Xuân Kỷ Hợi 2019
Khát vọng Bạc Liêu
* Nguyễn Duy Hoàng
Không phải bây giờ tôi mới cảm nhận được tinh thần khát vọng vươn lên của người Bạc Liêu. Đã từ lâu lắm, tinh thần và ý chí đó đã được âm thầm bền bỉ dưỡng nuôi qua bao thế hệ. Chỉ có điều cấp độ từng lúc khác nhau. Độ nóng từng lúc có khác nhau. Có cả sự chi phối và sự hạn chế bởi điều kiện lịch sử. Nên đôi khi khát vọng cũng chỉ là khát vọng vì “lực bất tòng tâm”…
Cánh đồng điện gió. Ảnh: P.T.C
Sắc xuân. Ảnh: Minh Triết
Còn nhớ năm 1997, trong hành trình về lại Bạc Liêu, trong tâm thức và “trong ba lô” mỗi người luôn đầy ắp niềm tin và hy vọng. Mỗi người theo đuổi một ước mơ hoài bão cho riêng mình. Nhưng cái chung nhất đáng trân trọng là khát khao vực dậy quê nghèo.
Với Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, ngay khi việc “an cư” còn nhiều bề bộn, Tỉnh ủy đã ban hành ngay quyết sách đầu tiên. Quyết sách hướng về nông dân, nông thôn, vùng căn cứ cách mạng. Xóa đói, giảm nghèo được xác lập là nhiệm vụ số một trong quyết sách đầu tiên ấy. Bởi cái nghèo của nông thôn lúc bấy giờ là nỗi day dứt đến khôn cùng, gần 30% người dân (phần lớn là nông dân) thiếu đói. Chỉ có tập trung cho nông dân, nông thôn mới vực dậy Bạc Liêu trong giai đoạn khốn khó này.
Nhiệm vụ số hai là giao thông nông thôn. Giao thông Bạc Liêu lúc bấy giờ vẫn là đò ngang cách trở. Giao thông thủy là phương tiện chính trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của hầu hết nông dân. Giao thông bộ vẫn còn xa lạ với nhiều người - dù nông thôn Bạc Liêu bấy giờ sắp bước vào cái mốc thời gian của thế kỷ 21 (thế kỷ 21 được tính từ ngày 1 tháng 1 năm 2001).
Nhiệm vụ kế tiếp là y tế, giáo dục cho nông thôn. Một khi cái ăn còn chưa no thì chuyện chăm sóc sức khỏe và chuyện học hành là điều “xa xỉ” trong suy nghĩ của người nghèo. Và vì vậy mà nghèo - thất học, thiếu kiến thức - nghèo là cái vòng luẩn quẩn đeo bám suốt một thời với người nông dân, nông thôn…
Tôi quay một vòng trở về quá khứ (cái quá khứ cách đây chưa xa) không phải để phiền muộn quê nghèo, cũng không phải để liệt kê thành tích, vì sau đó 10 năm, hình ảnh đói nghèo, lộ làng giao thông, y tế, trường học đã được thay bằng những chiếc áo mới (có hẳn số liệu, thống kê nhưng không có điều kiện chi tiết ở đây). Điều tôi muốn nói là “phép màu” nào đã làm nông thôn Bạc Liêu thay da, đổi thịt chỉ trong 10 năm? Câu trả lời duy nhất đúng không gì khác ngoài cái quyết sách đầu tiên ấy. Đó là một quyết sách đúng và trúng. Đúng thời điểm - đúng đối tượng - đúng vấn đề. Nhưng sâu xa hơn, bởi quyết sách đó chan chứa một tinh thần vì dân, lo cho dân, khơi dậy đúng khát vọng bao đời của nhân dân.
Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Khi ước mơ, khát vọng, sự chung sức quyện vào nhau thì “không gì là không thể”. Và khi “điểm nghẽn” đã được khơi thông thì khát vọng và hiện thực chỉ còn cách nhau ở… lòng quyết tâm!
* * *
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lần về Bạc Liêu tham dự và chỉ đạo Hội nghị Xúc tiến đầu tư đầu năm 2018 đã gợi mở: Phải biết khát vọng vươn lên, có tầm nhìn trong phát triển, biết khai thác hiệu quả bền vững tiềm năng, lợi thế gắn với xu hướng công nghệ mới… Bạc Liêu hoàn toàn có thể trở thành “viên ngọc xanh” bên bờ biển Tây Nam của Tổ quốc. Đây là sự chỉ đạo vừa có tính cụ thể hóa về đường hướng phát triển trong hiện tại và cả tương lai cho một Bạc Liêu còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức.
Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương trong bất kỳ hội nghị nào, trong các buổi làm việc ở phạm vi hẹp hay trong các cuộc trò chuyện đời thường… thì sự khát vọng vươn lên luôn được ông khơi dậy và truyền cảm hứng đến mọi người. Có thể nói khát vọng vươn lên đã thường trực trong tiềm thức, trong ý thức người đứng đầu và các thế hệ lãnh đạo Bạc Liêu.
Điều đó được thể hiện ngay trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và được Hội nghị giữa nhiệm kỳ (2018) một lần nữa khẳng định: Đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh khá trong khu vực và trung bình khá trong cả nước ở cuối nhiệm kỳ (2015 - 2020) – Một quyết tâm chính trị chứa đựng tinh thần khát vọng rất cao độ của toàn Đảng bộ và nhân dân!
“Bạc Liêu không tham vọng là người đi đầu, nhưng nhất quyết không là người đến sau”. Đây là tuyên bố của Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung trong các cuộc họp báo khi so sánh tiềm lực các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bứt phá vươn lên không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự mong muốn, đòi hỏi với sức thôi thúc mạnh mẽ trong mỗi người dân Bạc Liêu trong tiến trình vượt lên chính mình. Nói cách khác, đây là sự đòi hỏi của lịch sử, là mệnh lệnh của trái tim của bao lớp người trăn trở, tha thiết với quê hương.
Để hiện thực hóa những điều này, Bạc Liêu đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, cân nhắc, lựa chọn từng bước đi căn cơ, vững chắc. Xác định 5 trụ cột cơ bản, trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội làm đòn bẩy vực dậy nền kinh tế. Trong đó nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là trụ cột số một. Thứ hai là năng lượng tái tạo (điện gió, điện khí và điện mặt trời). Thứ ba là du lịch. Thứ tư: giáo dục, y tế chất lượng cao. Thứ năm là phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng. Trong mỗi trụ cột, tự thân nó phải làm vai trò đầu tàu kéo các thành tố vệ tinh xoay quanh để cả hệ thống cùng vận động, phát triển.
Ví như trong nông nghiệp. Trên cái nền chủ đạo là cây lúa, con tôm thì hàng loạt vấn đề kéo theo như sản xuất giống, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, rồi nhà máy chế biến, xuất khẩu, thị trường cũng được tính đến. Hay như trụ cột năng lượng, không chỉ quan tâm đến tính năng từ dòng điện năng mà dưới chân cột điện sẽ là kinh tế biển, là du lịch, dịch vụ với các mô hình phù hợp kết hợp… Trong du lịch, không chỉ chú trọng đến sản phẩm du lịch, lượng khách đến tham quan, lưu trú mà giao thông, khách sạn, nhà hàng, ẩm thực đặc trưng, rồi việc xây dựng hình ảnh Bạc Liêu thân thiện, hiếu khách, nghĩa tình cũng được coi trọng… để làm sao tạo ra được chuỗi giá trị liên hoàn, không chỉ có giá trị kinh tế mà cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng hướng đến mục tiêu này…
Cách đây 8 năm, trong bài viết “Phía trước là tương lai” đăng trên ấn phẩm Xuân Nhâm Thìn (2012), chính tôi - tác giả bài viết này cũng từng mơ ước, khát vọng cho bức tranh Bạc Liêu 10, 15 năm sau - tức tầm bây giờ: Tôi mơ ước: Khi đó, hạt lúa Bạc Liêu không chỉ làm tốt vai trò an ninh lương thực mà còn là chủ lực trong vai trò cạnh tranh trên thương trường. Con tôm Bạc Liêu bên cạnh nhiệm vụ đẻ ra… đô-la, còn làm chức năng trình diễn - như trình diễn nghệ thuật về cách thức nuôi tôm sạch, tôm siêu thâm canh, tôm áp dụng chế phẩm sinh học… cho người tham quan, học hỏi khắp nơi nhờ ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên vùng đất thiên thời - địa lợi - nhân hòa… Du lịch đã phát huy đúng mức chức năng của “ngành công nghiệp không khói”. Du lịch đủ sức làm chủ các tua, tuyến trong sự khép kín, nhịp nhàng, tự tin dẫn dắt du khách hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi các điểm du lịch rất độc đáo Bạc Liêu: Du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh… mang đậm cốt cách xứ sở Công tử Bạc Liêu, xứ sở của Đờn ca tài tử của bác Sáu Lầu.
Tôi nhẩm đến, “cái quỹ” ước mơ, khát vọng của mình hãy còn đến 5, 7 năm nữa nhưng bây giờ nhiều điều đã là hiện thực, cái chưa thành hình cũng đã dần ló dạng… Và tôi mạo muội đặt tên cho những thành quả này là: Khát vọng Bạc Liêu!
* * *
Có một câu triết lý rằng: “Thành công chỉ là những trạm dừng chân tạm thời trên hành trình mang tên khát vọng”. Ở thời điểm này, Bạc Liêu đã thành công trên nhiều lĩnh vực trong phát triển kinh tế - xã hội với những thành quả đáng trân trọng từ sự “nâng niu gom góp dựng cơ đồ” sau 2 thập kỷ tái lập tỉnh. Nhưng cũng khiêm tốn nói rằng, Bạc Liêu còn phải nỗ lực nhiều lắm, quyết liệt tăng tốc, vượt lên chính mình mới mong đạt được mục tiêu “tỉnh khá trong khu vực”.
Bạc Liêu phải làm gì, lựa chọn vấn đề gì, bước đi ra sao trên cái nền đã được định hình - Nên nhớ định hình cũng có nghĩa là cái đã có. Vì vậy sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng là điều tối cần thiết cho mọi quyết sách.
Rất mừng là khi Bạc Liêu triển khai “những vấn đề định hình” nhưng bằng tầm nhìn mới, tư duy mới, cách tiếp cận mới.
Động thái trước tiên là cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn. Việc điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã nói lên điều đó. Điểm đáng chú ý: Ở mỗi phân khúc của nền kinh tế đã xác định bước đi phù hợp. Trong nông nghiệp, tập trung tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững. Cây lúa, con tôm phát triển trên cái nền ứng dụng công nghệ cao, khép kín các công đoạn, tạo ra năng suất, chất lượng cao vừa để chủ động trong xuất khẩu hàng hóa, chủ động thị trường. Trong công nghiệp, tập trung cho các ngành công nghiệp tiềm năng là thế mạnh của tỉnh: Điện gió, điện khí, điện mặt trời, khai thác tối đa sự ưu đãi của thiên nhiên cho Bạc Liêu - ít nhất là ở giai đoạn hiện tại. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển đô thị theo chương trình phát triển đô thị quốc gia bên cạnh chú trọng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu… để rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, sẵn sàng “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến hợp tác làm ăn cùng có lợi. Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, cải cách hành chính, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững… cũng được quan tâm, chú trọng theo cách tiếp cận mới này.
Thế kỷ 21 là thế kỷ của biển, hướng ra biển, làm giàu từ biển là động lực được Bạc Liêu đặc mục tiêu với tâm thế “hướng ra biển lớn” trong xu thế thời đại và sự đòi hỏi bức thiết của Bạc Liêu. Bạc Liêu xem đây là trụ cột thứ 5 quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Làm chủ trên biển không chỉ là làm chủ khối tài sản vô tận của thiên nhiên mà còn làm chủ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…
Trong mỗi bước đi của Bạc Liêu hôm nay luôn thấm đẫm tinh thần: “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” bởi “không ai thông minh bằng tất cả chúng ta” như cách nói của một triết gia kinh điển.
Sự liên kết vùng, liên kết với các thành phố lớn là sự thôi thúc khát khao cho tinh thần “muốn đi xa”. Bạc Liêu ý thức rất sâu sắc tầm quan trọng của sự liên kết. Liên kết để chia sẻ cơ hội, tránh sự trùng lắp, dẫm đạp lên nhau, tránh sự cạnh tranh bằng mọi giá, tránh rủi ro, tránh khủng hoảng thừa - thiếu. Cái lớn hơn là liên kết để hỗ trợ nhau cùng phát triển đúng hướng. Liên kết sẽ tạo nên sức mạnh. Đồng thời liên kết để biết mình đang ở đâu trong vùng…
Đi liền với liên kết là việc học hỏi kinh nghiệm. Bạc Liêu xem việc khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm là một nhiệm vụ quan trọng, là động lực trong phát triển. Mỗi ngành, mỗi cấp tùy vào chức năng, nhiệm vụ của mình mà có kế hoạch, tổ chức học hỏi phù hợp. Học cách tổ chức, điều hành, học cách sản xuất tạo sản phẩm chất lượng. Học cách làm hợp tác xã, học cách chăn nuôi, học làm du lịch… Học ở tầm vĩ mô, vi mô, cái gì có lợi, áp dụng được cho ngành mình, cấp mình, phát huy được tiềm năng, hiệu quả là không bỏ qua. Có thể xem đây là một đức tính trong cách điều hành, cách tiếp cận: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”…
Vâng! đường hướng đã có. Tinh thần khát vọng vươn lên đã bắt đầu bùng cháy trong ý thức mỗi cán bộ, đảng viên, trong cả hệ thống chính trị, trong mỗi người dân Bạc Liêu. Vấn đề còn lại là ý chí và lòng quyết tâm.
Tôi tin một ngày không xa nữa, Bạc Liêu sẽ hiện thực hóa những ước mơ bao đời khao khát…
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh