Y tế - Sức khỏe

Bảo đảm an toàn cho trẻ khi tiêm vắc-xin sởi – rubella

Thứ Sáu, 10/10/2014 | 16:58

Ngành Y tế tỉnh đang triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi trên địa bàn tỉnh. Thời gian triển khai từ tháng 10/2014 - 2/2015. Để bảo đảm an toàn cho trẻ khi tiêm, ngành Y tế đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, các điều kiện an toàn tại các điểm tiêm vắc-xin…

Để chuẩn bị cho chiến dịch này, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc-xin, vật tư tiêm chủng đúng quy trình, quy định. Tổ chức tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ tuyến huyện, xã; kể cả y tế khóm, ấp. Tổ chức tốt công tác điều tra đúng quy trình khi có trường hợp phản ứng sau tiêm chủng xảy ra trong chiến dịch tiêm chủng. Sẵn sàng có mặt giải quyết mọi khó khăn và hỗ trợ cho tuyến cơ sở khi có yêu cầu.

Tiêm ngừa bệnh rubella tại Trung tâm Y tế TP. Bạc Liêu. Ảnh: Châu Khánh

Ngành Y tế tỉnh cũng đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Bạc Liêu, Đài PT-TH, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về ý nghĩa, lợi ích, lịch tiêm chủng… của chiến dịch.

Các bệnh viện tỉnh, huyện chuẩn bị sẵn cơ số thuốc cho điều trị tại chỗ và phương tiện chuyển viện khi cần thiết. Thành lập các đội điều trị cơ động của các bệnh viện để hỗ trợ khám sàng lọc tại các điểm tiêm, điều trị cho tuyến dưới khi có các trường hợp tai biến trong tiêm chủng.

Trung tâm Y tế huyện, thành phố huy động nguồn lực và các ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện chiến dịch tại địa phương. Phối hợp với bệnh viện huyện tổ chức tốt công tác khám sàng lọc, cấp cứu kịp thời các trường hợp tai biến xảy ra trong chiến dịch tiêm chủng. Phối hợp với Đài truyền thanh huyện, thành phố, Ban Văn hóa - Thông tin của xã để tuyên truyền giáo dục cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích của việc tiêm chủng.

Tuyến xã có trách nhiệm lên kế hoạch triển khai cụ thể chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella năm 2014 - 2015 của địa phương. Thống kê số liệu một cách chính xác trước, trong và sau chiến dịch. Trạm Y tế xã phối hợp với Ban Văn hóa - Thông tin xã thông báo với các ấp và tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích và lịch tiêm chủng cho nhân dân trên địa bàn.

Vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân và để hưởng ứng chiến dịch tiêm sởi - rubella trên địa bàn tỉnh thành công, các ngành, các cấp kết hợp với chính quyền địa phương triển khai những hoạt động cụ thể trong chiến dịch. Cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, đưa con em mình đến các điểm để được tiêm chủng; chủ động đưa thông tin về thực hiện chiến dịch cho các cơ quan truyền thông. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế chủ động, phối hợp tổ chức tốt chiến dịch ở các địa phương, đặc biệt là phối hợp với ngành Giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN… để triển khai các hoạt động tuyên truyền và các phối hợp khác để triển khai chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Quốc Vĩnh

Những điều cần biết khi tiêm vắc-xin sởi – rubella

Hầu hết các trường hợp có đáp ứng miễn dịch với sởi - rubella sau tiêm vắc-xin và miễn dịch là bền vững suốt đời. Tuy nhiên, vắc-xin sởi có thể gây ra sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng.

Hầu hết các trường hợp tự khỏi trong vòng 2 - 3 ngày mà không cần chăm sóc y tế. Sốt nhẹ chiếm 5 - 15% sau khi tiêm và kéo dài trong 1 - 2 ngày. Phát ban xảy ra trong khoảng 2% người được tiêm, thường bắt đầu từ 7 - 10 ngày sau khi tiêm và kéo dài 2 ngày. Các tác dụng phụ nhẹ xảy ra ít hơn ở liều tiêm thứ 2.

Vắc-xin rubella chủ yếu gây ra các dấu hiệu ở khớp như đau khớp (25%), viêm khớp (10%) ở trẻ vị thành niên và phụ nữ, thường kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần. Phản ứng này rất hiếm ở trẻ em và ở nam giới tiêm vắc-xin sởi - rubella (0 - 3%). Sốt nhẹ và phát ban, nổi hạch, đau cơ, dị cảm là những triệu chứng thường gặp.

Một số phản ứng nặng hiếm gặp là giảm tiểu cầu là dấu hiệu rất hiếm với tỷ lệ báo cáo dưới 1/30.000 liều dùng. Sốc phản vệ cũng rất hiếm gặp. Các nghiên cứu cho thấy phản ứng của hệ thần kinh trung ương không liên quan trực tiếp đến vắc-xin.

Những trường hợp đã được chẩn đoán xác định là mắc bệnh sởi và rubella thì không phải tiêm vắc-xin sởi - rubella vì người mắc bệnh thường có miễn dịch bền vững với các bệnh này. Tuy nhiên, nếu chỉ mắc sởi hoặc mắc rubella hoặc chưa biết chắc chắn đã mắc các bệnh này thì việc tiêm vắc-xin phối hợp sởi - rubella để phòng đồng thời 2 bệnh là cần thiết.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu tiêm vắc-xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố như còn tồn lưu miễn dịch thụ động do mẹ truyền, hay hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh... Việc tiêm mũi thứ hai vắc-xin sởi lúc 18 tháng tuổi là cơ hội để tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc trẻ bị bỏ sót chưa được tiêm vắc-xin sởi, từ đó giúp tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.

Nếu trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đúng lịch thì trẻ có thể được bảo vệ khỏi bệnh sởi. Tuy nhiên, trẻ chưa được bảo vệ phòng bệnh rubella nên cần được tiêm vắc-xin phối hợp sởi - rubella. Việc nhắc lại thêm 1 mũi sởi nữa không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nếu đã tiêm 1 mũi vắc-xin sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella, trẻ vẫn cần được tiêm thêm 1 mũi vắc-xin sởi - rubella trong chiến dịch (trừ trường hợp mới tiêm trong vòng 1 tháng gần đây.)

Bà mẹ cần cho trẻ ăn no trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng. Chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như: trẻ đang mắc bệnh, đang điều trị, có dị tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng, đặc biệt có các phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, phát ban, sưng nề vùng tiêm... Đồng thời phải hỏi cán bộ y tế về loại vắc-xin được tiêm chủng lần này, những phản ứng có thể gặp và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

Cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, dị ứng nổi mề đay, phát ban... Nếu trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Không được đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.

Cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (>39oC), co giật, khó thở, tím tái, phát ban... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.

Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng, có thể trực tiếp đến trạm y tế xã, phường để được tư vấn thêm về cách chăm sóc trẻ.

Bác sĩ Kiều Đình Thái

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.