Xuân Kỷ Hợi 2019
Chuyện về một dòng họ có 6 Mẹ Việt Nam anh hùng
Quê hương Hồng Dân anh hùng không chỉ được biết đến với căn cứ cách mạng Tỉnh ủy một thời, nơi yểm trợ cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt… hoạt động cách mạng. Sau hơn 40 năm nước nhà giành độc lập, những câu chuyện hào hùng của người dân xứ này vẫn được truyền tai nhau. Những người phụ nữ quanh năm với đồng đất nhưng sự kiên gan thì vững như thành đồng. Giữa mộc mạc làng quê này, có những gia đình cả ba thế hệ đều là những Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) được Tổ quốc ngợi ca.
Mỗi ngày, Mẹ VNAH - Đồng Thị Đức đều đặn thắp hương trên chiếc bàn thờ lớn của Bác Hồ đặt gần cửa chính.
Trọn tình non nước
Khi tiết trời se lạnh mang theo những cơn gió chướng của mùa xuân mới, tôi có được cái duyên về ấp Sơn Trắng (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) thăm dòng họ có 13 liệt sĩ, 6 Mẹ VNAH. Các mẹ đều là chị em, mẹ con trong một dòng họ. Từ quan hệ chị em bạn dâu giữa mẹ Tăng Thị Mùi và mẹ Lương Thị Danh, các con gái, con dâu của hai mẹ là Đồng Thị Tỉnh, Đồng Thị Đức, Nguyễn Thị Lâu, Lê Thị Nhãn lại nối tiếp truyền thống cách mạng, hiến dâng chồng, con và máu, nước mắt của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tên tuổi của 13 liệt sĩ trong gia đình được ghi danh, các mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý: Mẹ VNAH.
Mẹ Lương Thị Danh qua đời vào năm 2001. Thờ phụng mẹ hiện nay là cô con gái út Đồng Thị Huỳnh, 67 tuổi. Cô Huỳnh nhớ lại: Những ngày tháng thanh xuân cho đến ngày tôi xuất giá, cha mẹ còn trong nhà lao của giặc. Thời đó, có nhiều người ngỏ lời cưới hỏi tôi, qua lần thăm nuôi, anh trai tôi dò ý cha mẹ chọn ai làm rể. Ông bà chỉ nhẹ nhàng bảo “thằng nào theo cách mạng thì gả!”. Câu nói ấy, bao thế hệ con cháu khắc cốt đến tận bây giờ. Ở xã Vĩnh Lộc, gia đình mẹ Danh có bề dày thành tích kháng chiến được người dân nể trọng. Dòng họ nội, ngoại, dâu, rể của mẹ Danh đều nhất quyết vì nước quên thân. 10 người con (5 trai, 5 gái) đều tham gia cách mạng, 2 người hy sinh.
Dưới lớp áo tu hành của Cao đài Minh Chơn đạo, vợ chồng mẹ Danh len lỏi vào nơi nguy hiểm để móc nối liên lạc, đưa thư cho cán bộ hoạt động bí mật. Giặc biết nhưng không tài nào kết tội được người nữ cán bộ tài ba. Chúng đành bắt và bức cung mẹ bằng những đòn tra tấn dã man. Chiếc áo dài trắng mặc trên người nhuộm đỏ màu máu, điện giật chết đi sống lại nhưng mẹ vẫn một lòng theo Đảng và son sắt với cách mạng. Giặc 9 lần đốt nhà trả thù mẹ, các con mẹ mỗi người hoạt động một hướng, lấy căn cứ kháng chiến làm nhà. Mẹ còn vận động nhiều nữ tín đồ, chức sắc tham gia trên mọi lĩnh vực đấu tranh cách mạng với niềm tin sắt đá: Tin Đảng, tin Bác và tin cách mạng thì nhất định thành công!
Mẹ Danh mất ở tuổi 90, sau mấy mươi năm nước nhà thống nhất. Sống giữa thời bình, mẹ vẫn luôn nêu gương sáng, dạy bảo con cháu sống tốt đời - đẹp đạo và không thẹn với xương máu những người ngã xuống. Tiếp bước mẹ từ những năm chiến đấu, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, đến ngày đất nước ca khúc khải hoàn, cô Huỳnh lại trở thành Phó Hội trưởng Thánh thất Ngọc Vĩnh Đàn với cái tâm trong sáng, luôn đặt lợi ích nhân dân, lợi ích Tổ quốc lên hàng đầu.
Cô Đồng Thị Huỳnh bên di ảnh Mẹ VNAH - Lương Thị Danh. Ảnh: T.H
Người con anh hùng của gia tộc anh hùng
Mẹ VNAH - Đồng Thị Đức là người duy nhất còn sống của dòng họ có 6 Mẹ VNAH, cũng chính là con gái thứ năm của mẹ Lương Thị Danh. Với truyền thống yêu nước, thương con, đảm đang, trung hậu, Mẹ Đức sẵn sàng đưa chồng, con đi chiến đấu và tích cực làm tốt công tác tiếp tế nuôi quân để bộ đội ăn no đánh giặc.
Dáng người nhỏ nhắn, nhưng câu chuyện về mẹ lại rất lớn lao. Chồng hy sinh khi 10 đứa con còn nheo nhóc, mẹ gạt nước mắt, nén đau thương, một vai gánh vác gia đình, một vai chăm lo việc nước. Ở tuổi thiếu nhi, các con được mẹ Đức dạy cách ủng hộ cách mạng. Con trai biết tận dụng thời cơ lấy đạn của địch đem về cho du kích xã, cởi trâu đem cơm vô rừng, giúp mẹ chống xuồng chở bộ đội; con gái biết che giấu cán bộ, chăm sóc thương binh…
Ông Đặng Văn Thuần, con trai thứ 3 của mẹ Đức anh dũng hy sinh khi chiến đấu. Lúc ông bị thương lọt lại phía sau, giặc càn tới, bắn hàng loạt đạn vào cơ thể người chiến sĩ cách mạng rồi mổ bụng, moi gan treo lên đầu súng hòng đè bẹp ý chí của quân dân ta. Nhưng chúng đã lầm, càng gian khổ, hy sinh, quê hương Hồng Dân, những người con Vĩnh Lộc càng mạnh bước trên con đường đấu tranh, nhất quyết dù mất mát, hy sinh cũng phải đi đến ngày đất nước hòa bình, độc lập.
Mẹ Đức làm công tác hậu cần một cách tài tình. Con trai út mới 4 tháng, mẹ đã kẹp giữa chân rồi bơi xuồng trên sông đi lấy lúa, chà gạo tiếp tế cho bộ đội. Địch phát hiện, nhưng không lấy được gạo, chúng nhốt mẹ cùng đứa con sơ sinh vào trong chuồng cọp gần 2 tháng ròng. Cảnh ngục tù, ngày nắng cháy da, đêm sương lạnh buốt. Đứa bé khóc la, mẹ dùng bầu sữa dỗ dành con. Địch ra đủ chiêu trò hăm dọa, bắt mẹ viết lời khai 12 lần, mẹ vẫn chặt dạ sắt son. Rồi địch dụ dỗ mẹ cho đứa trẻ để được tha bổng, được chu cấp tiền sống an nhàn, mẹ trừng mắt, ghì chặt con vào lòng, bọn địch rút đi. Từ công tác đấu tranh trực diện, dân vận, hậu cần, băng rừng, lội mương, nuôi giấu, che chở cán bộ…, mẹ Đức đều không từ nan. Có những cái tết, một mình mẹ đi chà 120 giạ nếp. Nhà mẹ lúc nào cũng có bộ đội ẩn nấp. Có đêm đến vài chục người. Chính tay mẹ dùng lúa gạo của gia đình, đổi lấy thịt hộp, lương thực của Tây cho bộ đội “đổi vị”. Ngày đó, xung quanh nhà mẹ các đồn Bà Ai, Vàm Xáng, Bàu Gáng… bủa vây, nhưng người phụ nữ ngoan cường chưa khi nào khiếp sợ, lòng mẹ chỉ nhất quyết một lời thề đánh đuổi quân xâm lược.
Mùa xuân này, mẹ Đức bước vào tuổi 90. Đôi mắt vẫn rực sáng khi nhắc về cách mạng. Mẹ bảo: “Mẹ thương bộ đội bằng cả trái tim mình”. Nhìn mẹ, tôi chợt nhớ, nhà thơ Lê Giang đã từng cảm xúc viết: “Trái tim nhỏ hóa thành công sự nổi/ Vai khoác khăn tôi luyện thép nghìn cân”. Thật vậy, trên một vùng đất mà sắt thép có thể tan chảy thành nước nhưng những phụ nữ bằng xương bằng thịt lại đứng vững suốt cuộc chiến đấu và lập nên kỳ tích. Trong phút giây xúc động, tôi đã sà vào lòng mẹ, đặt lên đôi má ấm nóng của mẹ một nụ hôn - nụ hôn của lòng biết ơn, của lòng tự hào vô bờ!
Kính phục công lao to lớn và sự hy sinh vì nền độc lập của một dòng họ có 6 Mẹ VNAH nói riêng, các gia đình chính sách huyện Hồng Dân nói chung, thời gian qua, Huyện ủy - UBND huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, nâng cao đời sống gia đình chính sách. “Đặc biệt, xuân Kỷ Hợi 2019 này huyện đã vận động nguồn xã hội hóa để đến từng gia đình thăm hỏi và chăm lo các Mẹ VNAH còn sống có được cái tết sung túc, ấm áp”, ông Phan Thanh Duy, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, chia sẻ.
ĐÌNH HẢI
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước