tư vấn và giáo dục sức khỏe cho phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai
Điều này có vai trò hết sức quan trọng, giúp người phụ nữ có đủ thông tin để quyết định việc đình chỉ thai nghén hoặc tiếp tục mang thai, sinh đẻ và nếu quyết định mang thai, sinh đẻ sẽ biết cách tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và thai nhi một cách tốt nhất.
Chế độ dinh dưỡng
Phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cần được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, lượng thức ăn cần tăng ít nhất 1/4, tăng số bữa ăn hàng ngày đồng thời tăng chất để đảm bảo sự phát triển của mẹ và con (thịt, cá, tôm, sữa, trứng, đậu, dầu ăn, rau, quả tươi. Nên ăn 4 - 6 lần trong ngày để hấp thu tốt. Lưu ý, mẹ bầu không được bỏ bữa, không ăn uống qua loa hay chỉ uống nước cho no. Ngoài ra, thai phụ nên thay đổi món ăn để ăn ngon miệng, không nên ăn quá mặn, không dùng đồ uống chứa chất kích thích; không nên uống thuốc nếu không có chỉ định của thầy thuốc; không dùng thuốc xổ…
Về chế độ làm việc khi mang thai
Các bà bầu vẫn có thể lao động theo khả năng, xen kẽ nghỉ ngơi, không làm việc ban đêm; Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi/trẻ, các mẹ cũng lưu ý không làm việc nặng vào những tháng cuối của thai kỳ và tránh tiếp xúc với các yếu tố độc hại và hóa chất.
Phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cần được tư vấn về các hỗ trợ tâm lý, xã hội
Với những phụ nữ mới được phát hiện nhiễm HIV khi mang thai, việc nhận kết quả HIV dương tính cũng sẽ gây ít nhiều ảnh hưởng nặng nề về tâm lý cho họ. Sau một thời gian nhất định, khi người phụ nữ đã vượt qua những khủng hoảng ban đầu, họ bắt đầu chấp nhận tình trạng nhiễm HIV. Khi có hỗ trợ về tâm lý và xã hội sẽ giúp phụ nữ nhiễm HIV có thái độ tích cực vào cuộc sống tương lai và tiếp tục sống với bệnh tật một cách có ích.
Khám và quản lý thai nghén đều đặn
Việc khám và quản lý thai nghén sẽ giúp người phụ nữ nhiễm HIV đảm bảo theo dõi sức khỏe trong khi mang thai và sinh đẻ an toàn, tiếp cận và nhận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Với những phụ nữ nhiễm HIV mang thai đang được điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV) cho bản thân khi có thai cần được tiếp tục điều trị tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nhưng cũng cần thông báo cho cả bác sĩ sản khoa (người chịu trách nhiệm khám thai) và bác sĩ điều trị biết vì một số loại thuốc kháng HIV có thể có ảnh hưởng đến thai, đặc biệt là khi dùng trong 3 tháng đầu khi mới có thai.
Quản lý và điều trị
Bên cạnh việc chăm sóc thai nhi như những bà mẹ khác, người mẹ nhiễm HIV còn cần được uống thuốc điều trị ARV và điều trị về HIV phòng tránh lây truyền sang con. Sau khi được xác định HIV dương tính, phụ nữ mang thai sẽ được giới thiệu đến cơ sở y tế để được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút ARV, việc điều trị sẽ không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào CD4, không phụ thuộc vào các giai đoạn của thai kỳ. Điều trị ARV trong suốt thời kỳ mang thai, trong khi chuyển dạ, sau khi sinh con và tiếp tục điều trị đến suốt đời.
B.T (tổng hợp)
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên